Những điều chưa biết về giải VĐTG các CLB
6 nhà vô địch của các châu lục sẽ tranh tài từ ngày 11 đến 18/12 để chọn ra đội đoạt Cup VĐTG các CLB của FIFA. Dưới đây là giới thiệu về các CLB tham gia giải, về lịch sử, hiện tại và quá khứ của giải đấu này (tiền thân là Cup Liên lục địa)
Liverpool là đội bóng có bề dày truyền thống nhất với 18 lần vô địch Anh. Một kỷ lục ít được biết đến khác là họ chỉ có 16 HLV trong suốt chiều dài 113 năm lịch sử. Bất chấp đã 5 lần vô địch châu lục nhưng bảng thành tích của họ ở cấp độ thế giới lại rất nghèo nàn khi họ chưa một lần giành chiến thắng. CLB Anh duy nhất lên ngôi vô địch thế giới là MU, khi họ thắng Palmeiras ở trận tranh Toyota Cup năm 1999.
Al Ahly, ĐKVĐ Champions League châu Phi, được LĐBĐ châu lục này (CAF) chọn là CLB hay nhất châu lục thế kỷ 20, nhằm ghi nhận lịch sử lâu đời và vinh quang của đội. Với 82 danh hiệu trong và ngoài nước, CLB của HLV Jose Manuel đã lập rất nhiều kỷ lục ở CAF Champions League, giải đấu mà họ đã giành quyền đại diện tại FIFA Club Championship năm nay.
Al Ahly đã lập kỷ lục về số bàn thắng ở CAF Champions League vừa qua, với 23 bàn và chỉ để lọt lưới 5 lần. Ngoài ra, nhà ĐKVĐ Ai Cập này còn có mạch 14 trận bất bại trên hành trình đến ngôi quán quân châu Phi. Chưa hết, tiền đạo El Khatib, cầu thủ Ai Cập duy nhất đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất châu Phi, còn là người nắm giữ kỷ lục ghi bàn tại giải đấu hàng đầu châu lục này với 37 lần lập công
Đội bóng lâu đời nhất của Ảrập Xêut, Al Ittihad, cũng đạt nhiều thành công trong những năm qua. Họ đã 5 lần lên ngôi VĐQG trong 9 mùa giải gần đây nhất, và hiện là nhà ĐKVĐ AFC Champion’s League. Người lĩnh trách nhiệm dẫn dắt Al Ittihad tại giải VĐTG các CLB 2005 là chiến lược gia giàu kinh nghiệm người Romania, Anghel Iordanescu. Đây là HLV dẫn dắt Romania tham dự các VCK World Cup 1994 và 1998.
Với nhà vô địch Copa Libertadores (Nam Mỹ), Sao Paulo là đội duy nhất tại giải lần này từng lên ngôi vô địch thế giới cấp CLB. Dưới sự chỉ đạo của HLV Tele Santana và hai thủ lĩnh Rai và Cafu, Sao Paulo đã hai lần giành Toyota Cup (hay còn gọi là Cup Liên lục địa giữa CLB vô địch châu Âu và CLB vô địch Nam Mỹ) vào các năm 1992 và 1993.
CLB vô địch khu vực Bắc, Trung Mỹ & Caribbe (CONCACAF), Deportivo Saprissa, là đội có chính sách chỉ sử dụng cầu thủ sinh ra tại Costa Rica hoặc nhập quốc tịch nước này. Họ được gọi bằng tên thân mật Purple Monster, xuất phát từ màu áo đỏ tía đặc trưng. Để góp mặt tại giải năm nay, Deportivo Saprissa đã vượt qua UNAM Pumas của Mexico, do huyền thoại Hugo Sanchez dẫn dắt, trong trận chung kết khu vực.
Sydney FC được thành lập ngày 1/11/2004, và chỉ mới đá trận chính thức đầu tiên vào ngày 7/5/2005 tại giải vô địch Australia trước khi tham dự giải vô địch châu Đại dương. Dưới sự dẫn dắt của danh thủ người Đức, Pierre Littbarski, đội bóng non trẻ này, đã thắng 8 trận liên tục để giành ngôi vô địch châu lục, tiếp bước South Melbourne trở thành CLB thứ hai của Châu Đại dương tham gia tranh tài tại giải lần này.
