Những cuộc chia tay cuối mùa bóng
Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối mùa giải là hàng loạt các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng tài trợ cho các đội bóng. Mùa bóng năm nay, danh sách những mối tình tan vỡ ấy có Strata Đồng Nai, Sông Đà Nam Định và Tôn Hoa Sen Cần Thơ.
Tài trợ cho Đồng Nai từ tháng 7/2003, công ty tiếp thị thể thao Strata đã đặt quyết tâm sẽ kiên trì đưa đội lên hạng chuyên nghiệp. Sau thành công đưa đội từ hạng Nhì lên hạng Nhất, long đong lận đận suốt mùa giải, đội bóng vẫn chỉ đủ sức trụ lại ở hạng Nhất. Rồi lại thêm lý do đội bóng chưa thể hoạt động độc lập với 100% vốn nước ngoài như mong muốn của Strata.
Với hai nguyên nhân ấy, Strata quyết định chia tay CLB. Và giờ đây, đội bóng lại về với người cũ - Sở TDTT Đồng Nai.
Cũng trong cảnh "bị bỏ rơi" như Đồng Nai, nhưng Sông Đà Nam Định còn khổ hơn nhiều. Sát tới vòng đấu cuối cùng, sự chia ly của Strata với Đồng Nai mới được thông báo, có vòng đấu ông Kashmiri - Giám đốc điều hành công ty Strata - đầy mưu mẹo vẫn nhiệt tình tranh cãi với trọng tài. Nhưng Nam Định thì khác, ngay trong mùa giải, sự tụt dốc của đội bóng thành Nam cũng có một phần lý do từ sự lơi là từ phía nhà tài trợ, khiến lương thưởng giảm sút.
Nếu như Strata chia tay Đồng Nai vì giấc mộng kinh doanh không thành thì chuyện của Nam Định liên quan tới tình đồng hương. Giờ đây, những lãnh đạo gốc Nam Định ở đơn vị tài trợ là Tổng công ty Sông Đà chuyển qua các chức vụ khác. Chính bởi thế, đội bóng rơi vào cảnh "phú quý giật lùi", chỉ mong không tụt hạng.
Trong khi ấy, dù chưa tuyên bố chính thức nhưng ông Lê Phước Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Tôn Hoa Sen đã nhiều lần tỏ ý muốn buông đội bóng đất Cần Thơ. Hết uất ức vì trọng tài, lại thêm những lần bằng mặt mà không bằng lòng với lãnh đạo của đội. Giờ lại thêm vụ ầm ỹ với bầu Kiệt (Khách sạn Khải Hoàn), bầu Vũ cũng chẳng còn mặn mà với bóng đá. Trong những thông tin cuối mùa giải, Delta Đồng Tháp cũng nằm trong danh sách chia tay sẽ chia tay nhà tài trợ.
Mất nhà tài trợ đã ám ảnh các đội bóng, bởi trước mắt, họ sẽ phải đối mặt với cảnh khốn khổ. Đến ngay như Nam Định, niềm tự hào được quan tâm hết mức của Sở TDTT tỉnh, cũng rơi vào cảnh long đong khi nguồn tiền của nhà tài trợ cứ giảm dần từ 4 tỷ đồng xuống còn 2 tỷ đồng ở mùa bóng này.
Vẫn biết những cuộc “hôn nhân” trong bóng đá thường không bền vững, nhưng mỗi cuộc chia tay cuối mùa giải đều khiến các đội bóng bàng hoàng. Nó không chỉ gây bất ổn cho CLB đó mà còn khiến cả giải đấu cũng bị ảnh hưởng lây.
Cũng may là những đội bóng như Nam Định, Cần Thơ, Đồng Nai vẫn còn giữ được cái tên gốc của mình. Họ không rơi vào cảnh mất tên rồi mất luôn cả truyền thống như CA TPHCM (đổi tên thành Ngân hàng Đông Á rồi Đông Á Thép Pomina) hay như Công An Hà Nội (thành Hàng Không Việt Nam, LG.HN.ACB)...
Chia tay nhau đã khổ rồi, cảnh “kết hôn” của các đội bóng với nhà tài trợ cũng dở khóc dở cười. Cái tên hãng bia Huda giờ đã gắn chặt với đội bóng cố đô Huế. Nhưng ai ngờ bia Huế từng khăng khăng chỉ cấp 300 triệu đồng chứ không phải 3 tỷ đồng/năm. Hoá ra là trong Hội đồng quản trị chưa thống nhất chuyện có đầu tư cho đội bóng hay không. Việc đội bóng mang tên Huda Huế đến với họ như trên trời rơi xuống.
Theo Ban Mai
Ngôi sao