1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Luật sư Trần Vũ Hải: "Ai cũng chối thì tôi ứng cử"

Luật sư Trần Vũ Hải cho biết động cơ thúc đẩy ông xin ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF là do có quá nhiều lời từ chối. Ông rất thắc mắc tại sao một chiếc ghế cao quý như vậy lại không ai muốn ngồi vào...

Thưa ông Trần Vũ Hải, vì sao ông lại tự ứng cử chức Chủ tịch VFF trong khi nhiều người khác được đề cử lại năm lần bảy lượt chối từ?

 

Chính vì những người được đề cử chối từ nên tôi mới đứng ra ứng cử. Theo tôi, chiếc ghế Chủ tịch LĐBĐ của một quốc gia yêu bóng đá như Việt Nam lẽ ra phải có giá và được nhiều người cạnh tranh lắm mới phải. 

 

LĐBĐVN cần phải có một ông Chủ tịch có khả năng, nhưng quan trọng nhất là phải tâm huyết. Nếu một ai đó "bị làm bóng đá" thì thành tích không thể nào tốt được. 

 

Tôi được biết hiện nay có khá nhiều người muốn và có khả năng làm được Chủ tịch VFF, nhưng họ chưa mạnh dạn đứng ra ứng cử. Ít nhất trong số đó tôi có thể kể ra ông Tổng biên tập một tờ báo lớn và một vị tướng. 

 

Bởi vậy, việc tôi tự ra ứng cử có ý nghĩa như là chất xúc tác để kích thích những người có khả năng thực sự làm việc này, vì lợi ích của bóng đá Việt Nam.

 

Nói vậy thì ông không có tham vọng thực sự ư?

 

Không, tham vọng của tôi là có thật. Tôi là một luật sư và tôi ý thức được ưu thế của mình trong công việc của một vị Chủ tịch LĐBĐ. Ở nước ngoài, cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange chẳng phải là một luật sư đó sao? Rồi Chủ tịch Barcelona, Chelsea chẳng phải là một luật sư đó sao? Họ đều đã thành công.

 

Tôi nói vậy là bởi các luật sư có khả năng làm luật, có kinh nghiệm điều hành tổ chức không kém những người khác. Bản thân tôi, nếu được cạnh tranh ứng cử một cách dân chủ, tôi biết cơ hội của mình không nhỏ.

 

Vậy ông có ý thức được những khó khăn, thách thức đối với mình không?

 

Vài nét về luật sư

Trần Vũ Hải

Sinh năm 1962 tại Hà Nội

Tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, từng tu nghiệp tại Đức. Hiện công tác tại Công ty Luật Hà Nội

 

Từng tham gia xây dựng quy chế bóng đá chuyên nghiệp, đàm phán với nhà tài trợ Strata, tư vấn cho LĐBĐVN một số vụ việc có liên quan đến chuyển nhượng, kỷ luật cầu thủ...

 

Đối với tôi, khó khăn lớn nhất chính là làm thế nào để được chấp nhận như là một ứng cử viên. Bởi vì như cuộc gặp gỡ chiều nay với Ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội, VFF tỏ ý hoan nghênh tinh thần tự nguyện của tôi, tiếp thu những ý kiến đề xuất của tôi, nhưng họ cũng nêu rõ một tiêu chí để trở thành ứng viên là phải có chức danh quan trọng nào đó trong cơ quan Nhà nước. 

 

VFF rất quan tâm đến việc tôi ứng cử, nhưng để quyết định có đưa tôi vào danh sách ứng cử viên hay không thì còn phải chờ quyết định của tập thể. Nếu tôi vượt qua được rào cản này thì không còn khó khăn, thách thức nào đáng kể nữa.

 

 

Nếu đạt được nguyện vọng của mình, ông sẽ làm gì cho bóng đá Việt Nam?

 

Tôi đã chuẩn bị tương đối chi tiết về các kế hoạch, đề án, phác đồ... phục vụ cho bóng đá Việt Nam. Nhưng trước hết phải được trở thành ứng cử viên đã chứ.

 

Tôi đảm bảo rằng chỉ 24 giờ sau khi được chấp nhận, tôi sẽ đặt lên bàn bản đề án cải tổ bóng đá Việt Nam và có thể trình bày chi tiết về rất nhiều vấn đề như phát triển bóng đá trong nhà, bóng đá bãi biển, bóng đá nữ, xổ số bóng đá, bản quyền truyền hình, thậm chí còn có những gợi ý về khả năng tìm kiếm tài trợ...

 

Tôi cũng sẽ có những ý tưởng xây dựng cơ chế vận hành của LĐBĐ sao cho gọn nhẹ, nhanh và hiệu quả, tiết kiệm được chi phí... Hệ thống luật lệ cần quy củ, bài bản hơn, các phòng ban chức năng cần có những trách nhiệm rõ ràng hơn...

 

Qua một thời gian làm cố vấn cho LĐBĐVN cũng như tham gia giải quyết một số vụ việc có liên quan đến bóng đá, ông có nhận xét gì về tổ chức này?

 

LĐBĐVN đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, biết lắng nghe dư luận và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, mà quy lại ở hai điểm: chưa mang về thành tích thật tốt ở tầm cỡ ĐTQG và chưa giải quyết tốt những rắc rối phát sinh.

 

Theo quan điểm của tôi, Chủ tịch LĐBĐ phải là người có đầu óc chiến lược, biết dự đoán, nắm bắt được những tình huống xảy ra và có biện pháp giải quyết tình huống. Cần phòng ngừa những phát sinh bất lợi cho bóng đá Việt Nam có cơ chế và kinh nghiệm đàm phán trước những khó khăn, bất lợi. Bởi thế, những người làm bóng đá chưa chắc đã phải biết đá bóng giỏi, mà cũng có thể là chuyên gia trong các lĩnh vực khác.

 

Hiện nay, trên thế giới có xu thế thiết lập bộ ba điều hành bóng đá gồm: cầu thủ nổi tiếng - doanh nghiệp giàu có kết hợp với các luật sư khôn khéo. Nếu ở Việt Nam cũng xây dựng được mô hình này, tôi tin là sẽ có những chuyển biến tích cực.

 

Anh Đức (VNN) thực hiện