Liệu có khả thi?

Hội nghị ngành TDTT năm 2006 diễn ra tại Hà Nội ngày 14/2 đã không hề đề cập đến chương trình "Nâng cao tầm vóc và thể lực người VN" dù nó có dự toán 444 tỷ đồng. Đơn giản bởi vì hầu hết các nhà quản lý trong ngành chỉ biết sơ sơ hoặc không biết...

Trước Tết Nguyên đán, Ủy ban TDTT (mà đơn vị thực hiện chính là Viện Khoa học TDTT) đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chương trình "Nâng cao tầm vóc và thể lực người VN".

 

Theo lập luận của ông Dương Nghiệp Chí, chủ nhiệm đề tài này, hiện tầm vóc và thể lực của người VN thua kém nhiều nước trong khu vực.

 

Vì vậy, việc nâng cao tầm vóc và thể lực người VN bằng giải pháp dinh dưỡng và thể dục thể thao là rất cần thiết. Bài học này người Nhật đã áp dụng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và trong thời gian từ 1950 - 1980 họ đã đạt tốc độ phát triển trung bình 4cm/10 năm (trong khi qui luật dân tộc chỉ tăng gần 1cm sau 10 năm).

 

Theo thống kê của đề án, so với năm 1975, hiện nay nam thanh niên VN 20 tuổi chỉ cao hơn 4,7cm - đây là một tốc độ phát triển khá chậm. Vì vậy, tầm vóc của nam thanh niên VN kém đến 13,1cm so với quốc tế (năm 2004 nam đạt 1,637m, nữ đạt 1,53m).

 

Từ đây, đề án này đã đặt ra những yêu cầu về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 6 - 18 tuổi (đặc biệt nữ từ 11 - 14 tuổi, nam từ 13 - 16 tuổi), chăm sóc về TDTT trong học đường nhờ sự phối hợp liên ngành: TDTT (chủ trì), y tế, giáo dục, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN...

 

Cũng theo đề án, thời gian thực hiện chương trình từ năm 2005 - 2030, trong đó năm năm đầu là thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT. Từ năm 2011 đến 2030 phổ cập rộng rãi giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT trong xã hội và trường học.

 

Mục tiêu của chương trình: cuối 2010, chiều cao trung bình tối thiểu của nam thanh niên đạt 1,65m, nữ thanh niên đạt 1,54m; năm 2030, nam đạt 1,70m, nữ đạt 1,59m.

 

Rằng hay thì thật là hay...

 

Theo TTK UB Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang: "Dù rất ủng hộ nhưng tôi vẫn chưa tin với chừng ấy vấn đề đặt ra có thể giải quyết tận gốc về nòi giống hay thay đổi chất lượng, sức bền... của người VN".

 

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Đoàn Thao: "Vấn đề lớn nhất đặt ra phải là nâng cao giáo dục thể chất trong nhà trường. Việc các biện pháp tác động đến chiều cao là điều rất khó bởi hình thể con người phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của xã hội, của chất lượng cuộc sống. Việc thí điểm thì tôi đồng ý, nhưng sau thí điểm sẽ làm tiếp ra sao? Đó là vấn đề cần đặt ra".

 

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I Nguyễn Hồng Minh thì cho rằng: "Tôi quan tâm đến kế hoạch cụ thể từng năm một phải làm thế nào, phải có lộ trình cụ thể và chính xác chứ không thể đơn giản ngồi đó mà tính được kết quả 10 hay 15 năm sau".

 

Sau hơn hai năm soạn thảo, đề án trên hiện vẫn đang nằm trên bàn Chính phủ vì nó chưa thật sự thuyết phục được mọi người.

 

Theo Trường Vũ

Tuổi trẻ