Nỗi lo đội giá kinh phí tổ chức Asiad 18
(Dân trí) - Trong lịch sử tổ chức Asiad, hầu như chưa nước nào phải bỏ ra số tiền đúng như dự kiến ban đầu. Có tiết kiệm đến mấy, các nước cũng bị đội giá lên 3-5 lần, cá biệt có những nước phải chi gấp 10 lần hoặc cao hơn nữa so với dự toán ban đầu.
Qatar phải chi 2,8 tỷ USD cho Asiad 2006. Quảng Châu 2010 riêng phần chi xây dựng làng VĐV là 2,45 tỷ USD và tổng kinh phí Trung Quốc phải bỏ ra gần 20 tỷ USD. Đến Incheon 2014, Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỷ USD. Với những con số nêu trên, thì 150 triệu USD mà Bộ VH, TT&DL tính quả thực là số tiền “siêu tiết kiệm”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Kinh phí 150 triệu USD, chúng tôi đã có tính toán. Asiad 17, Incheon bỏ ra khoảng 1,1 tỷ USD, chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 500 triệu USD. Nhưng Hàn Quốc họ tính cả phần đầu tư hạ tầng, còn ở ta, cái này gắn vào chiến lược đầu tư hạ tầng của Hà Nội”.
Kinh phí để tổ chức Asiad 18 là vấn đề khiến chủ nhà Việt Nam lo lắng
Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết gồm các khâu tổ chức thi đấu, khai mạc, bế mạc theo tinh thần tiết kiệm tối đa, tổ chức Asiad gắn liền với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của thủ đô Hà Nội. Như vậy, cần hiểu sân bay, đường sá tại Hà Nội sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, không nằm trong số kinh phí trên. Với cách cân đối nguồn vốn đầu tư như vậy, con số 150 triệu USD vẫn chỉ là dự tính.
Tính toán là vậy, nhưng chúng ta cũng đã có những bài học nhãn tiền. Nhiều nước sau khi tổ chức các kỳ Đại hội thể thao lớn hay rơi vào cảnh nợ nần rồi dẫn đến vỡ nợ cũng vì không có sự tính toán hợp lý. Vì thế con số 150 triệu USD Việt Nam dự kiến mới chỉ là trên lý thuyết, chưa có gì đảm bảo sẽ khả thi.
Trong lịch sử tổ chức Asiad, năm 2002 Hàn Quốc đăng cai tổ chức Asiad 14 ở thành phố Busan. Chi phí dự tính ban đầu là 167,4 triệu USD nhưng sau tổng chi đầu tư lên đến 2,9 tỉ USD, tức là đội giá hơn 10 lần. Đối với Asiad Quảng Châu năm 2010, riêng phần chi xây dựng làng VĐV là 2,45 tỉ USD và tổng kinh phí mà Trung Quốc phải bỏ ra gần 20 tỉ USD, cũng cao gấp 10 lần so với dự tính ban đầu.
Nước láng giềng Thái Lan cũng dự trù kinh phí khoảng hơn 80 triệu USD cho kỳ Asiad 1998, nhưng con số thực tế là hơn 600 triệu USD. Gần nhất ở kỳ SEA Games 27 vừa rồi, một sân chơi được gọi là “ao làng” chỉ riêng với phần lễ khai mạc và bế mạc, nước chủ nhà Myanmar đã chi đến 30 triệu USD!.
Số tiền 150 triệu USD của Bộ VH,TT&DL đưa ra đã bao gồm các khoản đầu tư thông qua xã hội hóa. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, nếu việc xã hội hóa không như kỳ vọng, vẫn phải lấy ngân sách để bù vào nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn bắt buộc của Asiad.
Nếu như SEA Games 22 được cho là Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức và con số thu về là 70 tỷ đồng cũng chấp nhận được thì ở Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (AIG 3) năm 2009, chúng ta bỏ ra hơn 100 triệu USD, trong đó tốn kém nhất là việc xây cung điền kinh trong nhà và tu sửa các nhà thi đấu, nhưng khi thu về chỉ vỏn vẹn có 30 tỷ đồng. Sau khoảng 6 năm nữa, rất khó nói trước được điều gì về vấn đề kinh tế, nên những nguồn thu từ Asiad cũng không thể có phép tính chính xác từ thời điểm này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, đúng là khoảng 80% số cơ sở vật chất để chuẩn bị đăng cai Asiad 18 đã sẵn có, nhưng những cơ sở này vẫn cần đầu tư 2.600 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng, còn số tiền để đầu tư xây mới là 3.000 tỉ đồng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, chúng ta cũng phải tốn không dưới 400 triệu USD. Con số 150 triệu USD là không tưởng và có thể đó là cách tiếp cận, cách tính của riêng ngành Thể thao.
“Ngay với Hàn Quốc có kinh nghiệm và khả năng tổ chức hàng đầu châu Á thậm chí là đẳng cấp thế giới mà Asiad Incheon 2014 đã đội giá 110% ngay từ hai năm trước. Theo tôi, đến khi Đại hội diễn ra, con số này có thể lên tới 200%. Kinh phí Hàn Quốc phải chi sẽ hơn nhiều mức 1,1 tỷ USD dự kiến”, ông Minh nói.
Vấn đề kinh phí tổ chức Asiad 18 chắc chắn sẽ còn bàn đến nhiều, bởi đây chính là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của Đại hội. Từ những bài học trong quá khứ của các nước tổ chức Asiad, hy vọng Việt Nam sẽ có những tính toán chính xác, lường trước mọi phát sinh, để đưa chi phí phụ trội xuống mức thấp nhất, tránh gây lãng phí, tốn kém ngân sách Nhà nước.
Hà Nguyên