DMagazine

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ?

(Dân trí) - "Bị loại ở cúp C1 trước Leverkusen hay Monaco cũng là cảm giác rất tệ. Xuống hạng càng tệ nữa. Nhưng bóng đá là những hành trình hồi sinh thú vị. Tôi chỉ không hiểu Man Utd hiện tại đang đi về đâu"...

Old Trafford, thánh địa của Man Utd vẫn được xưng tụng là Nhà hát của những giấc mơ, nơi những CĐV được tận hưởng thứ bóng đá và bầu không khí tuyệt diệu nhất. Đấy là đang đề cập đến cảm nhận CĐV đối phương sau chuỗi trận ê chề của Man Utd trên sân nhà…

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 1

Tên của Ole Gunnar Solskjaer vẫn vang lên trên khắp cầu trường Old Trafford. Tuy nhiên, tiếng vọng không đến từ góc khán đài Stretford End, nơi quy tụ những người hâm mộ nhiệt thành và có tiếng nói nhất của Man Utd. Nơi đó, những người hâm mộ đứng lặng, ngùn ngụt lửa căm hờn, khi cơn ác mộng bập bùng trước mắt.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 3

Thay vào đó, tên của vị chiến lược gia người Na Uy được hô vang bởi người hâm mộ Liverpool, đang tập trung ở đầu bên kia sân vận động, diễn tiến của trận đấu đưa họ từ thích thú này đến sung sướng khác. Sau cùng là tột bậc đê mê và phấn khích. Nhà hát của những giấc mơ thật trớ trêu lại rộn tiếng hoan ca của kình địch. Đối với cổ động viên (CĐV) Man Utd, mối nhục này khôn rửa. Nhưng đó mới là một chuyện. Những lời giễu nhại còn chứng minh rằng Quỷ đỏ đang chịu đựng một nỗi thống khổ quá lâu.

Euan Macdonald là một trong những thành viên đang rên xiết vì màn trình diễn thảm hại của Man Utd như thế. 2 tuần sau cuộc thảm sát của Liverpool, anh chàng CĐV 16 tuổi người Scotland này cùng cha, ông William lên đường đến Old Trafford điêu tàn theo dõi derby thành Manchester. Mùa này là mùa biển động ở xứ sở sương mù, sóng vỗ mạnh tới nỗi làm mọi người lao xao. Trên chuyến phà cuối cùng từ Ullapool đến Stornaway tại ở Outer Hebrides của Scotland, cha con nhà Macdonald đang trên chặng cuối cùng của hành trình.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 6

Sau khi lái xe đến bến phà trên hòn đảo Lewis xa xôi mà họ gọi là nhà, họ bắt chuyến phà dài hai tiếng rưỡi đến đất liền, sau đó lái xe gần sáu giờ để đến Carlisle ngay bên kia biên giới nước Anh. Họ đã lái xe vài giờ cuối cùng để đến Manchester, xem Man Utd bị Man City hành hạ.

Cho dù ít đau đớn hơn về mặt tỷ số nhưng là một cuộc áp bức của thầy trò Pep Guardiola vẫn trên thánh địa Old Trafford. Quỷ đỏ bỗng như hóa thành chú dế choắt bị thằng nhóc lắm mồm hàng xóm xoay như chong chóng. Man City thống trị trận đấu. Man City thao túng thế trận. Họ cầm bóng 67% và chỉ để cho Man Utd chạm bóng vỏn vẹn 4 lần trong vòng cấm địa. Các cầu thủ Man Utd chỉ biết chịu trận. Các CĐV Man Utd chỉ biết chịu đựng. Những cơn buồn cứ thế lê thê.

"Chuyến phà dữ dội quá", Euan ca thán ẩn dụ. Cậu là CĐV Man Utd đơn độc trong cộng đồng nhỏ nhoi, nơi hầu hết chúng bạn đều là CĐV Glasgow Rangers. Cậu thừa hưởng tình yêu Quỷ đỏ từ cha mình, người đã yêu mến Aberdeen và HLV Alex Ferguson của đội bóng này vào thập niên 1980. Khi Ferguson chuyển sang Man Utd, tình yêu của ông William với đội bóng thành Manchester chớm nở và duy trì cho đến tận ngày nay.

