1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Lỗ hổng quy chế chuyển nhượng chuyên nghiệp vụ kỷ luật HLV Kim Huệ

Hoàng Quốc

(Dân trí) - Vụ việc HLV Kim Huệ và 3 nữ VĐV của CLB Ngân hàng Công thương chuyển sang đội Vĩnh Phúc thất bại một lần nữa cho thấy những bất cập của hệ thống chuyển nhượng bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam.

Trong hệ thống chuyên nghiệp, bóng chuyền chỉ sau bóng đá. Ít ai biết bóng chuyền Việt Nam đã lên chuyên nghiệp từ năm 2004, tức là đã có 17 năm phát triển với cơ chế mới, theo xu hướng của thế giới. Từ khi lên chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia Việt Nam thay thế Giải vô địch bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc.

Lỗ hổng quy chế chuyển nhượng chuyên nghiệp vụ kỷ luật HLV Kim Huệ - 1

Vụ việc của HLV Kim Huệ cho thấy những bất cập của hệ thống chuyển nhượng bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam.

Sau ngần ấy năm phát triển, đến nay, nhiều quy định đã không còn phù hợp khi tốc độ phát triển của bóng chuyền đã đi trước những bản quy chế cũ.

Từng là người theo sát sự phát triển của thể thao Việt Nam nói chung, bóng chuyền nói riêng, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng bản Quy chế chuyển nhượng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã lỗi thời, và từ đó nảy sinh ra rất nhiều những vụ việc rắc rối, mới nhất là vụ HLV Kim Huệ cùng 3 vận động viên (VĐV) đàm phán đầu quân cho đội bóng Vĩnh Phúc nhưng cuối cùng không thành công, rồi nhận án kỷ luật từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

"Vụ việc của HLV Kim Huệ và các VĐV đội Ngân hàng Công thương cần được xem xét trên nhiều góc độ, trong đó phải lấy Quy chế chuyển nhượng HLV, VĐV làm quy chuẩn. Tuy nhiên, bản Quy chế này đến giờ có nhiều điểm không còn thực tiễn, vì thế dẫn đến những bất cập", ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Thực tế, đúng như những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Minh, Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam được xây dựng và hình thành cách đây từ… 11 năm, nhưng gần như hoàn toàn không có một thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, vai trò của Liên đoàn trong các vụ tranh chấp hợp đồng cũng không được coi trọng dẫn tới ngay cả VĐV hiện nay cũng tự đứng ra đàm phán hợp đồng của mình. Điều này dẫn đến những vụ việc như của HLV Kim Huệ và 3 học trò.

Dân trong nghề thực ra không lạ gì chuyện HLV Kim Huệ và các VĐV "đi đêm" với một đội bóng khác. Vụ việc này cũng giống như trường hợp của cựu tuyển thủ Hữu Hà trước đây.

Năm 2009¸ Hữu Hà từng phải ngồi ngoài cả mùa giải¸thậm chí mất suất ở đội tuyển quốc gia vì muốn chuyển tới đầu quân cho đội bóng nhà giàu mới nổi Đức Long Gia Lai. Hữu Hà cùng đội bóng phố Núi đã thỏa thuận hai phía theo kiểu "đi đêm" trong khi Tràng An Ninh Bình kiên quyết không giải quyết.

Lỗ hổng quy chế chuyển nhượng chuyên nghiệp vụ kỷ luật HLV Kim Huệ - 2

HLV Kim Huệ cho rằng mình phải nhận án kỷ luật oan.

Sau đó, để đảm bảo cho tương lai của mình, Hữu Hà tự ý ra đi bất chấp việc anh bị đội bóng cũ kỷ luật. Đến đầu năm 2010, CLB cũ mới chịu đàm phán với Đức Long Gia Lai để "giải phóng" Hà với phí đền bù 1,35 tỷ đồng.

Rõ ràng bản Quy chế chuyển nhượng từ hơn 10 năm trước không tạo nên được tính quy chuẩn và chuyên nghiệp trong việc thương thảo, ký kết, quản lý hợp đồng giữa CLB với VĐV, thì nay lại thêm lỗ hổng với cả trường hợp của HLV, cụ thể là của Kim Huệ.

Có một thực tế rất bi hài là suốt hơn 10 năm qua, các CLB, VĐV đều không hề thực hiện Quy chế, bởi nó không có những quy chuẩn để áp dụng vào thực tế. Trong khi đó¸các cơ quan quản lý nhà nước¸ trước hết là Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam¸ gần như đứng ngoài cuộc. Rõ ràng bản Quy chế cũ đã không có tính khả thi, đi vào đời sống bóng chuyền với những quy định sát sườn, nhưng vì lý do nào đó vẫn không được điều chỉnh, bổ sung.

Trở lại câu chuyện của HLV Kim Huệ và các học trò, theo ông Nguyễn Hồng Minh, không có quy định nào trong Quy chế cấm các HLV, VĐV được "đi đêm" với đội bóng khác. Vì thế, án kỷ luật mà Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vừa đưa ra là không có cơ sở, nếu không muốn nói là quá vội vàng, tùy tiện.

Nhìn sang bóng đá, việc đi đêm diễn ra còn nhiều hơn, nhưng trong Quy chế quy định rõ các HLV, VĐV chỉ được đàm phán với đội bóng khác vào thời điểm 6 tháng trước khi hợp đồng kết thúc. Ngay cả HLV Park Hang Seo trước khi hết hợp đồng với VFF, cũng có quyền được đàm phán để dẫn dắt đội bóng khác mà không vi phạm gì.

Trên báo chí, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, ông Lê Văn Thành cho rằng Kim Huệ và các VĐV không đứng đắn, đã "đi đêm" với CLB khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với một CLB này được phép đàm phán, thỏa thuận với đơn vị khác. Như vậy, người đứng đầu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ký quyết định kỷ luật HLV Kim Huệ dựa vào việc vi phạm Quy chế chuyển nhượng là hoàn toàn không chính xác.

Ngoài lỗ hổng trong quy định chuyển nhượng, một câu hỏi cần đặt ra là nếu cho rằng Kim Huệ và các VĐV "đi đêm", vì sao Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không xử lý đội bóng Vĩnh Phúc? Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự trong sáng của VFV, khi nhà tài trợ Vĩnh Phúc cũng tài trợ cho Liên đoàn và giải vô địch bóng chuyền quốc gia, trong thời gian tới 5 năm.