Man Utd đè bẹp Tottenham: Solskjaer cao tay hơn Mourinho

Hạo Minh

(Dân trí) - Mourinho rất giỏi đọc trận đấu, nhưng trong cuộc chiến giữa Tottenham và Man Utd vào đêm qua (11/4), huấn luyện viên Solskjaer đã tỏ ra cao tay hơn người đồng nghiệp.

Một trong những tố chất tuyệt vời nhất của huấn luyện viên Jose Mourinho là khả năng đọc trận đấu rất tốt. Rất nhiều lần trong sự nghiệp cầm quân ông điều chỉnh chiến thuật "siêu đỉnh", giúp cho đội bóng của mình giành được chiến thắng từ vị thế bất lợi. 

Trong trận gặp Man Utd vào đêm qua, chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng sớm nhìn ra tuyến giữa của Tottenham thua kém đối thủ nên bị Man Utd dồn ép mạnh ở đầu hiệp hai. Vì vậy, không lâu sau khi bị đối thủ gỡ hòa 1-1, Mourinho tung Sissoko vào thay Lo Celso ở phút 61. Quả thật sự điều chỉnh của Mourinho giúp Tottenham cải thiện đáng kể sức mạnh tuyến giữa và chơi tốt hơn trước.

Man Utd đè bẹp Tottenham: Solskjaer cao tay hơn Mourinho - 1

Mourinho tranh cãi với Solskjaer trên sân Tottenham.

Tuy nhiên, nếu xét về chiến thuật và sự điều chỉnh nhân sự, Ole Gunnar Solskjaer ở trận này tỏ ra cao tay hơn Mourinho. Kể từ khi tới Man Utd, Solskjaer chưa bao giờ thể hiện bản thân là một người uyên bác về chiến thuật. Thậm chí, chiến lược gia người Na Uy còn bị chế giễu "chỉ biết ôm màn hình", bởi nhiều lần ông ngồi theo dõi trận đấu thông qua một màn hình mini tại khu vực kỹ thuật, thay vì ra sát đường biên hò hét chỉ đạo học trò.

Solskjaer cũng từng bị chê khi đa phần các sự thay đổi người của ông xảy ở khoảng thời gian từ phút 60 - 70, bất kể tình hình trận đấu. Dẫu vậy, ở trận đấu gặp Tottenham, Solskjaer đã "lột xác" từ việc bố trí đội hình, vận dụng chiến thuật và điều chỉnh nhân sự. Chính nhờ sự sáng suốt của Solskjaer, "Quỷ đỏ" mới làm nên màn lội ngược dòng ngoạn mục ở London.

Man Utd ra sân với đội hình 4-2-3-1 với cặp tiền vệ trung tâm quen thuộc Fred - McTominay. Trên tuyến đầu, Cavani đá cắm, phía dưới anh là Pogba đá lệch trái, Fernandes đá hộ công và Rashford đá lệch phải. Tuy nhiên, thực tế đội hình của Man Utd thường xuyên chuyển thành 4-2-2-2 với việc Rashford dâng cao đá tiền đạo, còn Pogba không thi đấu bám biên. 

Man Utd nhập cuộc với sự thận trọng, tưởng rằng họ sợ hãi khi phải thi đấu trên sân Tottenham, nhưng không hẳn vậy. Sự linh hoạt của các cầu thủ trên hàng công, cũng như khả năng chuyển đổi trạng thái từ phòng thủ sang tấn công nhanh, Man Utd luôn vô cùng nguy hiểm khi chơi phòng thủ phản công, họ từng thắng rất nhiều trận đấu thi đấu kiểu "chiếu dưới" dưới thời Solskjaer. 

Man Utd đè bẹp Tottenham: Solskjaer cao tay hơn Mourinho - 2

Fred (phải) chơi cao hơn thường lệ là điều gây ngạc nhiên từ cách bố trí đội hình của Solskjaer.

