1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Nhà đài Việt Nam không buông xuôi bản quyền AFF Cup 2020

(Dân trí) - Bất chấp đối tác đưa ra cái giá trên trời, tuy nhiên nhiều đơn vị truyền hình Việt Nam vẫn tỏ ra quyết tâm theo đuổi đến cùng để có bản quyền truyền hình giải bóng đá số 1 khu vực.

Những ngày qua, đã xuất hiện nhiều thông tin về giá bản quyền truyền hình AFF Cup 2020. Theo nhiều nguồn tin, giá bản quyền năm nay vượt xa con số năm 2018 và có thể lên tới vài triệu USD. Dù mức giá được đẩy lên gấp 4-5 lần so với 2 năm trước, nhưng không ngăn được các nhà đài Việt Nam tham gia vào cuộc đua bản quyền.

Một lãnh đạo VTV giấu tên thừa nhận, việc mua bản quyền AFF Cup 2020 là “không dễ vì giá cao”, đồng thời dự đoán khó đơn vị nào tại Việt Nam đáp ứng được con số hàng triệu đô nói trên.

Nhà đài Việt Nam không buông xuôi bản quyền AFF Cup 2020 - 1

Nhà đài Việt Nam vẫn quyết tâm mua bản quyền AFF Cup 2020

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những đài lớn theo đuổi vụ mua bản quyền AFF Cup 2020 hiện tại chưa ai bỏ cuộc. Điều này cũng có nghĩa người hâm mộ đội tuyển Việt Nam có thể yên tâm khi gần như chắc chắn sẽ được theo dõi các trận đấu của thầy trò ông Park Hang Seo tại AFF Cup 2020.

Trước mắt, đã có 2 đơn vị truyền hình chính thức công khai đang đàm phán với đối tác. Đây cũng là 2 đơn vị sở hữu bản quyền AFF Cup 2018 từ đối tác Lagardere Sports and Entertainment (LSE). Hai năm trước, một đơn vị sở hữu bản quyền trên các nền tảng miễn phí, đơn vị còn lại sở hữu bản quyền trên hệ thống truyền hình trả tiền (Pay TV).

Lý giải về việc giá bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 tăng vọt, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thể Thái Lan không cử ĐTQG tham dự, BLV Quang Huy chia sẻ: “Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng, bởi người Việt Nam yêu bóng đá. Các giải đấu gần đây của đội tuyển Việt Nam đều có thành tích, tạo ra những ngày hội, nên họ luôn muốn thu nhiều từ những bản quyền này”.

Cũng theo BLV Quang Huy, các đối tác tin Việt Nam kiểu gì cũng phải mua. Bởi trên thực tế, Việt Nam chưa hoàn toàn buông bản quyền một giải đấu nào dù giá bản quyền có đắt tới đâu.

Như vậy, có thể hiểu một phần nguyên nhân dẫn đến việc các đài Việt Nam bị đối tác ép giá là tâm lý mua bằng được. Thực tế cho thấy trong quá khứ, ít khi có chuyện các đơn vị truyền hình ở Việt Nam cùng hợp tác để mua bản quyền, tránh bị đối tác ép giá đồng thời tạo điều kiện cho lợi ích chung của người hâm mộ. Thậm chí, những năm gần đây đã xuất hiện một số đơn vị luôn muốn sở hữu trọn vẹn bản quyền của một giải đấu để độc quyền.

Tất nhiên, việc sở hữu bản quyền trọn vẹn của AFF Cup 2020 sẽ không đơn giản, do giải đấu không chỉ diễn ra ở một, hai nước đăng cai. Việc ban tổ chức đảm bảo 10 đội tuyển tham dự đều được thi đấu ít nhất hai trận trên sân nhà cũng khiến việc đàm phán các gói bản quyền phức tạp hơn.

Một lãnh đạo nhà đài Việt Nam cho biết, các đơn vị truyền hình đang tiếp tục đàm phán với đối tác để có mức giá hợp lý nhất. Bên cạnh đó, từ nay tới cuối năm, khi AFF Cup 2020 diễn ra, các đơn vị cũng phải tính toán kỹ bài toán kinh doanh, tránh trường hợp mua giá cao nhưng lại không thu lại đủ vốn.

Hoàng Quốc

Dòng sự kiện: Vòng loại World Cup 2022