1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới

Trọng Vũ

(Dân trí) - Vụ hỗn loạn trên sân Kanjuruhan ở Đông Java (Indonesia) tiếp nối những thảm kịch từng làm rúng động bóng đá thế giới.

Sau đây là 11 thảm kịch từng xảy ra trong lịch sử bóng đá hiện đại, tính luôn vụ hỗn loạn trên sân Kanjuruhan tại Đông Java tối 1/10 vừa rồi. 

1. Vụ bạo động ở sân vận động (SVĐ) quốc gia Peru ngày 24/5/1964. Đây là trận đấu trong khuôn khổ vòng loại Olympic Tokyo 1964, giữa đội chủ nhà Peru và đội khách Argentina.

Khi trận đấu chỉ còn 2 phút và trọng tài không công nhận bàn thắng cho Peru, cổ động viên (CĐV) chủ nhà bạo động. Các số liệu sau đó được công bố, có 300 người thiệt mạng cùng hơn 500 người khác bị thương. Trận này Argentina thắng nhưng chẳng còn ai quan tâm đến kết quả nữa. 

2. "Cổng địa ngục" Monumental tại Buenos Aires (Argentina) ngày 23/6/1968. Tổng cộng 74 người chết và hơn 150 người bị thương sau trận "Super Classico" giữa Boca Juniors và River Plate. Hỗn loạn xảy ra, các CĐV của Boca Juniors cố gắng thoát ra ngoài nhưng cổng số 12 không mở và thế là họ bị kẹt giữa đám đông kinh hoàng.

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới - 1

Cửa số 12 sân Monumental (Buenos Aires - Argentina), nơi từng được gọi là "cổng địa ngục" làm chết 74 người (Ảnh: Vocket FC).

Trong số 74 người thiệt mạng, có đến 71 người là CĐV của Boca Juniors. Người hâm mộ bóng đá Argentina sau này gọi sự kiện đó, cánh cổng bị khóa chặt đó là "cổng địa ngục".

3. Bi kịch ở sân Ibrox Park tại Glasgow (Scotland) ngày 2/1/1971. Lại một trận derby nữa giữa 2 đội bóng kình địch cùng thành phố: Celtic và Glasgow Rangers. Thảm họa xảy ra khi rào chắn trên các khán đài đổ sập rồi vỡ vụn khi các CĐV cố gắng thoát ra khỏi SVĐ. 66 người chết sau vụ này.

4. Bi kịch ở sân Luzhniki (Moscow - Liên Xô) ngày 20/10/1982. SVĐ lừng danh Luzhniki ở Moscow cũng từng chứng kiến một bi kịch từ sự cố các cổng thoát hiểm không mở kịp lúc, khiến nhiều khán giả bị kẹt lại sau trận đấu ở cúp UEFA giữa Spartak Moscow và Haarlem (Hà Lan), khiến 66 người thiệt mạng. 

5. Thảm kịch Heysel ngày 29/51985. Có 39 người chết trong cuộc bạo loạn giữa các CĐV Liverpool (Anh) và Juventus (Italia) ở trận chung kết Cúp C1 châu Âu (nay là UEFA Champions League) tại sân Heysel (Brussels - Bỉ). Sau sự cố này, bóng đá Anh bị cấm tham gia các cúp châu Âu trong 5 năm, riêng Liverpool bị cấm 6 năm.

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới - 2

Góc tưởng niệm 39 CĐV đã thiệt mạng trên sân Heysel ở Brussels (Bỉ) năm 1985 (Ảnh: Vocket FC).

6. Tai nạn bất ngờ ở Kathmandu (Nepal) ngày 12/3/1988. Ít nhất 93 người thiệt mạng trong một trận đấu bóng đá tại đây, khi người hâm mộ cố gắng nhảy từ khán đài xuống phía dưới, qua các cửa thoát hiểm trên sân. Không có vụ bạo loạn nào cả, nguyên do là vì một cơn bão đổ bộ bất ngờ. Nhưng điểm chung vẫn là sân bị khóa còn các CĐV không có lối thoát.

7. Thảm kịch Hillsborough tại Sheffield (Vương quốc Anh) ngày 15/4/1989. Khi mà thảm họa Heysel còn chưa nguôi với bóng đá Anh nói chung, với Liverpool nói riêng, đội bóng thuộc thành phố cảng này và bóng đá đảo quốc sương mù lại có thêm một thảm kịch kinh hoàng khác.

Vụ việc nổ ra trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest, sân Hillsborough có sức chứa 39.000 người quá tải vì số người đổ vào trong sân vượt xa sức chứa. Trọng tài buộc phải cho dừng trận đấu chỉ ít phút sau khi bóng lăn, nhưng số người vào sân vẫn không dừng lại.

Kết quả là cảnh chen lấn giẫm đạp lẫn nhau giữa đám đông CĐV khiến 96 người chết. Sau thảm kịch này, Vương quốc Anh quyết định cải tạo toàn bộ hệ thống sân bãi, và những sân bóng lịch sự nhất thế giới mà chúng ta thấy ở giải Ngoại Hạng Anh ngày nay chính là kết quả của sự thay đổi triệt để này. 

8. Vụ hỗn loạn ở Guatemala ngày 16/10/1996. Lại thêm một vụ nữa mà các khán đài bị đóng kín khiến các CĐV không có chỗ thoát hiểm khi cần. 84 người thiệt mạng cùng 147 người bị thương khi các CĐV bị mắc kẹt trước những cánh cửa đóng kín trước một trận đấu thuộc vòng loại World Cup giữa Guatemala và Costa Rica. 

9. Bi kịch ở sân Accra Sport (Ghana) ngày 9/5/2001. Sự cố xảy ra trong trận derby bóng đá Ghana, giữa đội chủ nhà Hearts of Oak và đội khách Asante Kotoko. Phút 85, Hearts of Oak đang dẫn 2-1, những người ủng hộ Asante Kotoko thất vọng, họ tháo ghế trên khán đài ném xuống sân cũng như tấn công CĐV đối phương, khiến 126 người chết.

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới - 3

Vụ "hỗn chiến" giữa các CĐV tại Accra (Ghana) năm 2001 (Ảnh: Getty).

10. Thảm kịch ở Port Said (Ai Cập) ngày 1/2/2012. Sau trận đấu giữa Al-Masry và Al-Ahly tại giải vô địch bóng đá Ai Cập, hàng ngàn Al-Masry tràn sang tấn công các CĐV đội khách khiến 74 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.

11. Bạo loạn ở sân Kanjuruhan (Đông Java - Indonesia) ngày 1/10/2022. Trận derby Đông Java, sau khi Arema FC thua Persebaya Surabaya 2-3, CĐV Arema FC lao vào sân. Họ bạo động khiến cảnh sát phải bắn hơi cay, nhiều người nghẹt thở cũng như bị người khác giẫm đạp đến chết. Thống kê cho đến tối 2/10 từ phía cảnh sát Indonesia, đã có 125 người chết.

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới - 4

Đạn hơi cay bị cảnh sát Đông Java bắn vào đám đông khán giả (Ảnh: CNN Indonesia).

Những thảm kịch gây rúng động lịch sử bóng đá thế giới - 5

Quang cảnh vô cùng hỗn loạn trên sân Kanjuruhan ở Đông Java (Indonesia) hôm 1/10 vừa rồi (Ảnh: CNN Indonesia).