Phó Chủ tịch thường trực, nguyên Tổng thư ký UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang
“Năm 2014 sẽ là bước đệm chuẩn bị cho Asiad 2019”
(Dân trí) - Thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2014 sẽ có nhiệm vụ lớn nhất là Asiad. Sau kỳ Asiad này, Việt Nam sẽ lần đầu tiên tổ chức kỳ Á vận hội vào năm 2019. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Giang.
TTVN vừa có một kỳ SEA Games thành công với 73 HCV. Ông đánh giá thế nào về thành tích của chúng ta tại kỳ SEA Games này?
Đây là thành tích phản ánh đúng sự chuẩn bị của chúng ta. TTVN vẫn nằm trong tốp 3 toàn đoàn và đáng mừng hơn cả là chúng ta có nhiều thành tích cao những môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic như điền kinh, vật, cử tạ, bắn súng…
Nhiều người cho rằng SEA Games vẫn chỉ là “ao làng” nên không giúp được TTVN phát triển?
Ông Giang đánh giá cao cơ hội của TTVN tại Asiad 2014
Nhiều người không ủng hộ SEA Games bởi họ cho rằng mỗi kỳ đại hội đều có thêm nhiều môn lạ lùng mà chẳng bao giờ được thi đấu tại Olympic. Thực tế, trình độ của VĐV Đông Nam Á còn thua kém nhiều. Olympic, ASIAD là những mục tiêu mà chúng ta vẫn phải nhắm tới. Nhưng nên nhớ, Việt Nam đang nằm trong vùng trũng của thể thao thế giới. Nếu cứ nhăm nhăm hướng tới Olympic thì chúng ta sẽ gạt bỏ tất cả các môn thể thao truyền thống của các nước trong khu vực.
Tại SEA Games 27 ông đặc biệt ấn tượng với thành tích nào của đoàn TTVN?
Tôi thực sự ấn tượng với môn bơi, trong đó có Ánh Viên. Đó là một tài năng ông trời đã ban cho chúng ta. Ánh Viên cũng đã có được 3 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games. Thành tích như vậy thì đâu thể chê trách gì được? Hơn nữa, những thành tích này nếu được cải thiện, sẽ đủ cơ hội tranh chấp huy chương Asiad cuối năm nay. Vừa rồi Ánh Viên được đầu tư 4 tỷ đồng cho chuyến tập huấn tại Mỹ. Đó là sự đầu tư đúng hướng, quyết liệt để giúp Ánh Viên thi đấu thành công trong tương lai gần.
Ngoài Ánh Viên, bơi còn có những mầm mống để phát triển hết Quang Nhật, Quý Phước. Đặc biệt là Lâm Quang Nhật. Lần đầu tiên có một VĐV Việt Nam vô địch bơi ở cự ly dài, khiến các đối thủ bị bất ngờ lớn.
Từ sân chơi SEA Games, ông dự đoán thế nào về thành tích của đoàn TTVN tại Asiad năm nay?
Trước hết phải cùng thừa nhận với nhau rằng dù vừa trải qua một kỳ SEA Games thành công với 73 HCV, đứng trong tốp 3 chung cuộc của Đại hội, nhưng TTVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh HCV tại Asian Games lần thứ 17 tổ chức ở Incheon (Hàn Quốc). Asiad luôn là sân chơi khốc liệt, cứ nhìn việc chúng ta chỉ giành 1 HCV duy nhất tại kỳ trước là đủ thấy. Tất nhiên, ngành thể thao sẽ có những kế hoạch, đầu tư để chúng ta tham dự đạt thành tích tốt nhất.
Ông kỳ vọng những môn nào sẽ tạo nên bất ngờ?
Những môn thi đấu rất tốt thời gian qua như bắn súng, bơi lội, cử tạ, vật, taekwondo, wushu…đều có khả năng tranh HCV.
Kỳ Asiad lần này có ý nghĩa rất quan trọng cho lần tham dự Asiad kỳ tiếp theo của TTVN?
Đúng vậy, Asiad lần này không chỉ là bước đệm về khâu chuẩn bị lực lượng, mà còn là sự học hỏi, chuẩn bị công tác tổ chức, điều hành cho Asiad 2019 được tổ chức tại Việt Nam.
Đâu là cơ sở để ông nhìn thấy sự phát triển của TTVN trong tương lai?
TTVN đang đi rất đúng hướng theo chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bắt đầu từ Asiad năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) trở đi, chương trình thi đấu chỉ có 28 môn thuộc hệ thống Olympic và 7 tới 9 môn thể thao khác như wushu, karate, kabbadi, cầu mây, bóng mềm, bóng chày, cricket…Theo tôi, việc Chính phủ phê duyệt danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn thể thao nhóm trọng điểm loại 2 cần được đầu tư là rất hợp lý.
Chúng ta sẽ không thể dàn trải và cũng không thể vón cục lại. Làm thế nào ít nhất có 12 - 15 môn thể thao Olympic. Đây cũng sẽ là những môn nằm trong Asaid và cả SEA Games. Chúng ta có thể dùng 1 từ “ nhất tiễn xạ tam điêu” - tức là chúng ta bắn mục tiêu vào Olympic, nhưng có thêm mục tiêu SEA Games và Asiad.
Có một vấn đề là những VĐV chủ chốt của TTVN hiện nay vẫn chưa có thế hệ kế thừa? Ông có nghĩ đấy là một nỗi lo với TTVN?
Trong chiến lược phát triển TTVN có đề ra rất rõ, năm nào phải có bao nhiêu VĐV vượt qua vòng loại đi Olympic. Để làm được điều này ngành TDTT bắt buộc phải nghĩ cách phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các địa phương. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, cùng phát triển bài bản từ địa phương tới ĐTQG, tôi cho rằng vấn đề lực lượng kế thừa không phải quá lớn.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc đăng cai Asiad, thưa ông?
Trước tiên, chúng ta sẽ quảng bá được hình ảnh của mình, được giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia. Asiad sẽ kích thích các ngành dịch vụ, du lịch phát triển. Cùng với sự nâng cấp các công trình thể thao, mạng lưới giao thông, khách sạn...cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ. Nói chung không thể tính được hết những thứ mà chúng ta được hưởng lợi từ đăng cai Asiad.
Xin cảm ơn ông!
Lê Cường thực hiện