Ly cà phê thơm ngon và thực tế đắng ngắt của Công Phượng

H. Long

(Dân trí) - Lời chia tay của Yokohama FC đã xoáy sâu vào nỗi đau của Công Phượng. Cầu thủ người Việt Nam chỉ được nhớ tới nhờ biệt tài… pha cà phê.

"Công Phượng, người đã chiến đấu bên cạnh chúng tôi khoảng một năm rưỡi, sẽ rời khỏi đội bóng. Mọi người đều quý mến tính cách của Công Phượng. Các cầu thủ sẽ rất nhớ mùi cà phê thơm ngon mà Công Phượng pha trong phòng thay đồ". Đó là lời chia tay của CLB Yokohama FC dành cho Công Phượng.

Ly cà phê thơm ngon và thực tế đắng ngắt của Công Phượng - 1

Nguyễn Công Phượng từng được Yokohama FC bố trí quảng cáo pha cà phê (Ảnh: Yokohama FC).

Điều trớ trêu ở chỗ, cầu thủ người Việt Nam chỉ khiến đội bóng Nhật Bản nhớ tới nhờ biệt tài… pha cà phê. Thực tế, sau mùa giải trước phải xuống hạng, Yokohama FC đã mất đi hàng tá trụ cột. Đó là lý do Công Phượng quyết định ở lại để hy vọng cạnh tranh ra sân. Thế nhưng, anh vẫn không thể thay đổi tình hình dù sức cạnh tranh giảm đi đáng kể.

Khăn gói rời khỏi Nhật Bản, Công Phượng mang theo nỗi thất vọng lớn. Ở mùa giải đầu tiên tại Yokohama FC, tiền đạo sinh năm 1995 chỉ được ra sân 1 phút. Còn sang mùa này, anh chỉ thi đấu 17 phút trong trận thua trước Nagoya Grampus tại cúp Quốc gia Nhật Bản hồi tháng 5.

Xa hơn, nhìn lại hành trình xuất ngoại của Công Phượng, người ta chỉ thấy gam màu buồn. Trong sự nghiệp, cầu thủ từng được xem là tài năng sáng giá của Việt Nam xuất ngoại tổng cộng 4 lần. Đó là các chuyến phiêu lưu ở Mito Hollyhock (Nhật Bản, 2016), Incheon United (Hàn Quốc, 2019), Sint Truidense (Bỉ, 2019/2020) và Yokohama FC (2023/2024).

Ly cà phê thơm ngon và thực tế đắng ngắt của Công Phượng - 2

Công Phượng từng được tạo điều kiện ra sân ở Incheon United nhưng không thể tận dụng cơ hội (Ảnh: Incheon).

Trong đó, anh không có nổi trận đấu nào ra sân 90 phút và không có mùa nào đá chính quá 3 trận đấu. Điều đó cho thấy sự thất bại toàn tập của Công Phượng khi ra nước ngoài thi đấu.

Có lẽ, lần xuất ngoại đáng chú ý nhất của Công Phượng là khi cầu thủ này chuyển sang Incheon United năm 2019. Đó là thời điểm tiền đạo này sung mãn nhất sau thành công cùng U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam.

Công Phượng được HLV Jon Andersen tin tưởng đưa ra vào sân tới 8 trận, trong đó có 3 lần đá chính với tổng cộng 352 phút. Tuy nhiên, anh lại thi đấu quá mờ nhạt và không thể thích nghi với môi trường mới. Sau đó, Công Phượng đuối dần ở Incheon United và không còn xuất hiện trong danh sách đăng ký thi đấu. Cầu thủ này trở về Việt Nam trong thời gian ngắn rồi sang Bỉ khoác áo Sint Truidense.

Đương nhiên, việc Công Phượng thất bại ở trời Âu không làm ai bất ngờ. Rất khó để cầu thủ Việt Nam có thể thích nghi với lối chơi giàu thể lực và chiến thuật ở lục địa già.

Ly cà phê thơm ngon và thực tế đắng ngắt của Công Phượng - 3

Sự nghiệp xuất ngoại của Công Phượng toàn màu buồn (Ảnh: Sint Truidense).

Có một điểm đáng khen với Công Phượng là không nản chí. Sau thất bại ở Sint Truidense, anh trở về Việt Nam khoác áo CLB TPHCM và thi đấu khá thành công. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Công Phượng lại quyết định sang Nhật Bản thi đấu ở Yokohama FC.

Dù sao, Công Phượng không đáng trách khi không thể tìm được thành công khi xuất ngoại. Ở góc độ nào đó, người ta thấy được quyết tâm, nỗ lực và lòng dũng cảm của kẻ tiên phong. Đây có thể là lần xuất ngoại cuối cùng trong sự nghiệp của tiền đạo xứ Nghệ. Hành trình của anh sẽ mang tới nhiều bài học cho bản thân cũng như những đồng nghiệp sau này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm