1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Nhập tịch có phải là con đường dẫn đến thành công cho bóng đá Trung Quốc?

(Dân trí) - Sau quá nhiều thất bại ở các giải quốc tế, đội tuyển Trung Quốc muốn hướng đến thành công ngay lập tức bằng việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Nhưng cách nay có giúp cho bóng đá Trung Quốc qua mặt, hay đơn giản là bắt kịp Nhật Bản và Hàn Quốc hay không lại là chuyện khác?

Thực tế là đã xuất hiện cầu thủ nhập tịch trong danh sách đội tuyển Trung Quốc chuẩn bị cho trận đấu với Maldives vào ngày 10/9 tới đây, tại vòng loại World Cup 2022. Đó là tiền đạo Elkeson de Oliveira Cardoso (cao 1m80, 30 tuổi).

Bóng đá châu Á cũng từng chứng kiến đội tuyển Qatar với nhiều cầu thủ gốc nước ngoài vô địch Asian Cup 2019. Tuy nhiên, đặc điểm của bóng đá Qatar và các quốc gia khối Ả rập khác xa với bóng đá Trung Quốc hay các quốc gia thuộc khu vực phía Đông châu Á.

Đặc điểm của thể thao thuộc khối Ả rập nói chung, chứ không riêng gì bóng đá là VĐV chính gốc người bản xứ rất ít khi thi đấu thể thao đỉnh cao, quốc gia càng giàu trong khối các nước này thì số lượng VĐV chính gốc bản địa càng hiếm.

Nhập tịch có phải là con đường dẫn đến thành công cho bóng đá Trung Quốc? - 1
Cầu thủ nhập tịch Elkeson de Oliveira Cardoso sẽ khoác áo đội tuyển Trung Quốc, trong trận đấu với Maldives tại vòng loại World Cup, vào ngày 10/9 tới đây

Thành ra, chuyện các nước như Saudi Arabia, Bahrain, UAE, hay Qatar nhập khẩu VĐV từ nước ngoài, trong đó có nhập khẩu cầu thủ bóng đá là bình thường. Bằng ngược lại, có lẽ họ không có đủ người để thi đấu thể thao đỉnh cao.

Và cầu thủ nhập tịch của Qatar thật ra cũng được đào tạo tại chính Qatar từ nhỏ, ở học viện bóng đá Aspire danh tiếng. Tức là các cầu thủ nhập tịch của Qatar dù là gốc nước ngoài nhưng vẫn được thổi cái hồn của bóng đá Ả rập, lối chơi thiên về kỹ thuật của các quốc gia Ả rập từ lúc còn rất nhỏ.

Họ phát triển không khác những người bản địa, nên lối chơi chung của họ khi lớn lên và khoác áo đội tuyển quốc gia không mất đi bản sắc địa phương. 

Nhưng bóng đá Trung Quốc thì khác, người dân Trung Quốc khác với người dân Qatar, ở chỗ dân Trung Quốc mê bóng đá đến cháy bỏng. Giới trẻ Trung Quốc khát khao được chơi bóng và được tham gia các lò đào tạo.

Chỉ là phương pháp đào tạo, và có thể là thời gian chưa cho phép người Trung Quốc thành công ngay tức thì.

Có thể phương pháp này giúp HLV Marcello Lippi hài lòng, vì ông chỉ muốn đội tuyển Trung Quốc thành công ngay lập tức, trên tư cách HLV có thể chỉ dẫn dắt đội tuyển trong thời gian ngắn hạn.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục sử dụng ồ ạt các cầu thủ nhập tịch, chính giới bóng đá Trung Quốc sẽ gián tiếp đẩy các trung tâm đào tạo trẻ, các học viện bóng đá trẻ của họ đi vào ngõ cụt, bởi cầu thủ nhập tịch sẽ cạnh tranh cơ hội vươn lên của các tài năng bóng đá bản địa. 

Và đây tiếp tục là hiện trạng cho thấy sự thiếu kiên nhẫn và thiếu định hướng có chiều sâu của những người làm công tác điều hành, quản lý bóng đá Trung Quốc. Họ từng tốn rất nhiều tiền cho các học viện bóng đá trẻ, nhưng giờ đang đi ngược lại với định hướng của chính họ ngày nào: Hướng về các cầu thủ nhập tịch mà bỏ qua khâu đào tạo trẻ. 

Rồi ngay cả khi nhập tịch cho các cầu thủ, vẫn chẳng có gì đảm bảo rằng bóng đá Trung Quốc nói chung và đội tuyển Trung Quốc nói riêng sẽ bắt kịp các nền bóng đá đáng để học hỏi tại châu Á, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc – những nền bóng đá kiên định với khâu đào tạo trẻ trong nhiều thập niên liên tiếp, rồi gặt hái thành công!

Thiện Nhân

Nhập tịch có phải là con đường dẫn đến thành công cho bóng đá Trung Quốc? - 2