1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

"Kỷ luật HLV Kim Huệ là cách làm tùy tiện"

Huyền Trang

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT, cho rằng án phạt kỷ luật của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với HLV Kim Huệ không có cơ sở và làm sai quy trình.

PV: Từng là người có nhiều năm làm công tác quản lý với các môn thể thao thành tích cao, quan điểm của ông thế nào về án phạt của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với HLV Kim Huệ và các học trò gây xôn xao dư luận vừa qua?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ bản chất của vấn đề. HLV Kim Huệ có giao dịch với phía đội bóng Vĩnh Phúc, nhưng chưa ký bằng văn bản. Tôi không rõ người trong cuộc đã thỏa thuận thế nào, nhưng có thể phía đội bóng đã có thiện chí, muốn lôi kéo HLV Kim Huệ và 3 VĐV của Ngân hàng Công thương. Việc đội bóng này chuyển tiền trước là ý tốt, nhưng sự hợp tác không thành vì HLV Kim Huệ và các VĐV trên không được CLB chủ quản thanh lý hợp đồng.

Kỷ luật HLV Kim Huệ là cách làm tùy tiện - 1

Ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT.

Tôi cho rằng việc Liên đoàn ra án kỷ luật như thế là vội vàng, chưa có căn cứ pháp lý. Vì sao Liên đoàn không làm việc với các bên để hiểu rõ vụ việc, đó là chưa kể án phạt được đưa ra vào thời điểm các HLV và VĐV đang thi đấu, gây ảnh tới tâm lý của họ.

Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, Lê Văn Thành cho biết án phạt là để răn đe, bởi HLV Kim Huệ và các học trò chưa thanh lý hợp đồng nhưng đã nhận tiền tới gần chục tỷ đồng của đội bóng khác là không nghiêm túc?

Tôi xin nhấn mạnh là hợp đồng hai bên chưa được ký kết. HLV Kim Huệ và các VĐV chưa được CLB Ngân hàng Công thương cho đi. Như vậy, Kim Huệ và 3 VĐV cũng vì lý do bất khả kháng mới phải thay đổi quyết định không đầu quân cho đội bóng trên. Họ có nghĩa vụ phải trả lại tiền đặt cọc đã nhận theo đúng quy định.

Rõ ràng là khi đội bóng cũ chưa thanh lý hợp đồng, thì HLV và các VĐV không còn lựa chọn nào khác là phải ở lại.

Kỷ luật HLV Kim Huệ là cách làm tùy tiện - 2

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, cách xử lý của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với HLV KIm Huệ cùng các học trò là sai quy trình.

Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền ra án kỷ luật thì phải mời HLV và các VĐV làm việc, không thể đơn phương ra quyết định như vậy được. Tôi không đồng tình với lý do "làm ảnh hưởng tới hình ảnh bóng chuyền Việt Nam", bởi vụ việc này chưa được xem xét nguồn gốc, có sự trình bày của các bên.

Đây là án phạt không có tình, không có lý. Thậm chí nếu tìm hiểu kỹ, thì án kỷ luật của Liên đoàn còn không đúng về pháp lý. Tôi được biết ngoài Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ra, các bộ phận còn lại của Liên đoàn cũng đều không đồng tình với quyết định kỷ luật này.

HLV Kim Huệ và các VĐV cho biết họ sẽ đi tới cùng để đòi lại danh dự, uy tín. Đây mới chính là vấn đề cần bàn sau một án kỷ luật vội vã, thưa ông?

Ai cũng biết HLV Kim Huệ là một nhân vật lớn của bóng chuyền Việt Nam, từng cống hiến lâu năm cho đội tuyển cũng như phong trào bóng chuyền. Cô ấy đã phấn đấu cả đời cho sự nghiệp bóng chuyền. Vậy mà án phạt đưa ra lại không có sự cân nhắc về tình, về lý.

