Man Utd đã đốt 1 tỷ bảng thời hậu Sir Alex Ferguson như thế nào?
(Dân trí) - Thống kê chỉ ra rằng, Man Utd đã đốt 1 tỷ bảng kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Tuy nhiên, ánh hào quang vẫn còn xa vời với Quỷ đỏ...
Man Utd từng là “con ngáo ộp” ở Premier League trong quá khứ nhưng kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, CLB không còn duy trì được vị thế ở giải đấu bóng đá số 1 nước Anh.
Thậm chí, giờ đây, việc cạnh tranh vé dự Champions League cũng là điều khiến Man Utd chật vật. Quỷ đỏ đang lâm vào giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Các HLV đều cố gắng chi rất nhiều tiền để mang về ngôi sao nhưng lại không tạo ra văn hóa chiến thắng và thúc đẩy khát khao chiến đấu của các cầu thủ.
Theo thống kê, kể từ sau khi Sir Alex Ferguson ra đi, Man Utd đã chi tới 1 tỷ bảng để tăng cường lực lượng (chỉ xếp sau Man City) nhưng thành công vẫn ngoảnh mặt với họ.
Hai người đầu tiên cập bến Man Utd thời hậu Sir Alex Ferguson là Fellaini và Juan Mata. Cả hai gương mặt này đều được HLV David Moyes mang về trong hai kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2013 và mùa Đông 2014.
Không thể nói rằng hai tân binh này là thất vọng bởi họ cũng tạo ra dấu ấn nhất định ở Man Utd nhưng theo đánh giá chuyên gia James Cooper, David Moyes mua sắm chưa đủ để vá vào những lỗ hổng.
Ông chia sẻ: “Việc mua sắm dưới thời David Moyes không tốt. Có quá nhiều lỗ hổng từ đội hình mà ông ấy kế thừa từ thời Sir Alex Ferguson. Ngoài “ông già gân”, Man Utd còn chia tay cả David Gill thời điểm ấy. Ed Woodward đã tới nhưng ông không phải là người giỏi về mua sắm cầu thủ.
Họ đã liên hệ với Toni Kroos và Cesc Fabregas nhưng cuối cùng chỉ mang về đúng Marouane Fellaini. Bên cạnh đó, Man Utd cũng không thể chiêu mộ Gareth Bale. Đó là dấu hiệu khởi đầu cho 7 năm tiếp theo. Man Utd đã không thể trở thành Galacticos hút ngôi sao, mà chỉ là sự tạm bợ.
David Moyes rõ ràng không nhận được niềm tin trong vấn đề chuyển nhượng. Dù thế nào, David Moyes cũng không phải là người thích hợp để trao công việc lớn như vậy. Bạn không thể mời một người bình thường tới dự bữa tiệc xa hoa khi người ta không quen với điều đó”.
HLV người Scotland đã bị sa thải sau chưa đầy 1 mùa giải. Man Utd sống trong thời gian với HLV tạm quyền Ryan Giggs, trước khi bổ nhiệm Van Gaal vào mùa Hè 2014.
Đây là sự lựa chọn mang tới nhiều niềm tin bởi HLV người Hà Lan từng làm việc ở nhiều CLB lớn (Barcelona, Bayern Munich, Ajax) và vừa trải qua kỳ World Cup 2014 tương đối thành công cùng đội tuyển Hà Lan.
Dưới thời HLV Van Gaal, Man Utd chứng kiến cuộc chuyển giao thế hệ. Các cựu binh như Evra, Rio Ferdinand, Vidic đều lần lượt ra đi. Trong những năm tiếp theo đó, Rooney, Van Persie, Carrick cũng lần lượt chia tay CLB.
Điều đó buộc Man Utd phải chi ra rất nhiều tiền cho HLV Van Gaal mua sắm. Những gương mặt như Daley Blind, Marcos Rojo, Schweinsteiger, Di Maria, Memphis Depay, Morgan Schneiderlin, Luke Shaw rồi sau đó là Anthony Martial.
Nhìn chung, Quỷ đỏ thời Van Gaal thi đấu bớt tệ hơn so với David Moyes. Họ kết thúc mùa giải 2014/15 ở vị trí thứ 4 nhưng sang tới mùa giải 2015/16 chỉ về đích ở vị trí thứ 5 dẫn tới việc HLV người Hà Lan bị sa thải.
Phóng viên Gerard Brand của Sky Sports nhận xét: “Van Gaal đã mang về nhiều cầu thủ thi đấu thành công ở World Cup 2014 tới Man Utd. Tuy nhiên, họ đều thất bại. Trong đó có ba bản hợp đồng lớn Di Maria, Memphis Depay và Morgan Schneiderlin.
