MU đã thay đổi như thế nào dưới thời của Mourinho?
(Dân trí) - MU đã thành công trong giai đoạn đầu dưới thời Mourinho. Thế nhưng, đó không phải là may mắn. Thay vào đó, “Người đặc biệt” đã đặt dấu ấn trong cuộc “cải cách” Quỷ đỏ trên nhiều lĩnh vực.
Dưới thời Mourinho, MU đã giành chiến thắng cả 3 trận đấu đầu tiên ở Premier League. Điều quan trọng, người hâm mộ cảm nhận được khí thế chiến đấu trong từng trận đấu. Sở dĩ vậy bởi HLV người Bồ Đào Nha đã có cuộc “cải cách” sâu rộng trên nhiều lĩnh vực ở MU.
Tập luyện
Dưới thời Van Gaal, những buổi tập diễn ra khá đơn điệu. Thông thường, ông thày người Hà Lan chỉ cho các cầu thủ tập luyện 2-3 bài tập lặp đi lặp lại trong một ngày. Bên cạnh đó là những buổi phân tích video chiến thuật.
Sở dĩ vậy bởi HLV Van Gaal muốn gò các cầu thủ vào “triết lý” của riêng mình. Dù vậy, nó đã mang tới hiệu ứng ngược. Không ít lần những trụ cột của CLB như Wayne Rooney, Carrick… đã tới gặp HLV Van Gaal để phàn nàn về sự nhàm chán trong các buổi tập.
Trong khi đó, HLV Mourinho lại “giản lược” tất cả. Ông hướng bóng đá về sự đơn giản nhất. Đó là lý do ông ra lệnh bỏ gần như toàn bộ các công trình của HLV Van Gaal ở sân tập. Những bài tập từ thời Sir Alex Ferguson (như chơi bóng năm người) cũng được áp dụng lại. Ngoài ra, Mourinho cũng muốn những buổi tập là nơi những cầu thủ cảm thấy vui vẻ, thoải mái nhất.
Mourinho từng nói về triết lý đào tạo của mình: “Một nghệ sĩ piano vĩ đại không nhất thiết phải chạy quay cây đàn hay cố gắng nhấn thật mạnh vào phím đàm. Thay vào đó, họ cần chơi đàn bằng niềm cảm hứng của mình. Cách tốt nhất để cầu thủ thi đấu tốt hơn là mang tới niềm cảm hứng chơi bóng cho họ”.
Chiến thuật
Dễ nhận thấy, chiến thuật của Mourinho không “phức tạp” như Van Gaal. Nếu như Van Gaal chủ trương kiểm soát bóng và cố gắng thực hiện nhiều đường chuyền theo chiều ngang để dồn ép đối thủ trong cả trận thì Mourinho thì hoàn toàn ngược lại. Ông không khuyến khích các cầu thủ cầm bóng quá nhiều (vì theo triết lý của Mourinho, càng cầm bóng nhiều, càng dễ mắc sai lầm). Ông luôn hướng các học trò đưa bóng lên tuyến trên một cách nhanh nhất có thể.
Mourinho không hẳn chỉ chăm chăm phòng ngự. Bằng chứng, ở trận gặp Hull City, MU đã dồn ép đối thủ trong cả trận đấu. Đặc biệt, ở thời điểm cuối (khi Mkhitaryan vào sân), Quỷ đỏ đã chơi tấn công khá đa dạng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, ở trận gặp Man City, người ta sẽ thấy MU chơi phòng ngự phản công (lối chơi sở trường của HLV Mourinho).
Tư duy chuyển nhượng
Thời Van Gaal, MU mua sắm ồ ạt với nhiều bản hợp đồng. Như mùa 2014/15, khi mới tới Old Trafford, ông thày người Hà Lan đã mang về 6 tân binh với tổng giá trị 166 triệu bảng. Sang mùa thứ 2, HLV Van Gaal tiếp tục mang về 5 bản hợp đồng với giá trị 124,27 triệu bảng. Tính ra, trong 2 mùa giải ở MU, HLV Van Gaal đã tiêu tốn gần 300 triệu bảng. Thế nhưng, những bản hợp đồng thành công của ông rất ít ỏi (chỉ có Luke Shaw và Martial).
Trong khi đó, Mourinho mua ít nhưng chất. Ngay từ khi tới MU, ông đã vạch ra kế hoạch chiêu mộ 4 tân binh (trải đều các tuyến). Cuối cùng, ông đã hoàn thành mục tiêu đó. MU chiêu mộ 4 tân binh là Eric Bailly, Paul Pogba, Mkhitaryan, Ibrahimovic với giá trị khoảng 150 triệu bảng. Điều quan trọng, những gương mặt này đều gây dấu ấn nhất định ở Old Trafford.
Ngoài ra, việc MU thu hút được những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Paul Pogba, Ibrahimovic (trong bối cảnh không được dự Champions League) cho thấy vị thế của họ trên thị trường chuyển nhượng đã lên cao. Chính Ibrahimovic thừa nhận chỉ có Mourinho mới khiến anh quyết định đầu quân cho MU.
Sự máu lửa
Để ý thấy, Mourinho rất thường xuyên xuất hiện ngoài đường piste để hò hét, cổ vũ tinh thần cho các học trò. Đó là điều người hâm mộ MU rất hiếm thấy dưới thời Van Gaal. Nên nhớ, tinh thần thi đấu là “vũ khí” làm nên thương hiệu của MU dưới thời Sir Alex Ferguson.
Ở trận gặp Hull City mới đây, người ta đã thấy được MU quyết tâm chiến thắng tới nhường nào. Nó khác biệt hoàn toàn so với sự nhàm chán dưới thời Van Gaal. Bàn thắng muộn của Marcus Rashford là kết quả của điều đó.
Ngoài ra, Mourinho rất biết cách truyền sự máu lửa của mình cho các học trò thông qua những buổi tập hay những lần tiếp xúc cá nhân. Điển hình, ông đã lắng nghe và động viên Fellaini từng chút một, giúp cầu thủ này tìm lại được sự tự tin và thi đấu rất hay trong những trận đấu vừa qua. Tương tự là trường hợp của Juan Mata (người từng bị Mourinho thải loại khi còn ở Chelsea).
Sự “đối xử” với cầu thủ trẻ
Nếu như HLV Van Gaal rất chú trọng sử dụng những cầu thủ trẻ thì Mourinho hầu như chẳng ngó ngàng tới “di sản” của ông thày người Hà Lan. Ông chỉ thực sự giữ lại những người chất lượng và hợp chiến thuật của mình như Marcus Rashford, Tuanzebe, Fosu-Mensah hay Lingard.
Ngoài ra, Mourinho cũng tỏ thái độ rõ ràng với những người thừa như Schweinsteiger. Không dưới 1 lần, ông đã khẳng định cầu thủ người Đức không còn nằm trong kế hoạch của mình ở mùa giải tới.
Thông điệp với CĐV
Ngay từ khi mới nhậm chức, Mourinho đã tuyên bố mục tiêu của ông không phải là top 4 Premier League mà là chức vô địch. Thời gian qua, “Người đặc biệt” đã và đang chứng minh được mình không hề nói quá.
H.Long