Không chỉ cha con nhà Macdonald, Man Utd sở hữu khối lượng CĐV khổng lồ trên khắp thế giới. Từ Âu sang Á, không đội bóng nào nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến như Quỷ đỏ thành Manchester. Bất cứ đội bóng nào cũng phải trải qua chu kỳ thịnh suy, sau những ngày nắng đẹp rồi cũng đến đương đầu giông bão, nhưng chưa bao giờ cộng đồng người hâm mộ Man Utd bị thử thách như bây giờ.

"Đây là thời điểm thất vọng nhất tôi cảm nhận được kể từ thất bại trước Partizan Belgrade tại bán kết cúp C1 châu Âu năm 66", Nigel, một CĐV lão làng của Quỷ đỏ bộc bạch sau trận derby. "Bị loại ở cúp C1 trước Leverkusen hay Monaco cũng là cảm giác rất tệ. Xuống hạng càng tệ nữa. Nhưng bóng đá là những hành trình hồi sinh thú vị. Tôi chỉ không hiểu Man Utd hiện tại đang đi về đâu".

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 7

Ngoài hai chiến bại ê chề này, 5 vòng đấu gần nhất tại Premier League, thầy trò HLV Solskjaer thua tới 4. Aston Villa, đội bóng đã thua 5 trận gần nhất tại Ngoại hạng Anh và vừa phải thay tướng vẫn thắng được Man Utd. Tiếp theo, Everton hòa trên thế thắng Man Utd với tỷ số 1-1 cũng ngay trên sân Old Trafford. 4 vòng đấu gần nhất, đội bóng vùng Merseyside này thua 3 và trận gần nhất hòa không bàn thắng với Tottenham. Và tiếp theo nữa, Leicester City quật ngã Man Utd với tỷ số 4-2. Đó là một trong ba trận thắng hiếm hoi của Bầy cáo kể từ đầu mùa.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 9

Hệ quả của 5 cú ngã là Quỷ đỏ đã bị đẩy xuống vị trí thứ 6, đứng dưới cả Arsenal, với vỏn vẹn 17 điểm, kém đội đầu bảng Chelsea 9 điểm. Trong khi đó, khoảng cách giữa Quỷ đỏ và nhóm cầm đèn đỏ cũng là 9. Hơn 400 triệu bảng cho 3 năm rưỡi triều đại Solsa, sự xuất hiện của Ronaldo, Sancho, Varane trong kỳ chuyển nhượng Hè đình đám vừa qua, đổi lại là vị trí lưng chừng lơ lửng trên bảng xếp hạng sau 11 vòng đấu như vậy thật sự là nỗi thất vọng ghê gớm.

Đi sâu hơn vào khía cạnh chuyên môn, hình dung về Man Utd của Solskjaer không thay đổi cho dù trong tay vị chiến lược gia người Na Uy có nhiều ngôi sao tấn công hơn, hay kể cả việc ông chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 cứng nhắc và cũ rích sang sơ đồ 3 trung vệ thời thượng chiến thuật. Đơn giản, mọi sự thay đổi chỉ diễn ra trên sa bàn, trong sân, Man Utd vẫn là tập hợp rời rạc, thiếu bài bản, chỉ tập trung cho khâu phòng ngự và phó thác nhiệm vụ ghi bàn cho những ngôi sao tấn công.

Đó là lý do tại sao cho dù quy tụ dàn sao thuộc hàng hoành tráng nhất châu Âu, Man Utd vẫn cứ sẩy chân và thi đấu chật vật. Bruno Fernandes hay Cristiano Ronaldo trở thành người hùng cứu chuộc của Quỷ đỏ hết trận này sang trận khác. Nhưng những ngôi sao này tỏa sáng một thì hệ thống phòng ngự của Man Utd lại sơ sẩy hai, ba. Những cái tên như Maguire, Lindelof, Wan-Bissaka hay Fred trở thành những diễn viên hài không chuyên trong mắt các CĐV trung lập hoặc đối lập.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 11

Nói vậy không phải để phủi hết công sức của Solskjaer đã nỗ lực tái tạo trật tự và văn hóa Man Utd kể từ ngày tiếp nhiệm Jose Mourinho. Tuy chưa giành được danh hiệu nào nhưng tính cho đến trước mùa 2021/22 này, thành tích của Man Utd dưới sự dẫn dắt của Solsa là một đồ thị đi lên. Mùa 2019/20, họ kết thúc ở vị trí thứ ba. Và mùa trước, mùa 2020/21, Quỷ đỏ giành ngôi á quân. Đó chính là thời điểm phù hợp để Man Utd đầu tư mạnh tay để vươn mình trở lại vị thế thống trị vốn có.