Tới tận bây giờ, Van Gaal đã chỉ trích chính sách chuyển nhượng của Man Utd trong 2 năm đó. Ông ấy than phiền rằng thừa hưởng đội hình quá già cỗi. Lý do ấy cũng được ông đưa ra khi mang về hai ngôi sao trẻ là Martial và Luke Shaw.
Có một số thông cảm bởi Van Gaal đã biết tin mình bị sa thải ngay trước thềm trận đấu chung kết FA Cup năm 2016 với Crystal Palace. Dù thế nào, ông ấy cũng đã tiêu tốn của Man Utd 250 triệu bảng nhưng không thu về được kết quả tốt nào”.
Mourinho là người kế nhiệm Van Gaal ở “ghế nóng” của Man Utd. Dù vậy, do không hợp với lối chơi của Van Gaal cũng như những con người trong chiến thuật ấy, “Người đặc biệt” đã phá sạch công sức xây dựng của HLV tiền nhiệm và đắp tiền cải tạo đội hình theo ý mình.
Dưới thời Mourinho, Man Utd từng phá kỷ lục thế giới để chiêu mộ Paul Pogba. Đây cũng là giai đoạn CLB thành Manchester thành công nhất thời hậu Sir Alex Ferguson khi từng giành chức vô địch Europa League. Tuy nhiên, Mourinho chỉ có thể vươn lên vị trí thứ 2 ở Premier League, chứ không thể vô địch.
James Cooper bình luận: “Sự xuất hiện của Mourinho giống như liều thuốc giải độc Pep Guardiola ở Man City. Man Utd đưa Mourinho về để thách thức Man City trong cuộc đua vô địch.
Sau khi tới Old Trafford, Mourinho từng phá kỷ lục để chiêu mộ Paul Pogba. Bên cạnh đó, nhiều gương mặt mà “Người đặc biệt” mang về vẫn ổn và là trụ cột cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Man Utd giống như cát lún vậy. Bạn càng vùng vẫy muốn thoát ra thì càng tụt sâu. Mourinho có thể phàn nàn vì bị sa thải bởi ông ấy là HLV thành công nhất ở Man Utd trong vòng 7 năm qua”.
Khi chia tay “Người đặc biệt”, Man Utd đã “học theo xu hướng” khi bổ nhiệm người cũ vào ghế nóng. Solskjaer là gương mặt được “gửi vàng”. Khởi đầu ấn tượng trong thời gian tạm quyền đã giúp HLV người Na Uy được trao bản hợp đồng dài hạn.
Thực tế, số tiền Solskjaer chi ra ở Man Utd không hề kém Mourinho hay Van Gaal là bao. Ông đã phá kỷ lục chiêu mộ trung vệ đắt giá nhất thế giới Harry Maguire (80 triệu bảng), Số tiền chi ra để có Wan-Bissaka (50 triệu bảng) hay Bruno Fernandes (67 triệu bảng) cũng không hề rẻ.
Dù vậy, cũng giống như những HLV trước, Man Utd của Solskjaer chưa cho thấy khát khao chiến đấu đủ lớn. Tinh thần thi đấu của các cầu thủ luôn bị nghi ngờ. Thậm chí, cách đây vài ngày, Pogba còn thẳng thắn nhận xét rằng: “Môi trường ở đội tuyển Pháp tốt hơn Man Utd”
Nhà báo Gerard Brand đánh giá: “Không thể phủ nhận Man Utd đã chi tiền khá mạnh cho HLV Solskjaer mua sắm. Thật không may mắn khi Solsa không thể tiếp nối kế hoạch xây dựng còn dang dở từ năm ngoái. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Man Utd không thể chiêu mộ những ngôi sao trẻ như Erling Haaland, Jadon Sancho. Họ cũng không ký hợp đồng với trung vệ mới đá cặp cùng Harry Maguire”.
Tờ Sky Sports lo ngại rằng nếu như HLV Solskjaer bị sa thải, Man Utd sẽ tiếp tục lặp lại vòng tuần hoàn trong vòng 7 năm qua. Bổ nhiệm HLV - vung tiền mua sắm - sa thải HLV.
Chuyên gia Jack Wilkinson đã chỉ trích cách mua sắm của Man Utd: “Man Utd luôn thiếu sự dứt khoác khi chiêu mộ cầu thủ. Họ đã có không ít bản hợp đồng hoảng loạn như Fellaini hay Cavani. Có lẽ, Man Utd cần phải học cách phong cách của Sir Alex Ferguson và David Gill. Họ ngắm mục tiêu từ sớm và không để đối thủ phóng đại mức phí chuyển nhượng”.