Lẽ nào bóng đá Việt Nam chịu thua pháo sáng?!
(Dân trí) - Đốt pháo sáng là vi phạm, thậm chí là phi luật, nhưng những quả pháo sáng cứ được đốt lên ở nhiền sân bóng đá tại Việt Nam, đặc biệt là trong các trận đấu có sự hiện diện của đội Hải Phòng. Những quả pháo sáng chẳng khác nào sự thách thức.
Chẳng lẽ bó tay với pháo sáng?
Trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB bóng đá Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy mới đây, thuộc vòng 6 V-League vào chiều 21/4 rực pháo sáng, một lần nữa gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác an ninh, an toàn của trận đấu, đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt, việc CĐV Hải Phòng có thể mang pháo sáng vào sân vốn đã được cảnh báo từ trước, từ nhiều mùa trước, nhưng pháo sáng vẫn hiện diện trên khán đài của sân Hàng Đẫy, chứng tỏ có lỗ hổng an ninh xung quanh trận đấu này.
Một chi tiết không thể không nhắc đến, đó là hiện giờ các trận đấu của đội Hải Phòng trên sân Lạch Tray không còn hiện tượng đốt pháo sáng nữa, trong khi ở những chuyến làm khách của đội bóng đất Cảng, pháo sáng vẫn còn hiện diện, và đặc biệt nhiều trên sân Hàng Đẫy.
... làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam với quốc tế
Ở sân Lạch Tray ngay tại đất Cảng, việc kiểm soát khán giả vào sân được thực hiện hết sức chặt chẽ, trong khi ở sân Hàng Đẫy trong trận vừa rồi, việc kiểm soát khán giả, nhất là khán giả của đội khách Hải Phòng không được như vậy, nên pháo sáng mới có cơ hội lọt vào bên trong sân.
Sau sự cố nói trên, ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đã có công văn khẩn gửi VFF, VPF yêu cầu làm rõ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy.
Bản thân vị Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng đề xuất phương án có camera an ninh, ghi hình tại các khu vực khán đài, để có thể phát hiện những CĐV đốt pháo sáng, rồi trục xuất khỏi các sân bóng.
Đây là phương án từng được Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và những nhà chức trách ở xứ sở sương mù thực hiện từ nhiều năm trước, để đối phó với tình trạng hooligan gây nhức nhối bóng đá Anh.
Những CĐV quậy phá có tiếng được thông báo bằng hình ảnh đến tất cả mọi sân bóng ở Anh và ở cả châu Âu, để những hooligan dạng này không còn có cơ hội được đến sân xem bóng đá nữa.
Bằng biện pháp đấy, bóng đá Anh cải thiện đáng kể hình ảnh trên các khán đài, sau thảm hoạ Hillsborough năm 1989, nhà chức trách Anh mạnh tay hơn với hooligan, để cải thiện sân cỏ nước Anh văn minh và an toàn như hiện nay.
Cần các biện pháp mạnh tay
Không ngăn được tình trạng đốt pháo sáng đang có xu hướng ngày một rầm rộ hơn, bóng đá Việt Nam có nguy cơ đối diện với vấn đề CĐV cực đoan kiểu mới
Cần phân biệt cuồng nhiệt khác và phá hoại khác. Việc đốt pháo sáng vốn là hành vi bất chấp các quy định và phi luật, thì người đốt pháo sáng hoặc kêu gọi đốt pháo sáng cần bị cấm đến sân có thời hạn hoặc vô thời hạn, tuỳ theo mức độ vi phạm.
Đúng là VFF và VPF nếu chỉ trong quyền hạn của mình, khó ngăn được tình trạng pháo sáng trên các sân bóng trong nước.
Nhưng có những việc xung quanh vấn đề này VFF và VPF có thể làm ngay, đó là cung cấp cho nhà chức năng danh tính của những CĐV Hải Phòng chuyên “chơi” pháo sáng trên sân, để cơ quan chức năng có hành động mạnh mẽ hơn với những CĐV dạng đấy, đồng thời thực hiện những án phạt nghiêm khắc hơn, nghiêm túc hơn để xử lý tình trạng pháo sáng (không loại trừ cả việc trừ điểm và buộc phải thi đấu trên sân không có khán giả).
Thiết nghĩ việc này không khó, bởi ngay trong nhóm các CĐV quá khích Hải Phòng, có người thích chơi pháo đến mức mang biệt danh riêng gắn kèm với pháo, thì khó nói giới bóng đá Việt Nam không biết những nhân vật dạng này.
Không hành động quyết liệt thì e rằng bóng đá Việt Nam có thể sẽ đến lúc xuất hiện một nhóm những kẻ quá khích, chuyên quậy phá bằng hình thức đốt pháo sáng, như bóng đá Malaysia đang nhức nhối với nhóm ultras cực đoan chuyên tấn công CĐV đội khách, đập phá trong các trận đấu từ giải quốc nội cho đến giải quốc tế.
Những vi phạm nhỏ nếu không chấn chỉnh mạnh tay sẽ dần dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng. Và lẽ nào cả một nền bóng đá Việt Nam năm này qua năm khác… chịu thua mấy quả pháo sáng?!
Kim Điền