Nguyễn Minh Phương: Biểu tượng của V-League
(Dân trí) - Đá đủ 15 kỳ giải V-League, 4 lần vô địch với 3 CLB khác nhau. Là cầu thủ tài năng nhất thế hệ và giành đủ mọi vinh quanh ở cấp độ đội tuyển, CLB cũng như cá nhân, Nguyễn Minh Phương giờ nói lời chia tay sân cỏ, chia tay sự nghiệp đá bóng đầy huy hoàng.
Minh Phương quyết định đến với sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp đầy dứt khoát. Mười mấy năm trước, tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam ngày nay đứng trước ngã rẽ cuộc đời: Hoặc đá bóng đỉnh cao, hoặc tiếp tục việc học sau khi anh đã có bằng tốt nghiệp THPT và chuẩn bị thi vào đại học.
Minh Phương chọn nghiệp quần đùi áo số và bóng đá Việt Nam nhờ đó mà sau này được chứng kiến một trong những tiền vệ thuộc vào loại tài hoa nhất lịch sử V-League: Người đã giành đến 4 danh hiệu vô địch giải đấu với 3 CLB khác nhau (1 với Càng Sài Gòn, 2 với ĐT Long An và 1 với SHB Đà Nẵng).
Mỗi bước chân của Minh Phương gần như cũng gắn liền với vinh quanh, không chỉ ở tầm mức CLB, mà còn ở đội tuyển quốc gia. Thế hệ của những Minh Phương, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành, Phước Tứ… cũng được xem là một trong những thế hệ tài năng và tài hoa nhất của bóng đá Việt Nam.
Thế hệ đấy không chỉ vô địch AFF Cup 2008, mà còn vào đến giai đoạn knock-out của Asian Cup 2007 – những thành tích mang tính lịch sử, mà trước đó và sau đó, chúng ta chưa làm được. Riêng Minh Phương còn giành thêm danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2010.
Không chỉ là nhân chứng sống của lịch sử hình thành và phát triển của V-League, Minh Phương còn là cầu thủ gần như mở ra kỷ nguyên mới trong việc chuyển nhượng ở giải đấu này, theo đúng tính chất của bóng đá nhà nghề.
Năm 2003, vụ chuyển nhượng Minh Phương từ Cảng Sài Gòn đến ĐT Long An trở thành vụ chuyển nhượng nhiều tranh cãi nhất, tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất. Rốt cuộc, ĐT Long An chồng đủ cho Cảng Sài Gòn 399 triệu đồng tiền bồi thường phí đào tạo, mở ra cột mốc mới trong lịch sử chuyển nhượng của giải quốc nội.
Trước vụ chuyển nhượng đấy, hầu như cầu thủ rất khó chuyển đến đội bóng mới, nếu như không được sự cho phép của CLB cũ. Nhưng từ sau vụ chuyển nhượng của Minh Phương, người ta mới bắt đầu linh hoạt hơn trong việc vận dụng cái gọi là quy chế chuyển nhượng của bóng đá chuyên nghiệp, quan tâm hơn đến nguyện vọng của cầu thủ trong chuyện đi hay ở của chính họ.
Khởi nghiệp ở vị trí hậu vệ phải, chiếm chỗ của đàn anh Trần Công Minh trong màu áo đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2002 – một trong những vị trí thuộc vào lại bất khả xâm phạm của đội tuyển giai đoạn đấy, vì hồi đấy Công Minh quá hay, nhưng sau này Minh Phương còn phát triển rực rỡ hơn nữa trong vai trò nhạc trưởng.
Để đến sau này, Nguyễn Minh Phương trở thành một trong những tiền vệ tài hoa nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh được, dạng tiền vệ có thể loại toàn bộ hàng thủ của đối phương, đặt tiền đạo đội nhà vào tư thế trống trải để dứt điểm chỉ bằng một đường chuyền.
Rồi cũng sau này, Minh Phương cũng trở thành chuẩn để người ta so sánh thế nào là một tiền vệ tổ chức hay hoặc dở, sáng tạo hay không sáng tạo.
Gần nhất, khi bộ đôi tiền vệ trung tâm giàu triển vọng của HA Gia Lai gồm Tuấn Anh và Xuân Trường nổi đình nổi đám trong bóng đá nội, nhiều người cũng chỉ mong rằng một ngày nào đó, bộ đôi này có thể vươn đến đẳng cấp của… Minh Phương.
Và điều người ta phục nhất nơi Minh Phương ở chỗ dù cực kỳ tài năng và cực kỳ nổi tiếng, nhưng suốt sự nghiệp đỉnh cao của mình, Minh Phương hầu như không hề dính đến các scandal cá nhân, không hề dính đến những vụ ồn ào ngoài chuyên môn.
Điều người ta phục khác nơi cầu thủ này là bên ngoài chất tài hoa sẵn có, anh vẫn rất tích cực rèn luyện và học hỏi không ngừng: Anh đá bóng hay ngay cả khi vừa thi đấu vừa điều trị bệnh cách nay vài năm, đá bóng hay ngay cả vừa thi đấu vừa đi học, để trước khi nói lời chia tay sân cỏ đã kịp nhận chứng chỉ A cho nghề HLV, do AFC cấp.
Trọng Vũ