Nghi án thủ môn Thanh Thắng tiêu cực: Chỉ là tai nạn?
(Dân trí) - BTC giải rất khó có thể đưa ra bất cứ kết luận nào về tình huống chuyền bóng như “làm độ” của thủ môn Thanh Thắng. Nếu muốn điều tra tiêu cực, BTC cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Ở bàn thua phút cuối hiệp 1, thủ môn Thanh Thắng có pha chuyền bóng như đặt vào chân cho tiền đạo Dyachenko ghi bàn gỡ hòa. Đầu hiệp 2, đến lượt trung vệ Bakel phạm lỗi trong vòng cấm giúp Than Quảng Ninh nâng cách biệt trên chấm phạt đền 11 m. Tuy nhiên, gần như mọi nghi vấn bán độ chỉ dồn vào mỗi tình huống của cầu thủ nội là thủ môn Thanh Thắng, dù anh đã gửi lời xin lỗi và nói rằng đấy là một tai nạn.
Vụ việc thủ môn Thanh Thắng chuyền bóng vào chân tiền đạo đối phương dẫn đến bàn thua trở thành tâm điểm của vòng 22 V-League. Phía CLB Thanh Hóa đã họp khẩn và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, trong khi BTC giải cũng đã tiến hành “mổ băng” để xem lại tình huống này trên nhiều góc cạnh.
Lý do pha chuyền bóng ngớ ngẩn của Thanh Thắng được “soi” rất kỹ như vậy là bởi nó có những dấu hiệu bất thường. Chính CLB Thanh Hóa cũng phải thừa nhận điều này, và họ đã có những động thái quyết liệt nhằm loại bỏ tiêu cực trong bóng đá, nếu có.
Tất nhiên, về phần mình, thủ môn Thanh Thắng ngoài việc xin lỗi người hâm mộ, thì anh cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để sớm có kết luận, qua đó cũng muốn chứng minh mình hoàn toàn vô tội để tiếp tục theo nghiệp quần đùi áo số.
Câu chuyện chống tiêu cực ở V-League không chỉ nằm trong phạm vi của BTC giải, mà của nhiều bên liên quan. Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) cho biết mọi diễn biến bất thường liên quan đến cá độ bóng đá tại V-League đều sẽ được công ty Sportradar báo cáo mỗi tuần. Theo Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng, Sportradar có khả năng cập nhật dữ liệu phân tích thông tin các trận đấu, qua email, tài khoản ngân hàng hoặc mạng xã hội để sớm phát hiện các vụ việc tiêu cực.
Sportradar là công ty cảnh báo cá cược quốc tế có chi nhánh tại hơn 25 quốc gia. Đây là đối tác uy tín được các tổ chức liên đoàn bóng đá và cả cơ quan điều tra của nhiều quốc gia nhờ hỗ trợ trong việc phát hiện các dấu hiệu tiêu cực trong bóng đá và tham nhũng. Mùa giải 2014, sau khi xem xét 1.500 trận đấu, Sportradar đã có bản báo cáo chỉ ra 300 trận đấu dàn xếp tỷ số, trong đó có cả giải Ngoại hạng Anh và ASIAD Incheon. Từ mùa 2016, VPF và Sportradar cùng bắt tay hợp tác chống tiêu cực, với thông điệp “Nói không với dàn xếp tỷ số”.
Kể từ khi hợp tác với VPF, Sportradar chưa phát hiện ra bất cứ trường hợp nào liên quan đến tiêu cực. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tiêu cực vẫn xảy ra, điển hình là vụ 9 cầu thủ Ninh Bình và gần nhất là nhóm cầu thủ CLB Đồng Nai. Điều này cho thấy cuộc chơi của bóng đá Việt Nam ở một số thời điểm và hoàn cảnh có tiêu cực với nhiều mức độ khác nhau.
Và, nếu không làm rõ, thì những nghi án luôn chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ.
Hoàng Quốc