Những người “đàn ông mặc váy” và công cuộc xây dựng đế chế MU

(Dân trí) - Năm 1914, Jack Robson là người Scotland đầu tiên dẫn dắt MU, mở ra kỷ nguyên đại thành công của “Quỷ đỏ” dưới sự trị vì của “Những người đàn ông mặc váy”. Trong đó, Sir Alex Ferguson, Sir Matt Busby là những người đặt dấu ấn quan trọng nhất.

Đế chế hùng mạnh được xây dựng từ “Những người đàn ông mặc váy”…

MU được thành lập với cái tên “khai sinh” là Newton Heath năm 1878 nhưng phải tới 36 năm sau đó, mới chính kiến sự xuất hiện của HLV người Scotland đầu tiên, đó là Jack Robson. Ông gia nhập “Quỷ đỏ” năm 1914 và dẫn dắt đội bóng tới năm 1921.
 

Sir Matt Busby đã viết lại trang sử của MU

Sir Matt Busby đã viết lại trang sử của MU

Khi Jack Robson về hưu (và qua đời 1 năm sau đó), người đồng hương John Chapman đã tiếp quản “Quỷ đỏ” và trị vì CLB trong 5 năm. Không có quá nhiều điều để nói về giai đoạn này bởi thời điểm ấy, MU hầu như không “có tiếng nói” ở xứ sương mù. Thậm chí, họ từng phải xuống thi đấu ở giải hạng Nhì trong 3 năm (1922-1925). Thế nhưng, sự xuất hiện của Jack Robson hay John Chapman đã có công “khai phá” đội bóng, “mở đường” cho “di cư” của những người Scotland sau này.

Hơn 5 năm sau khi John Chapman rời khỏi MU, người Scotland thứ 3 đã xuất hiện đã tới MU, đó là Scott Duncan (1932-1937). Tuy nhiên, trong thời gian này, “Quỷ đỏ” vẫn chưa thoát khỏi chuỗi ngày u tối, họ lên hạng, rồi xuống hạng như cơm bữa (xuống hạng năm 1931, 1934).

Sau những cuộc “xâm lăng” không thành công ấy, “Những người đàn ông mặc váy” mới thực sự “có tiếng nói” trong công cuộc xây dựng, viết lại hoàn toàn trang sử của MU sau này. Giai đoạn u tối của những người Scotland ở Old Trafford chỉ thực sự chấm dứt sau khi HLV Matt Busby xuất hiện vào năm 1945.

Từ “đống đổ nát” thực sự, dưới bàn tay ma thuật của Sir Matt Busby, MU dần khẳng định vị thế ở giải đấu cao nhất nước Anh. Ông đã giúp “Quỷ đỏ” về thứ 3 giải Hạng nhất cũ 1947, 1948 và 1949. Nhưng phải mất tới 7 năm sau khi tiếp quản, huyền thoại này mới mang về chức vô địch đầu tiên cho MU vào năm 1952.

Thành công của Sir Matt Busby không chỉ tới từ tài năng xuất chúng mà bên cạnh đó, cần phải kể đến cá tính mạnh mẽ của ông. Ngay khi tiếp quản đội bóng, ông đã yêu cầu BLĐ đội bóng phải trao toàn bộ quyền lựa chọn đội hình, điều khiển buổi tập, chuyển nhượng…của đội bóng. Một điều hiếm có ở thời điểm đó.

Bên cạnh đó, ít ai biết rằng, Sir Matt Busby cũng là người đã “phá rào” để trở thành đội bóng Anh đầu tiên tham dự đấu trường châu Âu, bất chấp sự phản đối dữ dội từ Ban tổ chức giải Hạng nhất. Dù sau đó, họ đã thúc thủ 0-10 trước Real Madrid (sau 2 lượt trận) ở Bán kết Cúp C1 năm 1957 nhưng đó vẫn được xem là thành công của MU.

