Nhận diện sức mạnh của Iraq: Đội bóng bí ẩn có thực lực hàng đầu châu Á
(Dân trí) - Iraq không có giải vô địch quốc gia chất lượng, cầu thủ Iraq cũng không thường xuyên được tập trung đội tuyển thi đấu trên sân nhà, nhưng họ luôn là đội tuyển rất mạnh ở châu Á.
Mãi cho đến vòng loại World Cup 2026, Iraq mới cố định sân nhà của họ là sân vận động quốc tế Basra tại Basra (Iraq). Còn ở kỳ vòng loại World Cup 2022 ngay trước đó, đội tuyển Iraq thường xuyên phải chọn các sân trung lập bên ngoài đất nước Iraq làm sân nhà.
Khi thì đội bóng này thi đấu tại Amman (Jordan), lúc lại đá ở Arad (Bahrain), lúc khác họ lại phải chọn Doha (Qatar) làm sân nhà.
Tình hình trong nước có nhiều bất ổn khiến cho đội tuyển Iraq mất đi cơ hội thi đấu trước khán giả nhà trong nhiều năm qua. Giải vô địch quốc gia Iraq vì thế cũng không thể phát triển mạnh mẽ như các giải đấu của các quốc gia lân cận thuộc khu vực Vùng Vịnh, như giải Saudi Arabia, Qatar, UAE hay Kuwait…
Dù vậy, trong bối cảnh nhiều khó khăn, đội tuyển Iraq luôn rất mạnh khi tập trung thành một khối. Năm 2007, đội tuyển Iraq khi đó được đánh giá còn khó khăn hơn bây giờ, nhưng họ vẫn vô địch châu Á.
Trên hành trình vô địch Asian Cup năm đó của người Iraq, họ đánh bại chính đội tuyển Việt Nam của HLV Alfred Riedl ở tứ kết.
Tố chất của cầu thủ Iraq rất tốt. Cầu thủ Iraq cao lớn không khác cầu thủ của quốc gia láng giềng Iran. Trong thành phần đội Iraq dự vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, chuẩn bị chạm trán đội tuyển Việt Nam vào ngày 21/11 tới đây, họ cũng có nhiều gương mặt có thể hình nổi bật.
Đáng kể trong số đó là thủ môn kiêm thủ quân Jalal Hassan (1m88), trung vệ Rebin Sulaka (1m92), hậu vệ trái Ali Adnan (1m85), tiền đạo Aymen Hussein (1m89), hay trung phong Ali Al-Hamadi (1m87)…
Cầu thủ Iraq to lớn nhưng không vụng về. Họ khéo léo và nhanh nhẹn. Bằng chứng là ở trận đấu với Indonesia hôm 16/11, Iraq tấn công rất đa dạng. Họ tấn công từ nhiều hướng, ghi bàn từ nhiều hướng.
Trong đó, bàn thắng thứ 3 của đội Iraq trước Indonesia là một pha sút xa, bàn thắng thứ 4 là tình huống chồng biên rồi tạt vào trung lộ.
Còn bàn thắng thứ 5 của họ trong trận đấu cách đây vài ngày lại là pha phản công phá bẫy việt vị. Sau đó trung phong Ali Al-Hamadi đi bóng qua luôn thủ môn đối phương, rồi sút bóng vào lưới trống.
Nền tảng thể lực của các cầu thủ Iraq thuộc loại tốt, nhờ đó mà nhiều cầu thủ của họ có thể trụ được tại châu Âu.
Trong số 25 cầu thủ Iraq được đăng ký chuẩn bị cho trận gặp đội tuyển Việt Nam, có đến 9 người đang thi đấu tại châu Âu (chưa tính những cầu thủ đang đá bóng ở Iran, Qatar hay Thái Lan).
Dù những cầu thủ này chỉ khoác áo các CLB không mấy nổi tiếng ở cựu lục địa, nhưng việc thi đấu tại châu Âu chứng tỏ tốc độ và thể lực của cầu thủ Iraq rất đáng nể.
Đối đầu với đối thủ thế này, đội tuyển Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ, cả về thể lực lẫn lối chơi. Có thể những tình huống cố định sẽ là những tình huống then chốt ở trận Việt Nam - Iraq vào ngày 21/11 tới đây.
Đội tuyển Việt Nam có phòng ngự tốt trong các tình huống cố định hay không, chúng ta có sắc sảo khi tấn công bằng các pha bóng cố định hay không, điều đó có khi sẽ quyết định thành bại trong trận tiếp Iraq trên sân Mỹ Đình.
Nhiều khả năng trận đấu này đội bóng của HLV Troussier sẽ chơi chặt chẽ, không đá thoáng như trận gặp Philippines vừa rồi. Chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội trong các tình huống "mở".