Lionel Messi ra đi, đế chế Barcelona có sụp đổ?
(Dân trí) - Lịch sử Barcelona đã sang trang sau khi Messi rời khỏi Nou Camp. Liệu chăng đây có phải là dấu hiệu cho thấy đế chế hùng mạnh Barcelona sụp đổ?
Nghệ thuật dùng bóng tối để tôn vinh ánh sáng được sử dụng khá nhiều trong văn học cũng như trong các chiến dịch truyền thông. Nội dung của nghệ thuật này là sử dụng sự tương phản để tôn vinh chủ thể, chứ không miêu tả tốt đẹp về chủ thể từ đầu.
Để miêu tả ánh sáng không phải dùng mọi mỹ từ hoa mỹ để nói về nói lung linh ra sao. Mà thay vào đó, ai cũng cảm nhận rõ rệt được sự lung linh của nó khi đặt vào trong bóng tối.
Giá trị của một con người cũng vậy. Đôi khi việc miêu tả thái quá về ai đó chưa chắc mang tới hiệu ứng tích cực. Tầm quan trọng và giá trị con người ấy chỉ được nhận ra khi họ vắng mặt.
Và có một điều không ai có thể phủ nhận, Barcelona đã "sống dựa" vào Messi trong thời gian quá lâu. Nhiều tờ báo Tây Ban Nha từng đưa ra thuật ngữ "Messi-dependencia" (Hội chứng phụ thuộc vào Messi) để nói về tình cảnh của Barcelona.
Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Sự phụ thuộc ấy đảm bảo cho Barcelona có một thành công trong thời gian rất dài (về thành tích sân cỏ cũng như tài chính). Thế nhưng, ở chiều ngược lại, nó cũng không ít lần khiến cho Los Blaugrana rơi vào tình cảnh khốn khó.
Thứ ánh sáng mà Messi mang lại đã mang tới kỷ nguyên rực rỡ trong thời gian dài. Nhưng khi mà nó "tắt đi", họ đang phải sống trong "bóng tối". Lịch sử Barcelona đã thực sự sang trang kể từ thời khắc trang chủ của đội bóng thông báo chính thức chia tay Messi.
Liệu chăng, đó phải là dấu hiệu cho thấy đế chế hùng mạnh Barcelona sụp đổ?
Trước tiên, cần phải nói về tình hình tài chính. Như Chủ tịch Joan Laporta đã lý giải, lý do lớn nhất khiến cho Barcelona không thể giữ chân Messi là tình hình tài chính bết bát của CLB. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu sức ép từ quy định về quỹ lương của Ban tổ chức La Liga.
Việc không tái ký hợp đồng với Messi ít nhất giúp cho Barcelona giảm bớt khó khăn tài chính trước mắt. Mức lương cũ của El Pulga vào khoảng 139 triệu euro/năm (trước thuế). Ngay cả khi cầu thủ này chấp nhận giảm 50% thì con số ấy vẫn là rất cao. Như vậy, không có Messi, Barcelona đã giải quyết được vấn đề tài chính trước mắt.
Thế nhưng, điều này có thể ảnh hưởng lớn tới Barcelona về lâu dài. Chưa nói đến thành công sân cỏ, hãy nói qua về vấn đề tài chính. Từng có quan điểm cho rằng Messi là kẻ phá hoại Barcelona vì nhận lương cao quá.
Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng El Pulga không phải là người ngồi không hưởng lương. Giống như một doanh nghiệp, các vị sếp sẵn sàng trả mức lương cao, miễn là nhân viên mang về lợi nhuận khổng lồ.
Theo chuyên gia phân tích tài chính, mặc dù Barcelona trả 139 triệu tiền lương cho Messi nhưng mỗi năm giá trị thương hiệu của cầu thủ này lại giúp Barcelona thu về hơn 200 triệu euro từ hợp đồng thương mại. Trong 3 năm qua, Barcelona đã thu về 619,2 triệu euro từ nguồn lợi mang tên Messi.
Bên cạnh đó, ngay cả thành phố Barcelona cũng được hưởng lợi. 5-10% số du khách tới thành phố này mỗi năm chỉ để xem Messi thi đấu.
Nói vậy để thấy rằng, Barcelona gần như mới chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn. Còn trong tương lai, họ vẫn sẽ phải tìm ra "cỗ máy in tiền" như Messi. Bằng không, doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nó càng khiến họ đẩy mình vào vòng xoáy khó khăn tài chính mới.
Ngoài yếu tố kinh tế, không thể không nói tới tầm ảnh hưởng của Messi trên sân cỏ. Như Chủ tịch Joan Laporta chia sẻ, việc thiếu vắng Messi có thể khiến cho Barcelona mất 30 bàn thắng trong mỗi mùa giải.
Nhưng có một điều còn quan trọng hơn thế. Đó là Messi không chỉ là "cỗ máy ghi bàn". Anh còn tham gia vào điều tiết lối chơi, cũng như kiến tạo cho đội bóng. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, giới chuyên gia ví Messi giống như 50% sức mạnh của Barcelona.
Giống như khoảng trống về kinh tế, Barcelona sẽ phải lấp đầy khoảng trống ở trên sân. Một điều tích cực với Barcelona là họ không còn phụ thuộc vào cá nhân nào. Nhưng tin buồn là trong đội hình của Los Blaugrana ở thời điểm này không có nhiều ngôi sao mang tính quyết định.
Coutinho không còn hình ảnh đỉnh cao thời Liverpool. Griezmann cũng "mất dạng" sau khi tới Nou Camp. Một gương mặt đắt giá khác là Dembele thì lại dính chấn thương liên miên (thời gian điều trị chấn thương nhiều hơn thời gian thi đấu).
Dưới thời Ronald Koeman, Barcelona đang "ươm mầm" những tài năng trẻ. Ansu Fati, Pedri hay Oscar Mingueza, Sergino Dest, Riqui Puig hay Eric Garcia… hoàn toàn có thể trở thành bệ phóng mới ở Barcelona.
Thế nhưng, việc thay thế ngôi sao có tầm ảnh hưởng lớn chưa bao giờ đơn giản. Pep Guardiola từng trải qua 2 CLB Bayern Munich và Man City nhưng chưa bao giờ tìm nổi người xuất sắc như Messi. Hay Real Madrid mất dần vị thế sau sự ra đi của C.Ronaldo.
Tình cảnh Barcelona ở thời điểm này khá giống với năm 2003, khi họ buộc phải xây dựng lại từ đầu. Khi ấy, Chủ tịch của CLB cũng là Joan Laporta. Ông đã đi hai nước cờ giúp Los Blaugrana vực dậy từ đống đổ nát. Người đầu tiên là HLV Frank Rijkaard. Cái tên tiếp theo là Ronaldinho.
Chính vì vậy, những người hâm mộ Barcelona đang chờ đợi vào "tia sáng" mới. Tuy nhiên, lần này, tình hình rất khó khăn bởi cuộc khủng hoảng tài chính.