Những bóng ma...mặc áo đen!
Ngày 9/7, phút thứ 90, tỷ số trận chung kết World Cup 2006 giữa Brazil và Đức vẫn là 2-2 thì trọng tài chỉ tay vào chấm 11m trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Ballack đánh bại Dida và lần thứ 4 Đức đăng quang chức VĐ Thế giới.
Chỉ vài ngày sau, báo chí toàn cầu tiết lộ một thông tin gây sốc rằng vị trọng tài đã nhận 2 triệu euro từ một đường dây cá độ xuyên quốc gia để thay đổi kết quả trận đấu”…
Một kịch bản tồi tệ được viết ra dưới “thời loạn trọng tài”, một tấn bi kịch tưởng không bao giờ xảy ra nhưng vào lúc này lại là điều không thể loại trừ. Bóng đá đang mang trong mình những mầm bệnh nguy hiểm mà chưa thể có vắc-xin đặc trị hữu hiệu.
Thế giới bóng đá phải sống và đối phó với nó cả 365 ngày trong 1 năm và 24 giờ trong 1 ngày, từ những nền bóng đá hùng mạnh giàu truyền thống đến những quốc gia vẫn chỉ loanh quanh với cái ao làng khu vực như Việt Nam.
Vấn đề là “địa chỉ” nào được công khai, được tiêm những mũi thuốc chạy chữa, chứ không phải là mầm bệnh luôn xuất hiện ở những cơ thể yếu đuối như quan niệm xưa kia.
Chỉ trong vòng 1 năm qua, 2 quốc gia đang khoác trên mình danh hiệu ĐKVĐ và Á quân Thế giới: Brazil và Đức, lần lượt dính vào những vụ scandal gây chấn động toàn cầu với nhân vật chính là những vị quan toà áo đen.
Hôm Chủ nhật vừa qua (02/10), trọng tài Edilson Pereira de Carvalho đã nói trên đài truyền hình Brazil rằng ông chấp nhận nhúng chàm bởi đang ngập vào khoản nợ 40.000 real (khoảng 17.600 USD) sau những trận cờ bạc tung giời.
Hậu quả để lại không chỉ là chi phí bị đội lên rất nhiều với 11 trận đấu lại, cũng không chỉ là những rắc rối trong điều tra, sắp xếp lại bảng xếp hạng mà là hình ảnh của một nền bóng đá nổi tiếng đẹp mắt, quyến rũ bị vấy bẩn.
Tại chính nước Đức, chủ nhà World Cup 2006 cũng bị xấu hổ với vụ scandal lớn nhất sau 30 năm khi trọng tài mới 26 tuổi, Hoyzer, nhận 67.000 euro từ tổ chức mafia xuyên quốc gia để dàn xếp các trận đấu tại Cúp QG Đức.
Cũng trong năm qua, hàng loạt các vụ dàn xếp tỷ số tại Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, CH Séc, Phần Lan, Áo, Hy Lạp… thậm chí ở Việt Nam cũng đồng loạt bị phanh phui. Và lạ thay, tất cả đều do các trọng tài cầm đầu chứ không phải sự sắp đặt giữa những thành viên của các đội bóng như xưa nay người ta lo ngại.
Đó là hậu quả của nạn bán độ cực kỳ phát triển so với trước kia, tồn tại dưới một dạng tinh vi hơn với sự bùng nổ của Internet. Chỉ cần một cái click, một cuộc cá độ đã hoàn tất. Và chính sự tiện lợi, bảo mật của nó đó đã là cơ sở để nạn bán độ hoành hành khắp thế giới với những cái vòi bạch tuộc vươn đến mọi nơi. Chính “thủ phạm” Carvalho đã thừa nhận: “Tôi nhận được những khoản tiền đút lót một cách rất đơn giản qua mạng Internet với 1 cái click chuột”.
Vậy thì FIFA phải bắt đầu làm trong sạch bóng đá bắt đầu từ đâu? Những phương án về bóng gắn chíp điện tử, sử dụng các thiệt bị hiện đại thay thế trọng tài đang được tiến hành, bất chấp những phản ứng về vai trò của con người trong mỗi trận bóng đá.
Tuy nhiên, khi bóng đá thế giới đang chìm trong thời loạn với những bóng ma mặc áo đen, đó lại là điều buộc phải tính đến nếu không muốn những trận cầu trở thành món hàng đắt giá để lừa bịp thiên hạ, bị đưa lên mạng Internet rao bán!
Khi nạn cá độ, dàn xếp tỷ số đã luồn lách đến mọi ngõ ngách của đời sống bóng đá, việc World Cup cũng bị mang ra “bán” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngay trước khi World Cup 2006 khởi tranh, hàng trăm vụ scandal dàn xếp tỷ số đã bị phanh phui như một đòn cảnh cáo chí mạng cho giải đấu này.
Dù chỉ xuất hiện ở một bộ phận nhỏ, nhưng rõ ràng những nghi hoặc về tư cách đạo đức của các vị quan toà sân cỏ ngày một lớn. Có lẽ vì thế mà Collina, có thể coi là một biểu của các trọng tài, được níu giữ đến thế mặc dù ông đã đến tuổi về hưu!?
Cả thế giới không đủ 30 Collina để phục vụ cho World Cup. Vì thế kịch bản tồi tệ của trận chung kết tăm tối sau 1 năm nữa giữa Brazil và Đức không phải là ảo tưởng!
Theo L.Trung
Bóng đá