Olympic Việt Nam cần được đối xử công bằng

(Dân trí) - Không đến nỗi ghen tị nhưng chắc chắn các tuyển thủ Olympic Việt Nam đã rất chạnh lòng khi thấy sự quan tâm lớn của người hâm mộ dành cho đội tuyển đàn em U19 Việt Nam. Đó có lẽ chính là động lực lớn nhất giúp Olympic Việt Nam quật ngã đối thủ mạnh Iran trong trận ra quân tại Asiad.

Đội tuyển Olympic Việt Nam đã có trận thắng sốc trước Olympic Iran với tỷ số 4-1. Trận thắng khiến báo chí, dư luận trong và ngoài nước đều như không tin vào mắt mình. Đơn giản bởi, đội tuyển Olympic Iran từng 4 lần vô địch ở sân chơi ASIAD, trong khi đội tuyển quốc gia cũng 3 lần vô địch châu Á và 3 lần tham dự VCK World Cup. Còn Olympic Việt Nam thậm chí còn chưa từng vô địch ở sân chơi “ao làng” SEA Games trong suốt hơn 50 năm qua. Điều gì đã làm nên sức mạnh với các tuyển thủ Olympic Việt Nam, giúp họ đánh bại cựu Quán quân Asiad?

Những ngày qua, đi đâu cũng nghe người ta nói về U19. Từ hình ảnh người người xếp hàng từ 1h sáng, tới sân Mỹ Đình chật kín các khán đài. Ngay cả khi U19 Việt Nam thất bại trong đêm chung kết trước U19 Nhật Bản, người hâm mộ vẫn tung hô cầu thủ U19.

Tất nhiên, có thể hiểu những tình cảm của người hâm mộ dành cho lứa U19 hiện tại, bởi các cầu thủ trẻ luôn thi đấu bằng cả trái tim và họ cho thấy sự tiến bộ từng ngày. Thế nhưng, sẽ là thiếu công bằng với Olympci và ĐTVN, bởi họ cũng đang lao động cật lực để hoàn thành các mục tiêu phía trước.

Các tuyển thủ Olympic và ĐTVN đã bị đối xử thiếu công bẳng như nào? Thì đấy, người ta lấy đội bóng trẻ U19 Việt Nam ra đã chỉ trích các cầu thủ Olympic và ĐTQG. Mới đây, một lãnh đạo của VFF còn tuyên bố sẽ đôn cầu thủ U19 đá SEA Games 28 và xa hơn nữa là vòng loại World Cup 2018. Những phát biểu ấy, sẽ “đụng chạm” tới sự tự ái của các tuyển thủ đàn anh, bởi họ đang nỗ lực từng ngày nhưng lại không được ghi nhận xứng đáng. Nói thẳng ra, nếu biết không được tham dự SEA Games, thì có mấy ai còn động lực phấn đấu trong thời gian tới?

Trước khi Olympic Việt Nam tham dự Asiad, đội tuyển này không có một trận giao hữu ra hồn nào, cũng không được tập huấn nước ngoài. Ngày Olympic lên đường, họ cũng chẳng được ai để ý, thậm chí trước khi ra quân gặp Iran tại Asiad, có mấy ai biết thầy trò HLV Miura đang có mặt tại Hàn Quốc.

Thậm chí đến ngay các nhà đài Việt Nam, cũng hờ hững với giải đấu số 1 châu lục. Họ nói rằng việc mua bản quyền truyền hình rất đắt đỏ, nên đành phải bỏ qua Asiad. Thực tế, các nhà đài đã cho thấy sự thận trọng của mình với thương hiệu không được người xem chú ý. Olympic Việt Nam sau nhiều năm thất bại tại SEA Games, lại “chìm nghỉm” trong cơn bão U19 Việt Nam, rất khó thu hút được người xem, vì thế khâu quảng cáo cũng không thu được kết quả.

Các tuyển thủ Olympic và ĐTQG đã nhiều lần lên tiếng rằng đừng nên so sánh U19 với mình. U19 là U19, còn ĐTQG luôn là bộ mặt của mỗi nền bóng đá. Tất nhiên, ĐTQG cũng có lúc này, lúc khác, nhưng với hầu hết các tuyển thủ khi khoác lên mình chiếc áo đỏ với ngôi sao trên ngực, đều rất vinh dự và tự hào.

Chắc chắn, tình yêu của người hâm mộ không bao giờ là sai cả. Họ luôn biết đặt đúng chỗ, họ sẽ không bao giờ quay lưng với bóng đá Việt Nam ở bất kỳ cấp độ nào nếu như các cầu thủ vẫn thể hiện tinh thần màu cờ sắc áo.

Chính sự tự trọng, đã tạo nên sức mạnh với Olympic Việt Nam. Họ đã chứng minh, khi đã khoác lên mình chiếc áo đội tuyển, thì ở hoàn cảnh nào, trước bất cứ đối thủ nào, cũng phải quyết bảo vệ hình ảnh của quốc gia mình.

Lê Cường