1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Những siêu sao "tiềm năng suốt đời"

Tình cờ đọc một bài báo nói về Phan Như Thuật, người viết chợt cảm thấy ám ảnh về biệt danh “tiềm năng suốt đời” mà một nhà báo gán cho anh. Nổi lên đã được ngót nửa thập kỷ, thậm chí còn được kỳ vọng như một Hồng Sơn mới, vậy mà đến giờ tiền vệ trẻ người Nghệ An vẫn đang chật vật đi tìm một vị trí ở… CLB.

Vậy nên biệt danh mà nhà báo nọ dành cho Như Thuật xem ra cũng không sai. Nhưng nhìn đi nhìn lại, chợt cảm thấy, hoá ra Như Thuật cũng chẳng phải là trường hợp cá biệt của bóng đá VN.

 

Hãy thử ngược dòng quá khứ đôi chút, sẽ thấy trước Như Thuật, bóng đá VN cũng từng có không ít những cầu thủ ở vào cùng cảnh ngộ như anh. Tài năng rất nhiều, được kỳ vọng cũng lắm, nhưng rút cục, tất cả chỉ “lưng lửng” ở một mức độ vừa phải, hoặc thậm chí còn tệ hơn, sớm phải giã từ sân cỏ.

 

Cách đây gần 10 năm, vào thời điểm Hồng Sơn còn đang tung hoành trên sân cỏ, rất nhiều người đã nhìn thấy ở Thể Công một nhân vật có khả năng kế nhiệm Sơn “Công chúa”. Người đó là Trương Việt Hoàng.

 

Tôi vẫn còn nhớ như in những ấn tượng đầu tiên về tiền vệ có dáng người thấp, đậm trong màu áo đội bóng lính ở giải Quân đội mở rộng trên sân Cột Cờ năm 1996. Khi đó, có những nhà chuyên môn thậm chí còn khẳng định đã rất lâu rồi bóng đá VN mới sản sinh ra một cầu thủ có khả năng tấn công đa dạng như thế.

 

Mà đúng là Việt Hoàng chơi hay thật. Gần như ở anh có tất cả những kỹ năng cần thiết của một cầu thủ tấn công. Sút xa, sút gần, chân trái, chân phải, đánh đầu đều tốt, kỹ thuật hoàn chỉnh, nhãn quan chiến thuật rất tốt, tinh tế với khả năng sáng tạo cao. Sự toàn diện của Việt Hoàng khiến anh chơi tốt ở mọi vị trí trên hàng tiền vệ (công, thủ) và thậm chí cũng làm rất tròn vai mỗi khi được Thể Công đẩy lên chơi tiền đạo.

 

Để minh chứng cho sự đa năng của Việt Hoàng có thể nói tới một chi tiết: Năm 1999, tại Dunhill Cup, khi ĐTVN không còn một cầu thủ nào có thể chơi vị trí hậu vệ trái, chính Việt Hoàng đã được đẩy về trám vào cánh này và anh đã chơi rất tốt, với những pha băng lên dứt điểm đặc chất Việt Hoàng.

 

Tài năng vậy, nhưng đỉnh cao của Việt Hoàng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Giai đoạn 1998/99 là đỉnh cao của anh nhưng sau đó là… thất vọng. Người viết vẫn còn nhớ như in bài phỏng vấn của Việt Hoàng trên một tờ báo thể thao năm 1998 với lời tuyên bố đầy tự tin: “sẽ trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam vào năm 2000”.

 

Nhưng năm 2000 đã qua từ rất lâu, còn Việt Hoàng vẫn chưa bao giờ tái hiện lại hình ảnh của chính mình, cũng chưa thể nào có một bàn thắng đủ khiến người ta quên đi Bàn thắng đẹp nhất châu Á tháng 08/98 mà anh ghi vào lưới Thái Lan tại Tiger Cup 98.

 

Giờ đây khi đã ở những năm cuối của sự nghiệp, Việt Hoàng sẽ không bao giờ trở thành Hồng Sơn mới của bóng đá VN, lại càng chẳng thể là Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam.

 

Nhắc đến những tài năng không bao giờ thể hiện tương xứng với sự kỳ vọng, tôi nhớ tới Bùi Đoàn Quang Huy (Bình Định). Bắt đầu được biết tới vào khoảng năm 1996 trong màu áo Bình Định, Quang Huy toả sáng rực rỡ ở Thể Công trong trận Siêu Cúp QG 1999 (lần tổ chức đầu tiên). Bàn thắng của anh vào lưới CATPHCM khiến nhiều người tin Quang Huy sẽ là một Huỳnh Đức mới của bóng đá VN.

 

Thể hình đẹp, đánh đầu rất tốt (điển hình là bàn thắng vào lưới thủ môn Thành Tôn (CAHN) trong trận Derby Thủ đô năm 1999), đặc biệt là bản năng săn bàn trong vòng cấm (năm 2002 trong màu áo CAHN dù chỉ đá dự bị nhưng Quang Huy cũng kịp ghi tới 6 bàn thắng, chỉ kém 3 bàn so với Vua phá lưới Hồ Văn Lợi), Quang Huy rất được kỳ vọng trong màu áo Olympic VN (1999) và ĐTQG.

 

Nhưng thể lực kém, và có thể do không được dùng đúng cách (thường bị đẩy về đá tiền vệ trái) khiến Quang Huy cứ lụi tàn dần và đến hết V-League 2003, anh “biến mất” khỏi sân cỏ Việt Nam. Vậy là bao hy vọng về một người kế nhiệm Huỳnh Đức tan thành mây khói. Giờ đây, Quang Huy đã tái khởi động lại sự nghiệp nhưng là trong màu áo Bia Đỏ ở giải hạng Hai.

 

Đó chỉ là ba trong số những tài năng không bao giờ thể hiện được tối đa tiềm năng trong bóng đá VN. Nhưng họ mới chỉ là thiểu số ít ỏi, bởi vẫn còn rất nhiều những người tương tự.

 

Hãy nhớ Vũ Dũng, Quốc Trung (Thể Công), Anh Tài (Đà Nẵng), Đức Cường (Hải Phòng), Thanh Tuấn, Thanh Hoàn (Nghệ An), Kim Phụng (Hải Quan) đã từng được ca ngợi đến mức nào khi họ còn trẻ và so sánh trở lại với những gì họ thể hiện ở bóng đá đỉnh cao.

 

Rồi cả một thế hệ trẻ Thể Công từng độc chiếm các giải U những năm 1997-1999 nữa. Bao nhiêu người trong số họ còn trụ lại đỉnh cao, và nếu trụ được cũng thể hiện được bao nhiêu so với những ấn tượng để lại lúc ở tuổi U? Quá ít! Và đó là điều đáng tiếc của bóng đá VN.

 

Vì sao lại như vậy? Đó là một câu hỏi nhức nhối từ lâu với những người hâm mộ VN. Vì những người lãnh đạo, những người thầy không đủ khả năng và không biết phát huy hết tiềm năng của cầu thủ hay vì chính bản thân họ thiếu cá tính, thiếu tham vọng, sớm thoả mãn? Hay vì môi trường bóng đá VN không đủ sức hấp dẫn, thúc đẩy họ sống chết với nghề, coi đó là cái nghiệp để cống hiến hết mình?

 

Những câu hỏi đó có lẽ sẽ còn tồn tại lâu dài mà chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Và khi đó, những cầu thủ “tiềm năng suốt đời” như Phan Như Thuật sẽ chẳng bao giờ là của hiếm trong bóng đá VN.

 

Theo Bóng đá