Tuy nhiên, vãn hồi một đội bóng khủng hoảng nằm trong năng lực của Solskjaer và điểm tới hạn của vị chiến lược gia người Na Uy chỉ đến đó. Nhà cầm quân 48 tuổi này không đủ tài thao lược để biến một tập thể tiềm năng trở thành thế lực. Trong thời đại ngày nay, không nhà cầm quân thành công nào chỉ xuất hiện trong phòng thay đồ và nói với các học trò: "Hãy ra sân và tận hưởng". Từ Pep Guardiola, Jurgen Klopp đến Thomas Tuchel, những chiến lược gia xuất sắc nhất đương thời đều đi theo trường phái kỹ trị. Vậy còn chờ gì Man Utd không sa thải Solsa? Mọi chuyện không đơn giản như thế!

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 12

Đối với những người hâm mộ Man Utd, có thể cả ban lãnh đạo đội bóng này, luôn hiện hữu một niềm tin tâm linh về cái gọi là "vòng lặp Solsa", hiểu nôm na là bất ổn một cách có hệ thống. Cụ thể, cứ thời điểm tột cùng thất vọng, Man Utd lại thăng hoa tột bậc. Nhưng đến lúc được kỳ vọng thăng hoa tột bậc, Man Utd lại gây thất vọng tột cùng. Cứ thế suốt 3 năm qua. Mùa này cũng không phải ngoại lệ. Xen giữa hai thảm họa Liverpool và Man City, Man Utd đánh bại Tottenham và có những màn ngược dòng nghẹt thở trước Atalanta.

Đối với người hâm mộ Man Utd, chu kỳ lên xuống bất thường này đem lại nhiều cảm xúc thăng hoa trong những tháng ngày đầu tiên. Đặc biệt là cú lội ngược dòng kinh điển trước PSG tại Champions League. Nhưng phàm cái gì lặp đi lặp lại quá nhiều đều gây nhàm chán. Chu kỳ Solsa không phải ngoại lệ. Nhất là trong bối cảnh đội bóng vừa được đầu tư mạnh tay để trở lại vị thế thống trị.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 14

Tuy nhiên, từ góc nhìn quản trị của ban lãnh đạo Man Utd, chưa chắc. Man Utd hay bất cứ đội bóng nào khác suy cho cùng vẫn là một dạng doanh nghiệp. Và đã là doanh nghiệp thì yếu tố quan trọng nhất là doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp bóng đá là một kiểu doanh nghiệp đặc thù. Không cứ phải tạo ra sản phẩm tốt, đại loại thắng trận triền miên và giành nhiều danh hiệu, sẽ thu về nguồn lợi lớn. Man City là ví dụ. Đội bóng này đá đẹp, giành nhiều danh hiệu, nhưng cứ thử cắt "bầu sữa dầu mỏ" sẽ biết.

Ngược với đối thủ cùng thành phố, Man Utd luôn là đề tài bàn tán sôi nổi. Đội bóng này khiến giác quan người hâm mộ lẫn giới chuyên môn đều mông lung giữa hai đầu tích cực và tiêu cực. Man Utd có tất cả hoặc không có gì. Man Utd tiến bộ hoặc trì trệ. Man Utd hứa hẹn hoặc tuyệt vọng. Man Utd thành công hoặc thất bại. Mọi khái niệm đều thường trực và thay nhau xuất hiện trong tích tắc. Cứ như thế, tên tuổi Man Utd luôn nóng ran trên thị trường.

