Nỗi sợ hãi mới, khiến nhiều cầu thủ "khóc thét" ở World Cup 2022

H. Long

(Dân trí) - Trận đấu của đội tuyển Anh và Iran được bù giờ tới gần… 30 phút (2/3 thời lượng một hiệp đấu). Tổng thời lượng bù giờ trong 4 trận đấu đã qua ở World Cup lên tới gần 1 giờ. Điều này tạo cho cầu thủ và người xem cảm giác rất oải.

Trận đấu khai mạc World Cup 2022 giữa Qatar và Ecuador đã kéo dài tới 100 phút với tổng cộng 10 phút bù giờ (5 phút hiệp 1, 5 phút hiệp 2). Nhưng hóa ra, đó lại là trận đấu có thời lượng ngắn nhất tính tới hiện tại.

Nỗi sợ hãi mới, khiến nhiều cầu thủ khóc thét ở World Cup 2022 - 1

Hiệp 1 trận đấu giữa Anh và Iran có tới 14 phút bù giờ.

Và có lẽ, khi trọng tài giơ bảng điện tử thông báo có tới 14 phút bù giờ ở hiệp 1 trận đấu với Anh và Iran, không ít người phải dụi mắt. Nó là con số khó tin nhưng không, hiệp 2 trận đấu cũng có thời lượng bù giờ không kém. Tổng cộng có tới 28 phút bù giờ ở cuộc chiến này, tạo nên kỷ lục ở World Cup.

Chưa hết, trận đấu giữa Hà Lan và Senegal có 12 phút bù giờ. Con số ấy trong trận đấu với xứ Wales và Mỹ là 14 phút. Tính riêng thời lượng bù giờ trong 4 trận đấu vừa qua lên tới gần 1 giờ đồng hồ (58 phút). Chưa bao giờ, người hâm mộ được chứng kiến World Cup dài lê thê tới vậy.

Giải thích cho vấn đề này, cựu trọng tài Pierluigi Collina, Chủ tịch ủy ban điều hành trọng tài FIFA, chia sẻ: "Những gì chúng tôi đã làm ở World Cup 2018 là tính toán chính xác hơn thời lượng bù giờ. Chúng tôi đã nói với mọi người đừng ngạc nhiên nếu trọng tài thứ tư giơ bảng điện tử với 6,7 hay 8 phút bù giờ.

Chúng ta cần tính thêm thời gian chết. Hãy nghĩ về một trận đấu có 3 bàn thắng được ghi. Mỗi pha ăn mừng kéo dài 1,5 phút. Như vậy trận đấu mất khoảng 5,6 phút để các cầu thủ ăn mừng".

Nỗi sợ hãi mới, khiến nhiều cầu thủ khóc thét ở World Cup 2022 - 2

Các cầu thủ thêm gánh nặng khi phải thi đấu nhiều hơn (ảnh: Getty).

Thực tế, ý tưởng "tính toán chính xác" thời gian chết của Pierluigi Collina đã xuất hiện từ lâu. Trong buổi trả lời phỏng vấn trên tờ Calciatori Brutti (Italia) vào tháng 4 năm nay, ông đã hé lộ: "Là một khán giả, tôi trả tiền tới sân hay xem truyền hình để xem một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút nhưng thực tế, tôi chỉ được thưởng thức trong 45 phút. Một nửa số tiền tôi bỏ ra để mua thời gian chết. Chúng ta cần chuẩn bị tâm lý để chứng kiến những trận đấu có 9 phút bù giờ".

Mặc dù vậy, việc trận đấu kéo dài hơn sẽ đẩy áp lực nhiều hơn về phía cầu thủ. Nếu mỗi trận đấu tăng lên 100 phút, có nghĩa rằng họ sẽ phải hoạt động nhiều hơn và cần nhiều thời gian hồi phục hơn. Đặc biệt, những phút bù giờ là thời gian họ càng phải đốt cháy năng lượng mạnh mẽ nhất bởi những nỗ lực thay đổi kết quả.

Trong bối cảnh lịch thi đấu dày đặc, rõ ràng, điều này khiến cho những cầu thủ phải "gồng" nhiều hơn. Hãy thử tưởng tượng, cả ba trận đấu của đội tuyển Anh ở vòng bảng đều phải đá thêm 30 phút. Có nghĩa rằng, họ gần như phải thi đấu thêm một trận đấu mới.

Nỗi sợ hãi mới, khiến nhiều cầu thủ khóc thét ở World Cup 2022 - 3

World Cup 2022 sẽ là giải đấu dài nhất trong lịch sử khi trung bình mỗi trận đấu có tới 10 phút bù giờ (ảnh: Getty).

Đó chưa kể, trong tương lai, điều này sẽ tạo ra hệ lụy, khi nhiều giải đấu ở châu Âu đều "tính toán chính xác" và tăng thời lượng bù giờ trong mỗi trận đấu. Điều đó có thể tăng số phút ra sân của các cầu thủ ở CLB lớn lên vài trăm phút mỗi mùa giải.

Tất nhiên, trọng tài Pierluigi Collina và FIFA có cái lý khi tính toán thời gian chết một cách chuẩn xác hơn. Dù vậy, bóng đá 11 người không tương đồng với môn futsal (hoạt động trong nhà, phạm vi sân hẹp). Việc tăng phút bù giờ có thể là cuộc cách mạng ở World Cup nhưng về lâu dài, nó sẽ khiến nhiều cầu thủ "khóc thét".