Những điểm yếu của Malaysia mà đội tuyển Việt Nam có thể khai thác
(Dân trí) - Nếu như Malaysia khá mạnh ở khả năng tấn công biên thì họ lại không có sức mạnh tương tự ở khu vực trung lộ. Những bàn thua của Malaysia qua 2 trận vòng loại World Cup 2022, cùng với các bàn thua trước chính Việt Nam tại AFF Cup 2018 phản ánh điều đó.
Qua 2 trận đấu đầu tiên của mình tại vòng loại World Cup 2022, Malaysia để thua 4 bàn, gồm 2 bàn trong chiến thắng 3-2 trước Indonesia và 2 bàn trong thất bại 1-2 trước UAE: Số bàn thua không hề nhỏ, trung bình Malaysia thua 2 bàn/trận, phản ánh hàng thủ của đội bóng trong tay HLV Tan Cheng Hoe không mạnh.
Điểm chung của các bàn thua mà Malaysia đã nhận ở 2 trận đấu đã qua tại vòng loại World Cup, đó là các tình huống dẫn đến để thủng lưới của Malaysia thường đến từ các pha mà đối thủ xộc thẳng vào trung lộ của đội bóng xứ Mã, phối hợp hoặc dứt điểm ghi bàn.
Trước nữa, chính đội tuyển Việt Nam cũng từng khai thác điểm yếu về khả năng phòng ngự trung lộ của Malaysia ở AFF Cup 2018.
Rõ nhất là ở trận chung kết lượt đi giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, diễn ra ngay trên sân Bukit Jalil của đối phương, đội bóng của HLV Park Hang Seo đã khai thác rất tốt việc các cầu thủ Malaysia thiếu chiều sâu ở trung lộ.
Malaysia khi muốn dâng lên đá nhanh, lại thiếu phương án chống phản công, trước khi bị các tiền vệ trung tâm của đội tuyển Việt Nam là Huy Hùng và Đức Huy xộc thẳng đến gần khu vực 16m50 của họ, rồi dứt điểm ghi bàn cho đội bóng của HLV Park Hang Seo.
Khả năng xoay trở chậm trong phạm vi hẹp chính là yếu tố khiến cho các trung vệ và tiền vệ trung tâm của Malaysia thường để thua khi đối phương tấn công thẳng vào vị trí của họ.
Bàn thắng của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 phản ánh điều đó: Quang Hải đi bóng khuấy đảo khu vực 16m50 của Malaysia, trước khi chuyền ngược lại cho Anh Đức kết thúc một chạm ghi bàn, khi mà các trung vệ của đội bóng đất Mã chưa kịp chiếm lĩnh vị trí.
Trước trận đấu với đội tuyển Việt Nam ở sân Mỹ Đình vào ngày 10/10 tới đây, Malaysia tiếp tục chịu thiệt thòi, do trung vệ số 1 của họ là Shahrul Saad đang chấn thương, chưa biết mức độ hồi phục đến đâu?
Việc Shahrul Saad cộng với việc tiền vệ nhập tịch Brendan Gan giỏi tấn công hơn phòng ngự, đặt ra không ít thách thức cho Malaysia, trong bối cảnh mà đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ sở hữu kỹ thuật và tốc độ tốt, điểm mà Malaysia khá ngán.
Về mặt tốc độ và khả năng chớp thời cơ, đội tuyển Việt Nam có Anh Đức và đặc biệt là Văn Toàn có thể là khắc tinh của đội Malaysia vốn chống phản công không tốt.
Ở trận đấu với UAE diễn ra hồi tháng 9, Malaysia cũng thua vì một tình huống mà UAE đột ngột phóng thẳng đường chuyền vào thẳng trung lộ của Malaysia, để cho Ahmed Mabkhout bên phía đội bóng Tây Á dùng tốc độ vượt qua hệ thống phòng ngự của đối phương, rồi ấn định chiến thắng 2-1 cho UAE.
Một pha bóng tiếp tục phản ánh khả năng xoay trở không nhanh của các trung vệ Malaysia, điểm yếu mà đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe luôn cố gắng hạn chế bằng cách mở rộng trận đấu ra 2 biên, kéo giãn đội hình của đối phương, nhưng họ chỉ là được thế khi có bóng. Còn khi mất bóng, Malaysia không thể có sự chủ động như vậy, và đối thủ có thể khai thác!
Kim Điền