Alex Ferguson đã “giải thoát” MU khỏi giai đoạn u tối thời hậu Busby

Alex Ferguson đã “giải thoát” MU khỏi giai đoạn u tối thời hậu Busby

Chính nhờ tài năng và cá tính mạnh mẽ nhất, Sir Matt Busby mới có thể xây dựng lại MU khi mà thảm họa Munich đã cướp đi hầu như toàn bộ đội hình chính của họ với những cầu thủ chỉ ngoài 20 tuổi như Geoff Bent, Roger Byrne, Eddie Colman, Duncan Edwards, Mark Jones, David Pegg, Tommy Taylor và Billy Whelan (thế hệ này, hay được biết với cái tên “Những đứa trẻ của Busby” đã từng giành 2 chức vô địch giải hạng Nhất, 1 FA Cup dưới thời HLV Matt Busby).

Thế nhưng, bất chấp khởi điểm chỉ là con số 0, Sir Matt Busby tiếp tục làm nên giai đoạn đại thành công của MU sau đó, trong đó đỉnh cao là chức vô địch Cup C1 năm 1968 với những “ngôi sao” hàng đầu như George Best, Bobby Charlton hay Dennis Law.

Sir Matt Busby tựa như “linh hồn”, “thủ lĩnh” của MU với cá tính rất mạnh. Điều đó lý giải vì sao, ngay sau khi ông quyết định về hưu năm 1969, 1 năm sau khi MU “lên đỉnh” châu Âu, họ đã trở lại “thời bóng tối” bất chấp việc trong đội hình vẫn có George Best, Bobby Charlton hay Dennis Law (xuống hạng năm 1974).

Chỉ tới năm 1986, khi người Scotland vĩ đại khác, Sir Alex Ferguson (người được cho là bản sao hoàn hảo của Matt Busby), tới tiếp quản đội bóng, MU mới được “trục vớt” từ “vực sâu”. Trong giai đoạn đầu , dù đã nhen nhóm hy vọng hồi sinh cho “Quỷ đỏ” với cúp C2 hay FA Cup nhưng phải tới 7 năm sau, ông mới giúp CLB giành Premier League.

Cũng như “tiền bối” Matt Busby, chính tài năng và cá tính mạnh mẽ Alex Ferguson đã giúp ông lèo lái MU qua những khó khăn để vươn lên trở thành thế lực tuyệt đối ở xứ sương Mù. Thậm chí, triều đại của “ông già gân” còn thành công hơn cả Matt Busby, khi ông giúp CLB giành 13 chức vô địch Premier League và 2 Champions League. Một điều vô cùng đáng quý trong bối cảnh thế giới bóng đá đang bị “chi phối” bởi đồng tiền.

Hy vọng gì ở David Moyes?

Có thể thấy, những trang sử huy hoàng nhất của MU đã được viết nên bởi hai người đàn ông Scotland, Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson. Đó sẽ là sự cổ vũ cho David Moyes, “Người đàn ông mặc váy” khác, làm nên thành công. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít áp lực cho HLV này, nhất là khi ông tiếp quản đội bóng sau giai đoạn đặc biệt thành công của Alex Ferguson.

David Moyes có nhiệm vụ nối tiếp thành công của hai tiền bố người Scotland

David Moyes có nhiệm vụ nối tiếp thành công của hai tiền bố người Scotland

David Moyes là HLV có thâm niêm thứ 3 ở Premier League (sau Alex Ferguson, Wenger), trong hơn 10 năm dẫn dắt Everton, ông đã biến đội bóng này trở thành đối chọi thực sự đối với những “ông lớn” ở Anh. Do đó, David Moyes đủ tài và tâm để dẫn dắt MU.

Bên cạnh đó, một lợi thế không thể phủ nhận của HLV này là ông được nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ những CĐV MU. Trước khi “thuyền trưởng” này chính thức ký vào bản hợp đồng 6 năm với “Quỷ đỏ”, những Manucians đã công khai ủng hộ, tung hộ David Moyes. Điều này phần nào giảm bớt áp lực cho ông.

Vẫn biết rằng còn rất nhiều yếu tố cản trở David Moyes (kinh nghiệm, cái uy, sức ép…), tuy nhiên, chắn hẳn, Sir Alex Ferguson cũng như BLĐ MU không thể “nhìn nhầm người”, họ đã nhìn ra được tiềm năng của David Moyes. Giờ đây, hãy cùng chờ đợi “Người đàn ông mặc váy” tiếp theo tới xây dựng đế chế MU.

H.Long