Lợi nhuận ở đó. Doanh thu ở đó. Liệu những ông chủ Mỹ hay kể cả vị CEO xuất thân từ ngành tài chính Ed Woodward quan tâm đến thành tích trên sân hay hiệu ứng bài đăng trên mạng xã hội để bán quảng cáo hơn? Hoặc một ví dụ khác, các trận đấu của Man Utd luôn bán được với giá bản quyền truyền hình cao hơn vì đội bóng này thu hút nhiều người xem hơn, vì không ai đoán trước được Quỷ đỏ thắng hay thua. "Màn trình diễn của đội bóng chẳng có tác động gì tới khía cạnh thương mại của đội bóng", chính vị Giám đốc điều hành của Man Utd từng tuyên bố.

Bằng chứng là hơn 1 thập niên không đăng quang Ngoại hạng Anh hay Champions League, Man Utd vẫn là một trong những đội bóng có doanh thu cao nhất thế giới. Đó là mặt cá biệt của sự phát triển của thương mại bóng đá và tiến bộ công nghệ. Vậy thì việc gì BLĐ đội chủ sân Old Trafford phải sa thải Solsa, một vị chiến lược gia vô tình đang làm rất tốt nhiệm vụ duy trì độ nóng của thương hiệu Man Utd trên thị trường.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 16

Không thể phủ nhận, Ed Woodward là một nhà kinh tế tài ba. Ngay cả giai đoạn Covid-19 hoành hành khiến mọi hoạt động ngưng trệ, Man Utd là một trong những đội bóng hiếm hoi không bị ảnh hưởng nặng nề. Hãy nhìn sang Barca với khoản nợ hơn 1 tỷ euro để thấy giá trị của vị CEO của Man Utd. Hơn nữa, Ed Woodward không chỉ chăm chăm thu tiền cho giới chủ. Dưới thời ông, 10 năm qua Quỷ đỏ đã chi hơn 1 tỷ bảng vào thị trường chuyển nhượng, tại Ngoại hạng Anh chỉ có Man City với sự hậu thuẫn từ Trung Đông mới đủ sức bỏ ra con số nhiều hơn.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 18

Tuy nhiên, như đã đề cập, bóng đá là ngành nghề kinh doanh đặc thù, các CLB thu lợi nhuận dựa trên tình yêu và sự quan tâm của người hâm mộ hơn là những danh hiệu. Tuy nhiên, chẳng đội bóng nào chấp nhận nổi đội bóng thân yêu cứ lún dần vào hố sâu khủng hoảng và không tìm ra phương hướng giải quyết. Euan Macdonald, cậu bé 16 tuổi là trường hợp hiếm hoi thụ hưởng tình yêu Quỷ đỏ từ người cha. Những đứa trẻ khác, tạm gọi là thế hệ Gen Z không còn chọn Man Utd là tình yêu mặc định như các thế hệ trước. Và khi các thế hệ như ông William Macdonald già đi và không có thế hệ tiếp nối, Man Utd còn lại gì ngoài một kỷ niệm của thời quá vãng?

Ed Woodward giỏi kiếm tiền nhưng chuyên môn ông ta là con số không. Thử hỏi trong những năm qua, được bao nhiêu bản hợp đồng của Man Utd được gọi là thành công. Trớ trêu như trường hợp Wan-Bissaka, cái tên được chọn từ hơn 800 ứng viên là hậu vệ biên được cung cấp dữ liệu chi tiết. Ngồi trên khán đài Old Trafford trong trận derby thành Manchester, không biết vị CEO của Man Utd có tự vấn Cancelo, hậu vệ biên hành hạ Wan-Bissaka đã nằm ở đâu trong danh sách đó.

Tin vui, hoặc cũng có thể không vui nếu Man Utd bổ nhiệm sai người, Ed Woodward đã ấn định thời điểm chia tay Quỷ đỏ vào cuối năm. Từ nay đến đó, rất khó trông đợi một quyết định đột phá như kiểu sa thải Solsa từ vị phó chủ tịch phụ trách điều hành. Và khi Solsa còn tại vị, như Nigel, vị CĐV lão làng của Man Utd đã nói: "Chẳng biết đội bóng sẽ đi về đâu". Vòng luẩn quẩn này chưa kết thúc, nhưng sẽ sớm thôi. Khi đó Quỷ đỏ mới có thể hát tiếp những giấc mơ.

Man Utd: Bao giờ hát lại những giấc mơ? - 21