1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Công trình TDTT: Cung vượt quá cầu

Nhà thi đấu VH-TDTT Nguyễn Du: Chia sẻ công năng để đảm bảo nguồn thu

(Dân trí) - Là công trình hình thành để phục vụ cho SEA Games 2003, Nguyễn Du là một trong những Nhà thi đấu (NTĐ) thuộc vào loại hiện đại ở thời điểm cách nay hơn chục năm. Thế nhưng, sau “cao trào” ấy đến nay, nhà thi đấu này chưa bao giờ hoạt động đúng công suất.

Có một thực tế đáng buồn là các công trình thể thao, hoặc ban đầu được xây dựng cho mục đích thể thao đang phải chia sẻ công năng với các loại hình dịch vụ khác. Và thậm chí, ngay cả khi đã “chia sẻ” vẫn không hoạt động hết công suất so với  kỳ vọng và thiết kế ban đầu. Với đô thị lớn như TPHCM, số lượng công trình thể thao hiện còn đang trong tình trạng cung vượt cầu.

 

NTĐ Nguyễn Du thuộc CLB VH-TT Nguyễn Du là công trình có quy mô lớn, hiện đại (ảnh: Quang Thắng)
NTĐ Nguyễn Du thuộc CLB VH-TT Nguyễn Du là công trình có quy mô lớn, hiện đại (ảnh: Quang Thắng)

 

Thiếu những giải đấu đúng tầm

NTĐ Nguyễn Du thuộc CLB VH-TDTT Nguyễn Du chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2002, tức trước khi SEA Games lần thứ 22, năm 2003 khởi tranh hơn 1 năm. Đây là một trong những công trình tại TPHCM được hoàn thành với một trong những mục đích là phục vụ SEA Games trên sân nhà.

 

NTĐ Nguyễn Du hiện nay không có nhiều giải đấu quốc tế xứng với quy mô
NTĐ Nguyễn Du hiện nay không có nhiều giải đấu quốc tế xứng với quy mô

 

Cũng tại đại hội năm đó, NTĐ Nguyễn Du là nơi diễn ra các cuộc tranh tài trong môn Billiards & Snooker. Tiếp đó, đến năm 2009, một đại hội thể thao lớn khác diễn ra tại Việt Nam, và NTĐ Nguyễn Du cũng là một trong những địa điểm đăng cai các môn tranh tài, đó là Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIG3). Năm đó, NTĐ Nguyễn Du tổ chức môn Lân – Sư – Rồng. Và sau 2 đại hội lớn này, NTĐ Nguyễn Du hoạt động không hết công suất – Điều này cũng đã được ngay chính những người đang quản lý NTĐ này thừa nhận.

Theo thông tin từ phía Ban giám đốc CLB VH-TDTT Nguyễn Du, mỗi năm NTĐ này chỉ tổ chức khoảng 15 – 20 giải đấu lớn nhỏ khác nhau. Riêng trong năm 2015, chỉ có khoảng 6 – 7 giải quốc tế. Còn lại, các giải đấu cấp quốc gia và cấp thành phố. Trong khi với thiết kế của NTĐ này,  nơi đây hoàn toàn có khả năng tổ chức nhiều giải đấu quốc tế quy mô lớn.

Nguyên nhân cơ bản, khiến cho NTĐ Nguyễn Du hay nhiều trung tâm TDTT khác tại TPHCM không hoạt động hết công suất, được ông Nguyễn Văn Hùng (Phó giám đốc trung tâm VH-TDTT Nguyễn Du) chỉ ra rằng: “Các giải đấu hàng năm không thể lấp đầy hoạt động của trung tâm. Ngoài ra, số lượng NTĐ ở xung quanh khu vực lân cận với Nguyễn Du khá nhiều, trước đây có Phan Đình Phùng, sắp tới sẽ có thêm NTĐ Quận 3… cũng chia sẻ bớt các giải đấu với Nguyễn Du”.

 

Nơi đây đang chia sẻ hoạt động với 1 rạp chiếu bóng
Nơi đây đang chia sẻ hoạt động với 1 rạp chiếu bóng

 

“Tôi nghĩ tình trạng các NTĐ không hoạt động đúng công suất, số lượng các giải đấu không lấp đầy hoạt động cũng là tình trạng chung dễ gặp ở hầu hết các trung tâm khác, chứ không riêng gì với chúng tôi” – ông Hùng cho biết thêm.