Bàn thắng đầu tiên trong lịch sử các trận chung kết Cup Liên lục địa thuộc về huyền thoại người Hungary, Ferenc Puskas, ghi cho Real Madrid năm 1960. Còn người Nam Mỹ đầu tiên ghi bàn tại giải đấu nói trên là Alfredo Di Stefano, cầu thủ Argentina. Đó là bàn thứ hai trong chiến thắng 5-1 của Real Madrid trước CLB Uruguay Penarol trên SVĐ về sau được đặt tên theo Santiago Bernabeu (người đầu tiên đưa ra ý tưởng tổ chức Cup Liên lục địa).
Đã có 13 CLB Nam Mỹ và 12 CLB châu Âu giành Toyota Cup và lên ngôi vô địch thế giới. Trong số 11 quốc gia có đại diện giành Cup, Argentina là quốc gia giàu thành tích nhất với 9 chiến thắng.
Tại giải VĐTG các CLB năm 2000 tổ chức tại Brazil, Anelka lúc đó còn khoác áo Real Madrid và Romario của Vasco da Gama đã chia nhau ngôi vua phá lưới với 3 bàn thắng. Tuy nhiên, chân sút hay nhất trong lịch sử các trận CK Cup Liên lục địa lại là Vua bóng đá Pele.
Ông đã ghi 7 bàn vào lưới Benfica và Milan trong 2 chiến thắng liên tiếp của Santos FC vào các năm 1962 và 1963. Xếp sau Pele là Alberto Spencer. Tiền đạo người Ecuado này đã ghi 6 bàn cho Penarol trong các trận chung kết năm 1960, 1961 và 1966.
Những danh thủ từng giành danh hiệu cầu thủ hay nhất tại các trận tranh Toyota Cup là Zico (với Flamengo năm 1981), Platini (Juventus, 1985), Rijkaard (Milan, 1990), Jugovic (Red Star Belgrade, 1991) Rai (Sao Paulo, 1992), Del Piero (Juventus, 1996), Muller (Dortmund, 1997), Raul (Real Madrid, 1998), Giggs (MU, 1999), Ronaldo (Real Madrid, 2002).
Còn năm nay, Tiểu ban Kỹ thuật của FIFA sẽ dựa trên phong độ của các cầu thủ trong 7 trận để chọn ra 3 người hay nhất nhận Quả bóng vàng, bạc và đồng của FIFA.
Vô địch thế giới cấp CLB từng là một danh hiệu đáng mơ ước của các đội bóng. Trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, Nam Mỹ luôn chiếm thế thượng phong so với châu Âu. Tuy nhiên, xu thế này đã đảo ngược từ những năm cuối của thập niên 90. Các CLB ở cựu lục địa đã giành 5 chiến thắng liên tiếp từ 1995 đến 1999.
Cup Liên lục địa cũng là nơi thể hiện niềm đam mê của các CĐV với đội bóng của mình. Trước trận chung kết năm 2000 giữa Boca Juniors và Real Madrid, nhà tù Encausados ở Buenos Aires đã rơi vào tình trạng náo loạn khi các tù nhân đánh nhau, giành giật TV để xem Boca thi đấu. Và Boca dưới sự dẫn dắt của Riquelme đã không phụ lòng người hâm mộ khi vượt qua đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha với tỷ số 2-1.
Sau năm 2004, Cup Liên lục địa (Toyota Cup), sẽ không được tổ chức nữa. Và thay thế nó sẽ là giải VĐTG các CLB (6 đại diện đến từ các Liên đoàn bóng đá các khu vực).
Lịch thi đấu FIFA Club World Championship 2005 tại Nhật Bản (theo giờ Hà Nội)
Tứ kết: Trận 1: Al Ittihad – Al Ahly, 17h20 ngày 11//12 Trận 2: Sydney – Deportivo Saprissa, 17h20 ngày 12/12
Bán kết: Trận 3: Thắng trận 1 – Sao Paulo, 17h20 ngày 14/12 Trận 4: Thắng trận 2 – Liverpool, 17h20 ngày 15/12
Tranh hạng 5: Thua trận 1 - Thua trận 2, 17h20 ngày 16/12
Tranh hạng 3: Thua trận 3 - Thua trận 4, 14h20 ngày 18/12
Chung kết: Thắng trận 3 – Thắng trận 4, 17h20 ngày 18/12 |
Theo Minh Kha
Vnexpress