Man Utd hứng chịu khoản lỗ khủng khiếp vì Covid-19

H.Long

(Dân trí) - Theo ước tính của tờ Telegraph, Man Utd là đội chịu thiệt hại nặng nề nhất Premier League vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo tờ Telegraph, các CLB ở hai hạng đấu cao nhất ở Anh là Premier League và Championship sẽ phải đối mặt với khoản lỗ kinh hoàng lên tới hơn 1 tỷ bảng nếu như các trận đấu ở mùa giải 2020/21 không mở cửa cho khán giả vào sân.

Man Utd phải đau đầu vì bài toán kinh tế khi phải thi đấu ở các sân vận động không có khán giả

Ban đầu, Chính phủ Anh cho phép khán giả vào sân (với số lượng rất hạn chế) kể từ ngày 1/10. Mặc dù vậy, kế hoạch này đã bị hoãn lại bởi vẫn có nhiều mối lo ngại về nguy cơ lây lan Covid-19.

Theo ước tính của tờ Telegraph, Man Utd là đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thiệt hại tới gần 140 triệu bảng. Trong khi đó, Arsenal đứng ngay sau với thiệt hại ước tính khoảng 122,27 triệu bảng.

Không như nhiều CLB hàng đầu ở Premier League, Arsenal không có doanh thu tốt trong những năm qua bởi họ không được quyền tham dự Champions League. Do đó, doanh thu của CLB phụ thuộc khá nhiều vào việc bán vé và các hoạt động thương mại khác. Theo báo cáo tài chính của Arsenal ở mùa giải 2018/19, nguồn thu trong các ngày thi đấu chiếm tới gần 1/2 doanh thu của đội bóng.

Man Utd hứng chịu khoản lỗ khủng khiếp vì Covid-19 - 2

Khoản lỗ theo dự kiến của 20 CLB ở Anh theo ước tính của tờ Telegraph

Trong khi đó, các CLB như Liverpool hay Tottenham cũng sẽ phải đối diện với khoản lỗ hơn 100 triệu bảng. Ở mức độ thấp hơn là Chelsea và Man City. Tính ra, khoản lỗ dự kiến của 20 CLB ở Premier League lên tới 911,66 triệu bảng.

Giải Championship bị ảnh hưởng ít hơn khi khoản lỗ dự kiến của 24 CLB tham dự vào khoảng 180 triệu bảng. Trong đó, Sheffield Wednesday được dự báo lỗ nhiều nhất với 23 triệu bảng.

Rõ ràng, việc mở cửa cho khán giả vào sân chẳng khác gì “liều thuốc tiên” với các CLB lớn ở Anh cũng như trên thế giới ở thời điểm này. Dù vậy, hiện tại, mới chỉ có Bundesliga cho phép khán giả (với số lượng từ 10-25% sức chứa) ở một vài sân vận động, với quy tắc nghiêm ngặt.

Nếu không có gì thay đổi, các giải VĐQG khác ở châu Âu cũng có thể tính toán tới việc bắt đầu mở cửa cho khán giả, với số lượng hạn chế sau khi hết tháng 10.