Ông trùm UFC Dana White giàu tới cỡ nào?
(Dân trí) - UFC, giải đấu MMA lớn nhất thế giới, có thể lớn mạnh như ngày nay là nhờ tài thao lược của ông trùm Dana White. Dưới đây là những điều bạn chưa biết về người đàn ông quyền lực của làng võ thế giới.
Trong làng võ thuật thế giới, không ai là không biết tới Dana White, người quyền lực nhất trong làng UFC trong 20 năm qua. Vị doanh nhân này có tài thao lược tuyệt vời và nâng tầm UFC (giải đấu đối kháng đỉnh cao) trở thành sự kiện lớn nhất trong làng MMA (võ tự do).
Dana White sinh năm 1969 tại Manchester (Anh). Ngay từ nhỏ, ông đã trải qua cuộc sống khắc nghiệt. Cha của ông đã bỏ đi từ khi Dana White còn là một đứa trẻ. Trong biến cố ấy, gia đình của ông đã chuyển sang Boston, Las Vegas rồi Maine.
Bản thân Dana White không theo sự nghiệp học hành. Ông đã dừng sự nghiệp học hành sau khi tốt nghiệp trường trung học Hermon ở Maine vào năm 1987.
Dana White có niềm đam mê mãnh liệt với môn quyền anh. Thế nhưng, sự nghiệp của ông cũng chỉ dừng ở mức độ nghiệp dư. Sau đó, ông mở một vài lò dạy môn quyền anh ở Boston và Las Vegas nhưng cũng không mấy khởi sắc.
Cuộc đời của Dana White chỉ bắt đầu sang trang khi ông biết được tới MMA. Và khi tiếp quản lại UFC, Dana White đã không biến đây trở thành giải đấu quyền anh mà hướng tới phát triển MMA (khi ấy còn khá mới mẻ).
Một trong những điều khiến cho Dana White bắt đầu theo đuổi MMA chính là những quy định khắc nghiệt liên quan tới tài chính của quyền anh. Đạo luật Muhammad Ali ra đời vào năm 2000. Nó yêu cầu những nhà quản lý phải thông tin tài chính và cấm các hợp đồng dài. Nó chẳng khác gì đạo luật "trói chặt" cái đầu kinh doanh siêu hạng của Dana White.
UFC hoạt động theo mô hình hoàn toàn khác. Họ ký hợp đồng dài hạn với các võ sĩ. Họ được trả tiền thù lao trong mỗi lần lên đài. Phần còn lại, số tiền bản quyền truyền hình, tài trợ quảng cáo đều chảy về két sắt của UFC. Đó là lý do vì sao mà tập đoàn này giàu mạnh tới vậy.
UFC được thành lập vào năm 1993 nhưng hoạt động khá lẹt đẹt, với quy mô nhỏ. Nó được Dana White cùng hai anh em Lorenzo và Frank Fertitta mua lại vào năm 2001 với giá trị 2 triệu USD. Phải nói thêm chi tiết là UFC đã được bán lại vào năm 2016 với giá 4 tỷ USD. Trong đó, với 9% cổ phần của UFC, Dana White đút túi 300 triệu USD.
Chủ sở hữu mới của UFC, tập đoàn Endeavour, có tham vọng phát triển UFC lớn mạnh hơn nữa, trở thành thương hiệu toàn cầu. Mặc dù Dana White đã bán cổ phần nhưng ông vẫn được giữ lại là Chủ tịch của UFC. Tập đoàn Endeavour nhấn mạnh rằng Dana White là tài sản lớn nhất của tập đoàn. Endeavour trả lương cho Dana White cũng theo cách "vô cùng đặc biệt". Ông nhận được mức lương tương đương với 9% lợi nhuận của UFC. Có nghĩa rằng càng đem về cho Endeavour nhiều lợi nhuận, mức lương của Dana White càng cao.
