MU thua thảm trước Chelsea: Mourinho đã hết thời?
(Dân trí) - Mourinho đang thực sự gặp khó khăn trong việc lèo lái con tàu MU ở mùa giải này. Nó tương tự như khi ông dẫn dắt Chelsea ở mùa giải trước. Phải chăng, “Người đặc biệt” đã hết thời?
Sự bảo thủ của Mourinho
Fellaini là một trong những cái tên thất vọng nhất của MU ở trận đấu với Chelsea. Rất nhiều lần trong mùa giải này, người ta đã nhắc tới tên của Fellaini như thảm họa ở tuyến giữa. Nhưng Mourinho vẫn không chịu tin vào điều đó.
Trong triết lý của HLV Mourinho, một tiền vệ phòng ngự phải là người có sức mạnh, tranh chấp tốt. Đó là lý do vì sao ông không bao giờ chịu tin dùng Carrick đá thấp nhất hàng tiền vệ. Trong khi đó, Morgan Schneiderlin (người từng tỏa sáng trong vai trò tiền vệ phòng ngự khi thi đấu với Southampton) cũng gần như không được đoái hoài.
Phân tích gần đây cho thấy Pogba chỉ có thể tỏa sáng khi được bố trí bên cạnh một cầu thủ có khả năng điều phối bóng tốt như Carrick, Pirlo. Nhưng với sự bảo thủ của mình, Mourinho không bao giờ dùng những cầu thủ như vậy.
Có một điều dễ nhận ra, ở thời điểm đầu trận gặp Chelsea, MU gần như không thể triển khai bóng trước sự áp sát rất nhanh của Chelsea. HLV Conte để để đội hình dâng cao để bóp nghẹt những khoảng trống của MU. Ngược lại, Quỷ đỏ lại liên tục để lộ khoảng trống khá lớn để đối thủ khai thác.
Thực tế, ban đầu HLV Mourinho dự định sẽ chơi phòng ngự - phản công ở trận đấu này nhưng kế hoạch ấy đã phá sản ngay ở giây thứ 30 sau sai lầm của hàng thủ MU và thủ thành De Gea. Để rồi, họ buộc phải tấn công để tìm kiếm bàn thắng. Nhưng trong thế trận ấy, MU lại thiếu đi người điều phối, dẫn dắt lối chơi. Mãi tới khi Juan Mata vào sân ở hiệp 2, tình hình có tốt lên đôi chút nhưng chưa thể tạo nên cú hích đủ lớn.
Tất nhiên, người ta đã có thể “đổ lỗi” cho việc thua quá sớm khiến Mourinho phá sản kế hoạch nhưng rõ ràng, sự bảo thủ của “Người đặc biệt” cũng là nguyên nhân không nhỏ. Kể từ khi lên đỉnh với Inter ở Champions League 2010, Mourinho không có quá nhiều cải tiến về chiến thuật và triết lý của mình.
Do đó, khi sự đột biến của MU không còn, họ dễ dàng bị đối thủ bắt bài. Thất bại thảm hại ở Chelsea mùa trước, cộng thêm thành tích không tốt cùng MU mùa này là dấu hiệu cho thấy “Người đặc biệt” dần hết thời.
Không còn là “Người đặc biệt”?
Trước trận đấu với Chelsea, HLV Mourinho khẳng định rằng nếu không thể mang về danh hiệu, ông không còn là “Người đặc biệt”. Thế nhưng, những năm qua, người ta chỉ thấy Mourinho “đặc biệt” trong những phát ngôn, còn về chiến thuật ông không có nhiều đột biến (như đã nói ở trên).
Nhìn thử sang Conte. Sau khi tới Chelsea, ông đã liên tục thay đổi sơ đồ chiến thuật ở bất kỳ CLB nào để phù hợp với hoàn cảnh. Thời ở Juventus, ông áp dụng sơ đồ 4-2-4 và giúp Lão bà vô địch Serie A nhưng sau đó, ông chỉ thực sự giúp CLB vươn tầm khi sử dụng sơ đồ 3-5-2.
Hay như ở Chelsea. Ban đầu, ông đã sử dụng sơ đồ 4-5-1, rồi 4-2-4. Nhưng trong những trận đấu vừa qua, Conte đã quyết định sử dụng sơ đồ 3-4-3. Thành công đã tới với CLB khi giành 3 chiến thắng liên tiếp và chưa để thủng lưới bàn nào.
Pep Guardiola cũng là ví dụ tương tự. HLV người Tây Ban Nha từng lên đỉnh châu Âu với lối chơi tiqui-taka thần thành cùng sơ đồ 4-3-3. Nhưng giai đoạn sau này, ông đã liên tục thử nghiệm nhiều sơ đồ khác nhau. Lối chơi của Bayern Munich và Man City cũng không còn như Barcelona nguyên bản (dù các CLB này vẫn chủ trương kiểm soát bóng).
Khi thế giới vận động liên tục, Mourinho vẫn thể hiện sự cũ kỹ. Giờ đây, ông phải trả giá vì điều đó.
H.Long