MU làm gì để trả nợ?

(Dân trí) - Ở thời điểm hiện nay, BLĐ Manchester United đứng đầu là các thành viên trong gia đình Glazer đang phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi nhằm tìm kiếm các khoản tài chính để trả nợ ngân hàng.

 

Cách đây 5 năm, tỷ phú người Mỹ Malcolm Glazer đã mua MU với 800 triệu bảng. Hơn một nửa trong số tiền kể trên được ông vay từ nhiều nguồn khác nhau. Theo đó, mỗi năm Glazer sẽ phải trả khoảng 60 triệu bảng. Tới thời điểm công bố tài chính năm ngoái, số nợ của Man United lên tới 699 triệu bảng.
 
 
MU làm gì để trả nợ? - 1

Nhà Glazer đang làm suy yếu đế chế MU

 

“Quỷ đỏ” vừa công bố lợi nhuận trước thuế đạt 48,2 triệu bảng trong năm 2009, nhưng chủ yếu có lãi là nhờ bán Ronaldo cho Real Madrid. Nếu tiền vệ ngôi sao người Bồ không đến Bernabeu, Man United thậm chí lỗ 31,8 triệu bảng. Được biết những ông chủ người Mỹ đã dùng 260 triệu bảng để thanh toán nợ nần trong giai đoạn 2005-2009.

 

Theo tờ Guardian, gánh nặng nợ nần khiến BLĐ Manchester United phải mạo hiểm tính đến một loạt các phương án nhằm tăng ngân sách cho đội bóng. Phương án đầu tiên là thanh lý bớt đội hình hiện tại với một số cái tên như Berbatov, Nani, Anderson hay Tosic. Tuy nhiên, đây là giải pháp đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các CĐV cũng như HLV Alex Ferguson.

 

Phương án thứ hai xem ra khả thi hơn là việc MU phát hành trái phiếu với tổng trị giá 500 triệu bảng. Lượng trái phiếu MU sắp phát hành sẽ đáo hạn vào cuối năm 2017 với lãi suất hàng năm 8%. Nếu nhìn vào khoản tiền họ đang đi vay nhà đầu tư với lãi suất 14,25% mỗi năm thì phát hành trái phiếu giúp giảm khá nhiều chi phí. Không những thế, “Quỷ đỏ” còn tạm thời thanh toán được 500 triệu bảng nợ nần để tính đến một kế hoạch dài hơi.

 
 
MU làm gì để trả nợ? - 2

Ferguson chỉ có thể mua sau khi bán

 

Phương án tiếp theo được nhà Glazer xem xét là bán đi sân tập Carrington. Đây là trại huấn luyện được MU đưa vào sử dụng từ năm 2000 và được mệnh danh là “khu rừng Carrington” vì tính bảo mật, an toàn cao dành cho các cầu thủ. Ngoài ra, Carrington có đầy đủ cơ sở hạ tầng, gồm sân tập rộng rãi, phòng họp báo, phòng xem phim, phòng ăn, khu phục hồi thể lực.

 

Một quan chức của MU cho biết: “Sân tập Carrington tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ cho các hoạt động bảo dưỡng định kỳ. Chúng tôi đang cân nhắc tới khả năng bán Carrington và thuê lại sân tập này”.

 

Trước những động thái kể trên, nhiều CĐV của “Quỷ đỏ” cho rằng gia đình nhà Glazer đang đưa MU tới gần bờ vực phá sản và chỉ chăm chăm lo tới lợi ích của cá nhân, thay vì tương lai đội bóng.

 

Hoàng Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm