Man Utd tụt dốc thảm hại: Niềm cảm hứng Bruno Fernandes “hết phép”
(Dân trí) - Chỉ trích Bruno Fernandes về màn trình diễn tệ hại trước Istanbul Basaksehir thì quá dễ dàng. Mặc dù vậy, vấn đề của Man Utd lúc này không nằm ở ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Thống kê của Statman Bains chỉ ra rằng, trong trận đấu với Istanbul Basaksehir vừa qua, Bruno Fernandes đã mất bóng tới... 34 lần. Đó là con số lớn chưa từng thấy với cầu thủ cầm nhịp trận đấu.
Chưa hết, hàng loạt con số thống kê khác đã nhắm vào ngôi sao người Bồ Đào Nha. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của anh chỉ vào khoảng 74%, tỷ lệ chuyền dài chính xác là 50%, tỷ lệ tạt bóng thành công là... 0% (sau 6 pha tạt bóng). Bên cạnh đó, ngôi sao sinh năm 1994 còn không tạo ra cơ hội nguy hiểm nào.
Thật dễ dàng để chỉ trích Bruno Fernandes nếu chỉ nhìn vào con số thống kê ấy, nhất là khi cầu thủ này còn là người chuyền bóng hỏng cho Juan Mata, dẫn tới bàn thua thứ 2 của Man Utd.
Nhiều tờ báo cho rằng Bruno Fernandes đã “hết phép” khi dần bị đối thủ bắt bài. Tất nhiên, những quan điểm như vậy không hề sai. Nhưng vấn đề ở chỗ, nó có phản ánh mấu chốt vấn đề của Man Utd ở thời điểm này.
Cần nói thêm rằng, với những ngôi sao cầm nhịp như Bruno Fernandes, sự xuất sắc của các vệ tinh rất quan trọng. Chỉ có như vậy, bóng mới được ngôi sao người Bồ Đào Nha phân phối tốt hơn.
Nhưng để ý ở trận đấu với Istanbul Basaksehir vừa qua, hầu như ở thời điểm nhận bóng, Bruno Fernandes không có nhiều lựa chọn bởi các vệ tinh thường đứng khá xa. Do đó, rất nhiều lần, anh đã phải giải quyết tình huống bằng chuyền dài.
Việc Bruno Fernandes chuyền dài tới 14 lần trong thế trận Man Utd ép sân hoàn toàn nói lên điều gì? Đó là vấn đề của cả hệ thống. Nó di chuyển không đủ tốt để Bruno Fernandes có thể phát huy khả năng điều phối. Thông thường, những CLB lớn khi đối đầu với những đối thủ yếu thường lựa chọn chuyền ngắn, chọc khe tận dụng khoảng trống. Nhưng Man Utd lại không làm như vậy, dù cho HLV Solskjaer bố trí đội hình thiên về tấn công.
Khả năng phối hợp giữa Bruno Fernandes và Van De Beek luôn gặp vấn đề. Cả hai rất hiếm khi tìm tới nhau trong những tình huống phối hợp. Đây là cũng là cơn đau đầu của HLV Solskjaer trong thời gian qua. Ông luôn loay hoay giữa việc lắp ghép giữa Bruno Fernandes, Pogba hay Van De Beek ở giữa sân.
Van De Beek đã chơi tốt khi đá cặp cùng Pogba nhưng lại không tìm được tiếng nói chung với Bruno Fernandes. Trong khi đó, “công thức” của Solskjaer lại khá đơn giản. Man Utd tìm mọi cách đẩy bóng cho Bruno Fernandes hoặc Pogba, để các cầu thủ này tự do phân phối bóng.
Ngay từ thời điểm đầu tiên gia nhập Man Utd, Bruno Fernandes đã luôn yêu cầu vệ tinh tốt. Hay nói cách khác, ở thời điểm đó, HLV Solskjaer xác định sẽ thay đổi cả hệ thống để phục vụ nhạc trưởng của Man Utd. Những cầu thủ như Wan Bissaka tốt lên trong giai đoạn này nhờ thay đổi cách di chuyển.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Bruno Fernandes cũng tìm tới vệ tinh. Theo đúng như lời chỉ trích của Van Persie, Man Utd không có sự nhiệt huyết, khá lười chạy để tìm ra những cơ hội. Cựu ngôi sao người Hà Lan dẫn chứng hình ảnh CLB dưới thời Sir Alex Ferguson: “Luôn cố gắng chạy nhiều hơn đối thủ ngay cả khi thua trận”.
Ở khía cạnh khác, việc Bruno Fernandes thi đấu thất vọng liên quan khá nhiều tới vấn đề thể lực. Ở giai đoạn cuối mùa giải trước, HLV Solskjaer đã “vắt kiệt” ngôi sao người Bồ Đào Nha và sang mùa giải này, tình hình không thay đổi là bao.
Thực tế, quyết định chiêu mộ Van De Beek để làm mới hàng tiền vệ nhưng vẫn chưa có sự xoay vòng nhất định ở vị trí của Bruno Fernandes. Chỉ có 1 trận, tiền vệ này được nghỉ từ đầu là chiến thắng 5-0 trước Leipzig. Còn lại, anh vẫn phải cày ải đều đặn hàng tuần.
Việc Bruno Fernandes xuống sức là điều thấy rõ nhưng vấn đề ở chỗ, anh vẫn phải gồng gánh Man Utd với mật độ dày đặc.
Rõ ràng, không thể kỳ vọng Bruno Fernandes thi đấu tốt hơn, khi mà cả hệ thống của Man Utd đều tệ. Việc kỳ vọng ngôi sao người Bồ Đào Nha có thể “đội đá vá trời” ở thời điểm này quả là khó khăn. Man Utd cần phải thay đổi hệ thống và giúp Bruno Fernandes làm mới mình hơn.