Ở đây tôi còn đặt dấu hỏi về thái độ, quan điểm của Tổng cục TDTT, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cả hai cơ quan này có thể không yêu cầu Liên đoàn rút lại án kỷ luật, nhưng cũng phải có ý kiến để bảo vệ HLV, VĐV, bảo vệ lẽ phải.

HLV Kim Huệ tố Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ra án kỷ luật không đúng quy trình, ông có đồng tình với quan điểm này?

Rõ ràng là không đúng quy trình rồi. Tôi đọc rất kỹ điều lệ ở các Liên đoàn, bao giờ cũng phải có một hội đồng xem xét trước khi ra án kỷ luật. Sau khi Ban kỷ luật đề nghị, hội đồng phải cân nhắc, tìm hiểu, không được vội vàng. Đằng này Liên đoàn mới nghe một chiều, đã ra án phạt ngay.

Kỷ luật HLV Kim Huệ là cách làm tùy tiện - 3

HLV Kim Huệ và các học trò không phục án phạt của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Tóm lại là quy trình xử phạt của Liên đoàn không chuẩn. Vụ việc đáng ra phải được đưa ra hội đồng kỷ luật, sau đó xem ở mức gì khung gì, và Chủ tịch ký sau khi được hội đồng trình bày.

Liên đoàn không khéo léo xử lý trong việc này. Chúng ta nên biết rằng thế giới họ còn có cả tòa án thể thao quốc tế để xử những vụ kiện cáo trong thể thao. Việt Nam chưa có thì vẫn có những cơ quan khác. Vì vậy, khi thấy mình bị xử phạt oan, các HLV, VĐV họ hoàn toàn có quyền được đấu tranh.

Trong vụ việc này, liệu HLV Kim Huệ và các học trò có lỗi gì không, thưa ông?

Chúng ta không hiểu rõ người trong cuộc đã thỏa thuận với nhau như nào. Đặt ra giả thuyết nếu phía đội bóng Vĩnh Phúc thiện chí tự đưa tiền đặt cọc trước nhằm lôi kéo thì không sao. Còn nếu Kim Huệ và các VĐV hứa sang ngay sau khi nhận tiền thì mới là có lỗi, vì bản thân họ chưa thanh lý hợp đồng với đội bóng cũ.

Qua vụ việc lần này, ông có cho rằng cách làm của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đang gây ra bức xúc trong dư luận, và không làm tốt vai trò đầu tàu của mình?

Đây là một bài học. Liệu các HLV, VĐV họ sẽ nghĩ gì về thái độ của Liên đoàn sau án phạt vừa qua? Có rất nhiều HLV, VĐV muốn được cống hiến, nhưng sau vụ việc này họ sẽ phải suy nghĩ.

Tôi nghiên cứu rất kỹ trong điều lệ bao giờ cũng có mục khen thưởng và kỷ luật, nhưng án phạt của Liên đoàn đưa ra như tôi đã nói, là một cách làm tùy tiện. Tôi mong là báo chí nên vào cuộc để chống lại cách làm này.

Xin cảm ơn ông!

Ngay trong ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 (12/4), Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam bất ngờ ra quyết định cảnh cáo HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Ninh Anh. Tuy nhiên, quyết định này phải tới 3 ngày sau đó mới được gửi tới tay HLV Kim Huệ và các học trò.

Trước đó, từ đầu tháng 3/2021, Phạm Kim Huệ có ý định rời CLB Ngân hàng Công Thương để đầu quân cho CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Các VĐV trụ cột Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh cũng theo chân đàn chị.

Trước khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 khởi tranh, phía FLC có gửi công văn tới Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị không cho đăng ký Kim Huệ và 3 VĐV kể trên tham gia thi đấu các giải đấu trong thời gian tới do làm "tổn hại tới uy tín của hãng, thương hiệu đã bị các VĐV lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp".

Điều đáng nói là HLV Phạm Thị Kim Huệ cùng 3 học trò mới chỉ đạt thỏa thuận với đội bóng Vĩnh Phúc chứ chưa ký hợp đồng. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau, tất cả đều quyết định vẫn ở lại CLB bóng chuyền Ngân hàng Công thương.