PCT Hoàng Vĩnh Giang: “Đăng cai Asiad là một thắng lợi lớn với Việt Nam”
(Dân trí) - Phó Chủ tịch thường trực UB Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang khẳng định việc giành được quyền đăng cai Asiad sẽ giúp không chỉ thể thao Việt Nam mà mọi lĩnh vực khác cũng sẽ được hưởng lợi.
PV: OCA đánh giá thế nào về kế hoạch chuẩn bị của phía Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội?
Ông Hoàng Vĩnh Giang đánh giá đây là thắng lợi lớn của Thể thao Việt Nam
Tuy nhiên tất cả mới chỉ là kế hoạch, ngay cả đề án dự trù kinh phí 150 triệu USD để đang cai Asiad 18 có phần quá ít so với một sự kiện thể thao lớn nhất châu lục?
Cơ sở nào mà tôi lại đưa ra con số khiêm tốn này? Việc Chính phủ đồng ý cho phép Việt Nam xin đăng cai thì cũng đã có những tính toán cụ thể. Theo đó, nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020, ước khoảng 30 tỷ USD. Đặc biệt các dự án của thể thao sẽ được ưu tiên hoàn thành sớm trước năm 2020 để kịp phục vụ Asiad 18. Như vậy là trong hoạch chung của thành phố, ngành thể thao cũng tận dụng được và điều đó giúp cho Asiad giảm chi phí đáng kể về công tác tổ chức.
Địa điểm tổ chức và các nhà thi đấu luôn là khâu chuẩn bị rất quan trọng ở mỗi kỳ Đại hội thể thao. Với các cơ sở hiện tại, liệu có đáp ứng để tổ chức Asiad?
Ngoài khu thể thao Asian Games và Olympic Hà Nội, sẽ có khoảng 50 hecta xây dựng làng VĐV ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Cộng với hơn 200 hecta ở Mỹ Đình, cộng với tất cả các cơ sở vật chất từ SEA Games 23, AIG 3, Việt Nam tự tin sẽ tổ chức được Asiad 2019.
Chúng ta sẽ phải xây dựng những địa điểm thi đấu mới nào?
Hiện tại chúng ta đang thiếu một đường đua xe đạp lòng chảo, đua ngựa, hockey, bóng chày, bóng bầu dụ và đặc biệt là nhà thi đấu đa năng. Phía OCA cho biết nếu Việt Nam nhận quyền đăng cai, sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt.
Những địa điểm mới đều phải mất kinh phí quá lớn, vậy khoản 150 triệu USD dự trù liệu có đủ?
Chúng tôi sẽ phải có những kêu gọi đầu tư, liên doanh với nước ngoài. Chẳng hạn như đường đua dành cho xe đạp lòng chảo lên tới 200 hoặc 250 triệu USD, tức là còn nhiều hơn cả kinh phí tổ chức của cả Đại hội. Tuy nhiên, nhiều khả năng chúng tôi sẽ liên doanh với phía Hàn Quốc. Các địa điểm khác cũng vậy.
Làng VĐV dự kiến sức chứa lên tới 11.000 người chắc chắn sẽ tốn một khoản kinh phí vô cùng lớn?
Đây lại là vấn đề đơn giản nhất bởi làng VĐV sẽ được đấu thầu cho các doanh nghiệp. Sau khi Asiad kết thúc làng VĐV sẽ được chuyển thành các căn hộ cho người dân mua.
Ông có lo ngại cơ sở từ năm 2003 đến 2019 có quá lạc hậu?
Không đáng lo ngại bởi chúng ta chỉ cần nâng cấp, bảo dưỡng là được.
Vậy đánh giá OCA với công tác chuẩn bị của Việt Nam như nào, thưa ông?
Họ đã rất khâm phục Việt Nam, khâm phục thủ đô Hà Nội đã có một sự quan tâm đến con người, đến thể thao quần chúng và thành tích cao. Việc đề ra quy hoạch tổng thể phát triển thành phố nhưng đặt thể thao ở tầm quan trọng hàng đầu, ít quốc gia nào làm được như Việt Nam
OCA nhấn mạnh Việt Nam sẽ rất thành công nếu thực hiện kế hoạch đang có. Việc Việt Nam được quyền đăng cai Asiad, thì chính sân chơi này sẽ là động lực để quay lại thúc đẩy quy hoạch phát triển mà Việt Nam đã đề ra.
Theo ông việc đăng cai Asiad sẽ có những lợi ích gì?
Đăng cai Asiad là một thắng lợi lớn với Việt Nam. Trước tiên, chúng ta sẽ quảng bá được hình ảnh của mình, được giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia. Asiad sẽ kích thích các ngành dịch vụ, du lịch phát triển. Cùng với sự nâng cấp các công trình thể thao, mạng lưới giao thông, khách sạn...cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ. Nói chung không thể tính được hết những thứ mà chúng ta được hưởng lợi từ đăng cai Asiad.
Xin cảm ơn ông!
Hiểu Minh
Thực hiện