La Liga: Đằng sau vinh quang là những khoản nợ khổng lồ
(Dân trí) - Tây Ban Nha đang trải qua giai đoạn cực thịnh với những thành công mà bất kỳ cường quốc bóng đá nào cũng phải thán phục, nhưng sự thật sau vinh quang mà các đội bóng “xứ sở bò tót” đang đạt được là những khoản nợ không lồ, đặc biệt là Barca và Real.
Bóng đá Tây Ban Nha đang thống trị thế giới ở mọi cấp độ, đó là một sự thật không thể chối cãi. La Furia Roja đang là ĐKVĐ của cả cúp châu Âu lẫn thế giới, Barcelona thống trị tuyệt đối lục địa già trong 3 năm trở lại đây và dường như tất cả đều nhận thấy rằng chỉ có một đội bóng duy nhất có thể soán ngôi của thầy trò Pep Guardiola, đó là “đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha” Real Madrid.
Tại mùa giải năm nay, ưu thế của các đội bóng Tây Ban Nha lại càng được thể hiện rõ rệt hơn nữa. Barcelona và Real Madrid chính là hai ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch Champions League trong số bốn đội góp mặt tại bán kết. Trong khi đó ở đấu trường Europa League, “xứ sở bò tót” thậm chí còn đóng góp đến 3 đại diện là Athletic Bilbao, Valencia và Atletico Madrid.
Chính vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để nghĩ đến viễn cảnh về không phải một mà là cả hai trận chung kết cúp châu Âu với toàn các đội bóng đến từ Tây Ban Nha, điều mà chưa bất cứ cường quốc bóng đá nào dù cho vào thời điểm cực thịnh có thể làm được. Tuy nhiên đằng sau những vinh quang hào nhoáng đó là một sự thật khiến tất cả phải bất ngờ.
Một cuộc khảo sát tài khoản của các đội bóng hàng đầu Tây Ban Nha mới đây đem đến một báo cáo tài chính vô cùng bi đát. Những khoản nợ mà nhiều đội bóng không đủ khả năng chi trả bên cạnh việc bị truy thu thuế. Real Madrid đang dẫn đầu La Liga, bỏ xa đại kình đình Barcelina 4 điểm, đồng thời hai gã khổng lồ của bóng đá thế giới này còn “cạnh tranh” về những khoản vay nợ.
Real Madrid đã “tích lũy” được một khoản nợ lên tới 589 triệu euro, trong khi Barcelona cũng chỉ kém đôi chút với 578 triệu euro. Điều đó thực sự làm lu mờ đi những báo cáo tài chính tươi đẹp về doanh thu khổng lồ mà hai đội bóng này đạt được trong năm 2011 (lần lượt là 479 triệu euro và 450 triệu euro). Tổng vay nợ của Valencia và Atletico Madrid, hai đội bóng góp mặt tại bán kết Europa League cũng đang ở mức báo động đỏ với các con số lần lượt là 382 và 514 triệu euro.
Bên cạnh đó báo cáo mới nhất sau khi thực hiện các cuộc tra cứu nợ thuế cho thấy các đội bóng tại Tây Ban Nha đang nợ chính phủ một khoản tiền lên tới 752 triệu euro. Không thể phủ nhận những đội bóng ưu tú của bóng đá xứ sở bò tót đang đem vinh quang về cho đất nước tuy nhiên một sự thật trần trụi rằng hơn 5 triệu người Tây Ban Nha đang thất nghiệp và chính phủ không có đủ tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng đó.
Bộ thể thao đã công bố một kế hoạch để đảm bảo rằng các đội bóng sẽ trả hết các khoản nợ, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn không ai biết được là họ sẽ làm như thế nào hay đó chỉ là “bánh vẽ”. Hiện tại, 6 trong số 20 đội bóng đang tham dự La Liga bao gồm Rayo Vallecano, Racing Santander, Real Betis, Zaragoza, Granada và Mallorca đang ở bên bờ vực phá sản, thêm 6 đội bóng nữa ở Segunda A cũng đang ở tình trạng như vậy.
Giáo sư kinh tế của trường đại học Barcelona Jose Maria Gay de Liebana nhận định: “Những khoản nợ khổng lồ này cho thấy khả năng quản lý tài chính yếu kém của bóng đá Tây Ban Nha”. Ông ước tính rằng bóng đá xứ sở bò tót đang phải gánh chịu một khoản nợ lên tới 3.5 tỉ euro đồng thời so sánh cuộc khủng hoảng này sự điên cuồng của thị trường bong bóng tài sản Tây Ban Nha, đã từng bị nổ tung vào năm 2008.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng các đội bóng Tây Ban Nha đang chi tiêu vượt quá khả năng của mình và ngày càng ngập sâu trong nợ nần. Một dẫn chứng cụ thể chính là cuộc khủng hoảng mà đội bóng lừng danh Valencia đang phải trải qua. Năm 2007, khi thị trường bất động sản đang biến động, Los Che đã quyết định nâng cấp sân Mestalla lên 70 ngàn chỗ ngồi trong khi lượt khán giả trung bình đến sân trong mỗi trận đấu chỉ đạt ở mức 39 ngàn.
Cuối cùng ông đưa ra kết luận có lẽ là rất chính xác: “Trong nhiều năm qua các đội bóng Tây Ban Nha đã thực hiện những khoản đầu tư khổng lồ và không ít trong số đó không đem lại hiệu quả và họ cũng không có quỹ tự bảo hiểm rủi ro cho những đầu tư của mình. Chính vì vậy các đội bóng Tây Ban Nha đang ngày càng ngập sâu vào nợ nần đến mức không thể thoát ra được”. Bóng đá Tây Ban Nha đang trải qua giai đoạn cực thịnh, nhưng đằng sau là những khoản nợ khổng lồ và một tương lai mờ mịt.
Ngọc Trung
Theo AFP