Nhiều tài năng trẻ sẽ tiếp tục được nâng bước tại V-League 2021

Kim Điền

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến bóng đá cũng mất đi khoản tài trợ đáng kể. Trong bối cảnh đấy, không ít đội bóng chọn cách đặt niềm tin vào lớp trẻ, giảm gánh nặng chi phí.

Bài học của HA Gia Lai và bầu Đức chính là tiền đề để nhiều CLB khác trong bối cảnh không còn dồi dào về mặt kinh phí, có thể chuyển hướng đầu tư cho đội bóng. 

Kể từ thời điểm lứa Công Phượng và các đồng đội được đôn lên thi đấu tại V-League cách nay 5 – 6 năm, bầu Đức đã giảm đáng kể phần tiền đổ vào đội bóng mỗi mùa. 

Nhờ lực lượng sẵn có là thế hệ cầu thủ nói trên, được đào tạo từ chính CLB, mà HA Gia Lai hầu như không phải mua sắm nội binh, từ đó giảm tối đa các chi phí phát sinh. Đấy là lý do mà có lúc bầu Đức tự tin cho biết đội của ông chi rất ít, ít hơn hẳn nhiều đội khác nhưng vẫn đàng hoàng tồn tại ở sân chơi V-League.

Nhiều tài năng trẻ sẽ tiếp tục được nâng bước tại V-League 2021 - 1
V-League 2021 sẽ tiếp tục là sân chơi giúp nâng bước các cầu thủ trẻ? (ảnh: Tiến Tuấn)

Quan điểm “thắt lưng buộc bụng” của bầu Đức từng có lúc bị chỉ trích, nhất là từ các đội bóng thích tiêu hoang, nhưng đến thời điểm này thì nhiều người thấy rõ mặt lợi. 

Đấy có thể là kinh nghiệm cho hàng loạt CLB tại giải V-League hiện nay tiếp bước và duy trì sự hiện diện của mình ở sân chơi chuyên nghiệp. 

Dĩ nhiên, nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến chuyện chuyển nhượng, mua bán cầu thủ. Nhưng đấy là bàn đến hoàn cảnh bình thường, khi các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Còn trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến cho công việc kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, không ít các doanh nghiệp đang bảo trợ các đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn, thì bước đi tiết kiệm, liệu cơm gắp mắm là bước đi khả dĩ nhất. 

Duy trì sự tồn tại của đội bóng trong giai đoạn hiện nay đã là đáng quý lắm rồi, nên cũng đừng đòi hỏi quá cao ở các đội bóng trong nước.

Nhiều tài năng trẻ sẽ tiếp tục được nâng bước tại V-League 2021 - 2

Câu chuyện thành công của HA Gia Lai và bầu Đức 5 - 6 năm qua là kinh nghiệm để các đội bóng đang khó khăn vì dịch Covid-19 tham khảo: Sử dụng nguồn cầu thủ sẵn có do mình đào tạo, tiết kiệm tối đa chi phí, nhất là chi phí trả lương quá cao, và tiền chuyển nhượng đối với các ngôi sao (ảnh: Tiến Tuấn)

Duy trì đội bóng chuyên nghiệp theo con đường mà HA Gia Lai đã đi trong 5 – 6 năm qua, cũng là tạo cơ hội phát triển cho các tài năng trẻ, là chú tâm hơn đến công tác đào tạo trẻ, để có nguồn cầu thủ ổn định và lâu dài.

Trước mắt, trong mùa giải 2021 tới đây, không ít đội bóng trong nước sẽ đi theo con đường đó, từ B.Bình Dương, SL Nghệ An, Than Quảng Ninh, cho đến “đại gia” tầm Viettel… Tức là tận dụng tối đa nguồn cầu thủ trẻ sẵn có, trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB, kết hợp với một số gương mặt cựu binh, đóng vai trò là xương sống và là người dẫn dắt các đàn em.

Cũng nhờ chủ trương này mà mùa 1 – 2 mùa bóng gần đây, bóng đá Việt Nam nổi lên những Hồ Tấn Tài, Nguyễn Tiến Linh (B.Bình Dương), Nguyễn Hai Long, Vũ Hồng Quân (Than Quảng Ninh), Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến, Trần Danh Trung, Trương Tiến Anh (Viettel)… Họ phát triển tốt nhờ có nhiều “đất” dụng võ, khi CLB chủ quản chủ trương tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ của mình được thi đấu.

Biết đâu, trong cái khó chung của nhiều CLB trong nước, sẽ “ló” cái hay, cái lợi cho bóng đá Việt Nam nói chung, trong việc phát hiện ra thêm nhiều gương mặt trẻ sáng giá, nhất là trong bối cảnh năm 2021 là năm mà chúng ta tổ chức SEA Games trên sân nhà, cùng nhiệm vụ bảo vệ bộ HCV SEA Games bóng đá nam, vốn rất cần nguồn cầu thủ trẻ dồi dào, để chuẩn bị cho chiến dịch đấy!