Mark Shapiro, Chủ tịch tập đoàn Endeavour từng nói về Dana White: "Ông ấy sống vì những người nói ông ấy không làm được và không thể chiến thắng. Những điều đó giống như năng lượng của dầu diesel chảy trong huyết quản ông ấy".
Theo ước tính của Wealthy Gorilla, tổng tài sản của Dana White lúc này lên tới 500 triệu USD, tức gấp 5 lần tài sản của võ sĩ UFC thành công nhất là McGregor. Dù ở trong căn biệt thự xa hoa bậc nhất Las Vegas nhưng Dana White vẫn được biết đến như người giản dị khi sở hữu mô tô và xe hơi cổ điển.
Tất nhiên, với việc "kiếm tiền bằng mọi giá", Dana White không được lòng nhiều người. Josh Gross, phóng viên của tờ The Athletic từng chỉ trích: "Người ta gọi Dana White là một tên cặn bã".
Nhưng ít ai biết rằng, ngay cả khi trên đỉnh thành công, Dana White vẫn là kẻ nghiện công việc. Mỗi ngày, ông dành 14 giờ đồng hồ phục vụ công việc. Người đàn ông ấy lùng sục khắp ngõ ngách trên thế giới để tìm kiếm địa điểm thi đấu. Đương nhiên, những nơi mà ông trùm UFC lựa chọn thường mang về những khoản tiền kếch xù.
Mark Shapiro nói thêm: "Chỉ có Dana White mới như vậy. Ông ấy không quan tâm tới điều gì khác. Thú vui của ông ấy là UFC. Ông ấy sẽ không bao giờ hài lòng nếu như không thúc đẩy được giải đấu".
Với sự khéo léo và nhạy bén của Dana White, UFC đã bán được bản quyền truyền hình dài hạn cho đài ESPN với số tiền 300 triệu USD để độc quyền phát sóng giải đấu. Bên cạnh đó, ESPN cũng trả khoản tiền không được tiết lộ có thể khai thác độc quyền 10 sự kiện pay-per-view (trả tiền cho mỗi lượt về) của UFC.
Một trong những nước đi đáng chú ý của Dana White chính là việc ông phát triển hệ thống thi đấu của nữ. Nó biến UFC không chỉ là giải đấu của phái mạnh. Trong đó, nữ hoàng UFC Rhonda Rousey chính là người thành danh nhất. Sau này, nhiều sự kiện trong đó có ONE Championship cũng bắt đầu khai thác yếu tố này.
UFC khủng khiếp tới mức nó phủ sóng trên cả thế giới. Giải đấu có tầm ảnh hưởng tới 175 nước và 100 cơ sở đào tạo. Việc thi đấu ở UFC ở thời điểm này là vinh dự cho bất kỳ võ sĩ MMA nào trên thế giới.
Ở đó, tên tuổi của McGregor, Khabib Nurmagomedovđược nhắc tới như tượng đài của làng UFC. Họ đều chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cái tên Dana White. Mới đây, ông trùm UFC đã có sáng kiến tổ chức "siêu giải đấu" (với sự tham gia của Dustin Poirier, Gaethje, Charles Oliveira, Chandler, Tony Ferguson hay McGregor) để tìm ra người thắng cuộc, chỉ để kêu gọi Khabib Nurmagomedov trở lại. Chỉ động thái ấy cho thấy sự nhanh nhạy của Dana White. Bởi lẽ, bất kỳ võ sĩ nào có thể kéo được Khabib trở lại võ đài lúc này cũng đủ mang về cho UFC khoản tiền siêu khổng lồ.
Theo tờ MNAfighting, trước đây, ông Dana White từng kỳ vọng lớn vào khả năng Khabib Nurmagomedov có thể tái đấu lần thứ 2 với McGregor. Trận đấu vào năm 2018 (ở sự kiện UFC 229) của hai võ sĩ này đã tạo nên kỷ lục về số tiền thu về từ lượt xem truyền hình trả tiền. Nhưng sau khi McGregor thất bại trước Dustin Poirier, kế hoạch này đã đổ bể.