Nhiều đội bóng V-League đòi thay lãnh đạo VPF

Hoàng Quốc

(Dân trí) - Bên cạnh việc bỏ phiếu thống nhất việc hủy V-League 2021, giải hạng Nhất và cúp Quốc gia, nhiều đội bóng cũng đề nghị phải tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường để thay lãnh đạo VPF.

Như đã thông tin, chiều 24/8, VPF có cuộc họp trực tuyến với 27 CLB chuyên nghiệp để thông qua chủ trương hủy các giải V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia.

Theo đó, tất cả 27 CLB đã đồng ý hủy giải. Căn cứ vào các kế hoạch trong năm 2022, VPF dự kiến tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu từ ngày 17/2 và kết thúc ngày 4/9/2022.

Về việc trao cúp vô địch V-League cho HA Gia Lai hay xác định đội xuống hạng, VPF và các đội bóng chưa quyết định.

Ngoài nội dung trên, theo tiết lộ của đại diện các đội bóng, cuộc họp đã trở nên rất nóng khi nhiều CLB yêu cầu thay lãnh đạo VPF.

Cụ thể, đại diện CLB Hải Phòng, Quảng Nam, Phố Hiến nêu ý kiến VPF cần có "văn hóa từ chức". Trong khi đại diện CLB Nam Định cho rằng VPF làm sai điều lệ công ty khi phát phiếu hỏi ý kiến CLB về phương án tổ chức vào tháng 7/2021. Đại diện CLB Bình Dương lại cho rằng VFF cần kiểm điểm VPF sau những vấn đề xảy ra thời gian qua.

Nhiều đội bóng V-League đòi thay lãnh đạo VPF - 1
Hội nghị trực tuyến giữa VPF và 27 CLB.

Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn nêu ý kiến: "Trong 3 tháng vừa qua chúng tôi chỉ nhận được 2 văn bản của VPF. Phê bình VPF quá áp đặt, bức xúc cách điều hành của VPF xa rời thực tế, không tôn trọng các CLB. VPF phải vứt bỏ sự vô cảm thiếu trách nhiệm áp đặt CLB. Đề nghị VPF minh bạch nguồn tài chính thu chi, cần có văn hóa từ chức".

Ông Hoàn cho biết thêm: "Giải đấu năm nay bị hủy vì lý do bất khả kháng, nếu vì lý do này mà không tìm được nhà tài trợ cho mùa giải mới thì theo tôi các câu lạc bộ đóng tiền vào mà chơi với nhau".

Giám đốc điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán nói: "Thời hạn xin ý kiến mà VPF đưa ra sai theo quy định vì chậm nhất là trong vòng 10 ngày. Thứ hai, không nhận được ý kiến phản hồi coi như đồng ý nhưng theo quy định của luật, phiếu nếu không gửi về thì không được tính biểu quyết, không được tính tỷ lệ. Biểu quyết chỉ dựa trên các phiếu gửi về. VPF ban hành nghị quyết phải có ý kiến của đại hội cổ đông, tham mưu ý kiến của HĐQT về phương án tổ chức mùa giải trước đây là không đúng.

Nam Định phản đối lùi giải vì liên quan đến quyền lợi CLB và nghị quyết VPF ban hành không đúng với quy định pháp luật".

Nhiều đội bóng V-League đòi thay lãnh đạo VPF - 2
Nhiều đội bóng đề nghị thay lãnh đạo VPF.

Trong khi đó, đại diện CLB Bình Dương cho rằng VPF thiếu minh bạch trong việc kiểm phiếu biểu quyết tương lai của giải đấu. VPF còn bị nói không tổ chức lấy ý kiến trước đó hay gọi điện hỏi thăm các CLB khó khăn.

Đại diện CLB Phố Hiến tỏ ra bức xúc nhất khi cho rằng VPF là công ty tổ chức sự kiện nhưng hiện tại đang có tư duy đứng trên các đội bóng. VPF cần phải gắn với các CLB. VPF đang có vấn đề nhóm lợi ích. VPF bất cập khi có người vừa đứng vị trí trong VFF, vừa đứng VPF.

Đại diện CLB SL Nghệ An đồng ý hủy giải nhưng không chịu nếu phải xuống hạng. Ngoài ra, bóng đá Việt Nam phải xác định 3 đội bóng đại diện để dự 2 giải đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cấp các CLB trong năm 2022.

Được biết, có tổng số 5 đội bóng yêu cầu VPF tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường để thay lãnh đạo.

Về phần mình, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói: "Trong quá trình làm việc có lúc hợp lý có lúc không tuy nhiên trong tất cả mọi việc thì chúng tôi không có lợi ích nhóm. Chúng tôi luôn làm sao đưa các giải bóng đá việt nam đến đích an toàn, tổ chức thật tốt, luôn luôn nghe góp ý từ CLB".