Ở đây, rõ ràng rằng nguồn cung về số lượng công trình TDTT đang vượt quá nhu cầu thực tế. Quá nhiều công trình thể thao mọc lên và dự định sẽ còn mọc lên, trong khi ít có công trình nào hoạt động đúng công suất.

Chia sẻ với các hoạt động khác để đảm bảo nguồn thu

Và một hiện tượng rất dễ gặp ở nhiều công trình TDTT trong thời gian gần đây là xuất hiện thêm các dịch vụ ngoài thể thao. Với NTĐ Nguyễn Du hiện nay, họ phải gắn liền hoạt động với những quán cafe, với một cụm rạp chiếu bóng và với cả một CLB khiêu vũ ngay bên dưới tầng hầm.

 

Và 1 CLB khiêu vũ bên dưới tầng hầm
Và 1 CLB khiêu vũ bên dưới tầng hầm

 

Trao đổi với phó giám đốc (PGĐ) trung tâm VH-TDTT Nguyễn Du Nguyễn Văn Hùng, ông này giải thích: “Sau khi khai thác các hoạt động theo yêu cầu của sự nghiệp, chúng tôi mới tiếp tục khai thác các hoạt động khác để đảm bảo nguồn thu, với yêu cầu là đảm bảo chức năng của trung tâm. Các hoạt động văn hóa gắn liền với khuôn viên NTĐ hiện nay cũng không nằm ngoài chức năng của trung tâm”.

Khi được hỏi rằng các hoạt động ngoài lĩnh vực thể thao ấy có ảnh hưởng đến NTĐ hay không, ông Hùng cho biết: “Với rạp chiếu bóng hiện tại họ chỉ hoạt động ở tầng hầm NTĐ. Đây là nơi ban đầu được thiết kế dành cho môn bowling. Nhưng bowling Việt Nam không phát triển, hoạt động không hiệu quả, nên chúng tôi buộc phải thay đổi công năng, để khai thác dịch vụ khác, hòng đảm bảo nguồn thu. Rạp chiếu bóng gói gọn trong tầng hầm, nên không gây ảnh hưởng đến hoạt trên mặt đất của NTĐ”.

 

Riêng sân bóng đá cỏ nhân tạo trong khuôn viên trung tâm hiện không còn được sử dụng và được khai thác thành... bãi giữ xe
Riêng sân bóng đá cỏ nhân tạo trong khuôn viên trung tâm hiện không còn được sử dụng và được khai thác thành... bãi giữ xe

 

Đó cũng là câu chuyện chung và là nghịch lý của các cơ sở vật chất TDTT ở TPHCM hiện nay, cũng như trên cả nước. Trong khi người dân ở các đô thị lớn không có nhiều sân chơi thể thao, thì ngay chính tại các công trình vốn ra đời với mục đích phục vụ cho TDTT lại thay đổi hoặc chia sẻ công năng với các hoạt động không liên quan gì đến thể thao, do thiếu các giải đấu và vắng người đến tập luyện thường xuyên.

Tổng quan về nhà thi đấu VH-TDTT Nguyễn Du

 

Trong số 6 – 7  giải quốc tế mà NTĐ Nguyễn Du tổ chức trong năm 2015, có 2 giải quy mô lớn thật ra NTĐ này nhận lại từ Phan Đình Phùng, sau khi Phan Đình Phùng gần như đóng cửa vì vụ sụp trần thạch cao năm ngoái, đó là World Cup Billiards carom 3 băng – vòng đấu Việt Nam, cũng như giải cầu lông Việt Nam mở rộng.

Tức là nếu không có 2 giải đấu ấy, số lượng giải đấu mà Nguyễn Du tổ chức còn ít hơn nữa. Và đấy cũng là tình trạng sẽ xảy ra với Phan Đình Phùng, nếu như NTĐ này còn hoạt động: Tình trạng giải đấu ít hơn so với công suất, khi có quá nhiều công trình thể thao có chức năng tương tự nhau lại ở quá gần nhau.

Trọng Vũ - Phạm Nguyễn

 

Nhà thi đấu VH-TDTT Nguyễn Du: Chia sẻ công năng để đảm bảo nguồn thu - 6