Lịch sử World Cup 1994: Bi kịch của Maradona và Escobar
(Dân trí) - World Cup 1994 chứng kiến những tín hiệu tích cực (khán giả kỷ lục trong lịch sử) nhưng đi cùng với đó, thế giới bóng đá cũng chứng kiến không ít bi kịch đau đớn.
FIFA đã quyết định trao quyền đăng cai World Cup 1994 cho Mỹ, đất nước vốn được xem là “vùng sâu, vùng xa” trên bản đồ bóng đá thế giới ở thời điểm ấy. Quả thực, quyết định này đã mang tới nhiều dấu hiệu tích cực.
Sự hiếu kỳ của những khán giả Mỹ (những người vốn quen với bóng bầu dục) đã tạo ra số lượng khán giả kỷ lục. Trung bình mỗi trận đấu, những SVĐ ở Mỹ có tới 69.000 người tới theo dõi. Tổng số khán giả theo dõi giải đấu lên tới 3,6 triệu người. Tới nay (ngay cả khi World Cup được tăng lên 32 đội), đây vẫn là kỷ lục trong lịch sử giải đấu.
Người Mỹ cũng đã cho thấy sự chuyên nghiệp khi tổ chức kỳ World Cup hoành tráng bậc nhất trong lịch sử bóng đá. Lần đầu tiên, những người hâm mộ được thấy giải đấu… toàn cầu hóa tới vậy bởi cách làm truyền thông quá tốt.
Bên cạnh đó, World Cup 1994 cũng là giải đấu đầu tiên, FIFA quyết định tính 3 điểm cho một trận thắng để làm tăng sự hấp dẫn.
Nhưng bên cạnh những nét đẹp ấy, kỳ World Cup 1994 cũng chứng kiến những câu chuyện buồn, về tấn bi kịch không thể nào phai mờ trong lịch sử bóng đá.
Giải đấu này chứng kiến sự tàn lụi của huyền thoại, đó là Diego Maradona. Sau màn ăn mừng kiểu hít thuốc phiện ở trận gặp Hy Lạp, Diego Maradona đã lọt vào tầm ngắm của FIFA. Sau lượt đấu thứ 2 với Nigeria, ông đã bị đưa đi kiểm tra. Cuối cùng, “Cậu bé vàng” đã dương tính với ma túy.
Ông bị loại khỏi World Cup khi mà vòng bảng chưa kết thúc. Sau đó, Maradona đã bị cấm thi đấu. Sau này, tờ Telegraph còn tiết lộ chi tiết đáng chú ý, khi “Cậu bé vàng” đã làm quen với “làn khói trắng” từ 11 năm trước. Có nghĩa rằng, ông đã chơi ma túy ở giải đấu thăng hoa nhất sự nghiệp, World Cup 1986.
Bi kịch của Maradona chưa phải là đỉnh điểm. Andres Escobar đã bị bắn chết ở quê nhà sau khi khiến Colombia bị loại (vì bàn thắng phản lưới nhà trong trận đấu với Mỹ). Với những kẻ quá khích, hành động của Andres Escobar chẳng khác gì… phản quốc. Sự phẫn nộ còn tăng thêm khi Colombia (khi ấy là ứng cử viên vô địch) đã bị loại ngay từ vòng bảng.
Tới tận bây giờ, cái chết của Andres Escobar vẫn là vết nhơ không thể gột rửa. Nó là bi kịch lớn nhất trong lịch sử World Cup. Bi kịch hơn khi sau này, kẻ giết hậu vệ người Colombia chỉ bị đi tù 11 năm.
Ở mức độ nhẹ nhàng hơn, cú sút phạt đền hỏng ăn của Baggio trong trận chung kết World cup 1994 với Brazil cũng được xem là “bi kịch”. Đó là “bi kịch” của người hùng (đã giúp Italia lọt vào chung kết) hóa tội đồ. Cả đất nước Italia chìm trong tấn bi kịch lịch sử.
Trong khi đó, Brazil cũng “biến hình” ở giải đấu này. Từ đội bóng nổi tiếng với lối chơi tấn công rực rỡ, Selecao bỗng trở thành đội tuyển… phòng ngự. Họ bố trí nhiều tiền vệ xu hướng thủ và giàu tính chiến đấu hơn là biểu diễn. Họ bước vào trận chung kết với 3 chiến thắng với cách biệt 1 bàn. Tới trận chung kết, Italia và Brazil đã trình diễn trận đấu… tẻ nhạt, với tỷ số hòa 0-0.
Cuối cùng, Brazil đã lên ngôi sau chiến thắng ở loạt sút luân lưu. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm, Brazil mới trở lại ngôi cao nhất bóng đá thế giới.
Tổng quan World Cup 1994:
Chủ nhà: Mỹ
Vô địch: Brazil
Số trận: 52
Số bàn thắng: 141 (2.71 bàn/trận)
Số khán giả: 3,587,538 (68,991 người/trận)
Vua phá lưới: Hristo Stoichkov (Bulgaria, 6 bàn) và Oleg Salenko (Nga, 6 bàn).
Cầu thủ xuất sắc nhất: Romario (Brazil).
H.Long