Chiến thuật nhập cuộc của Man Utd thể hiện sự chặt chẽ và hợp lý, thực tế Tottenham không thể tạo được nhiều sóng gió trước khung thành của Henderson trong phần lớn thời gian của hiệp một. Ngược lại, đội chủ nhà bị thủng lưới ở phút 35 sau khi Man Utd đẩy cao đội hình tấn công, rất may VAR và trọng tài đã cứu thầy trò Mourinho tránh được bàn thua.

Sau đó Man Utd bị thủng lưới từ lỗi cá nhân của Lindelof, đó không phải sai lầm của một hệ thống. Việc bị dẫn bàn khiến Man Utd phải thi đấu cố gắng hơn trong hiệp hai và Solskjaer cũng từ bỏ luôn lối chơi rình rập. Nhận thấy khả năng lấn lướt của tiền vệ trung tâm, ông cho học trò dâng cao chủ động tấn công trong hiệp hai và quả thật trong 15 phút đầu tiên, Man Utd đã bóp nghẹt Tottenham. 

Việc để Fred dâng cao, thi đấu như một tiền vệ tấn công mang lại hiệu quả ấn tượng. Cầu thủ người Brazil tỉa bóng rất tinh tế cho Cavani và khi người đồng đội không thể hạ gục được Lloris, Fred đã có mặt đúng chỗ để sút bồi ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Man Utd. 

Tất nhiên cũng không chỉ có duy nhất tình huống nói trên, Fred tham gia vào rất nhiều đợt tổ chức tấn công của đội khách. Trong bàn thắng không được công nhận ở hiệp một, Fred chính là cầu nối giữa McTominay và Pogba, mở ra cơ hội để tiền vệ người Pháp kiến tạo cho Cavani sút tung lưới đối thủ.

Sau khi Mourinho tăng cường cơ bắp cho tuyến giữa khiến Man Utd tấn công khó khăn hơn, Solskjaer đã quyết định rút Rashford ra sân ở phút 72, đưa Greenwood vào thay. Thực tế Rashford chơi không ấn tượng trong những phút có mặt trên sân, nhưng anh vẫn là đầu tàu của Man Utd, vậy nên việc đưa cầu thủ này ra sân vẫn là sự lựa chọn táo bạo của Solskjaer. 

Man Utd đè bẹp Tottenham: Solskjaer cao tay hơn Mourinho - 3

Greenwood (trái) đền đáp sự tin tưởng của Solskjaer bằng một pha kiến tạo và một bàn thắng.

Tuy nhiên, Solskjaer sớm cho thấy ông có sự chuẩn bị từ trước. Bảy phút có mặt trên sân Greenwood tạt bóng chính xác để Cavani băng xuống đánh đầu ghi bàn. Đây chắc chắn là miếng đánh từng được Man Utd rèn luyện kỹ càng, bởi Greenwood rất hiểu những bước chạy lắt léo của Cavani để rồi thực hiện một đường tạt bóng tới đúng vị trí mà cầu thủ người Uruguay băng vào đánh đầu.

Solskjaer chỉ thay hai người và sự điều chỉnh thứ hai tới ở phút 90, Matic vào thay Fernandes. Việc thay người muộn, không phải để câu giờ mà để Man Utd gia tăng hơn khả năng phòng thủ khi đối phương có xu hướng bung toàn bộ sức lực, "đánh bạc" trong những phút cuối cùng. Việc bổ sung Matic vào tuyến giữa ngay lập tức gia cố khả năng phòng thủ từ xa cho Man Utd, nhờ đó Man Utd thi đấu chắc chắn trong những phút bù giờ và còn ghi được bàn thắng thứ ba, ấn định chiến thắng 3-1.

Với việc giữ nguyên thành tích không thua ai tới hai lần trong một mùa giải ở Premier League, Solskjaer không chỉ chứng minh được rằng Man Utd đang tiến bộ dưới sự chỉ huy của mình, mà ông còn cho thấy khả năng đưa ra chiến thuật, vận dụng chiến thuật ngày càng xuất sắc.

Man Utd đè bẹp Tottenham: Solskjaer cao tay hơn Mourinho - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm