Mổ xẻ thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014

Kỳ 2: Bóng đá Việt Nam mất những gì sau thất bại tại AFF Cup?

(Dân trí) - Nói thất bại thì hơi quá, vì vào bán kết đã đáng được xem là thành công đáng kể của đội tuyển, xét trên chất lượng con người. Dù vậy, việc thua đau ở bán kết có thể sẽ khiến cho bóng đá nội mất đi nhiều thứ.

Người hâm mộ mất niềm tin

Còn hơn cả một trận thua, thất bại đau đớn trước Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014 có thể làm cho vết thương lòng của người hâm mộ vừa mới lành, lại có nguy cơ rướm máu trở lại.

Trước đó, người hâm mộ từng không tin, rồi tin vào thế hệ hiện nay. Nếu đội tuyển thành công ở AFF Cup 2014, vào chung kết, hoặc chí ít là nếu chúng ta không thua Malaysia quá đau đến vậy, có lẽ niềm tin sẽ tiếp tục đi theo người hâm mộ, đến tận V-League năm tới.

Nhưng một thất bại theo kiểu tự sát có thể xóa sạch điều đó. V-League mùa tới tiếp tục đối diện với nguy cơ vắng khán giả, vì cơ bản người xem vẫn chưa thấy có gì đáng xem ở giải đấu số 1 Việt Nam.

Mọi thứ giờ xa tầm với của các cầu thủ Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)
Mọi thứ giờ xa tầm với của các cầu thủ Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)

Điều mà người ta chờ đợi ở V-League chính là việc cho ra những sản phẩm cầu thủ tốt, có chất lượng đứng trên làng cầu Đông Nam Á rốt cuộc vẫn chưa thấy được. Thế hệ cầu thủ vừa mới thi đấu ở AFF Cup từng được kỳ vọng sẽ khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng người hâm mộ thì này chính họ vừa tự đẩy họ ra xa tâm trí của người yêu bóng đá nội.

Sự mất niềm tin còn nằm ở chỗ, sau trận thua bạc nhược ấy, rất tệ là các cầu thủ lại làm cho người xem đứng trước sự nghi ngờ có hay không có tiêu cực? Chỉ có cơ quan chức năng mới trả lời được vấn đề này, nhưng không thể cấm người ta nghi.

Cầu thủ mất tự tin

Không chỉ tự đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ, bản thân các cầu thủ cũng tự đánh mất niềm tin của chính mình. Nếu đội tuyển thành công, vào chung kết, vị thế của họ đã rất khác.

Nếu họ thành công, từ nay về sau họ sẽ tin rằng mình có thể làm được nhiều thứ, có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn nhất. Nhưng hỡi ôi, họ lại thất bại, thất bại trong tư thế mà họ nhìn đối phương vượt qua mình mà không ngăn được, thất bại giữa ánh mắt bất lực của từng người mới đau.

Trước khi AFF Cup diễn ra, chính các cầu thủ từng rất kỳ vọng rằng đây sẽ là giải đấu mà họ thể và chứng minh rằng ở làng cầu nội, họ vẫn là thế hệ cầu thủ đáng xem, rằng ở làng cầu nội, không chỉ có lứa U19 của bầu Đức là lứa đáng quan tâm duy nhất.

Tuy nhiên, họ lại thất bại. Thà chúng ta cứ thua Thái Lan, hoặc có thất bại trong trận bán kết thì thất bại theo kiểu khác. Đằng này, thất bại toàn diện, với kết cục chỉ được quyết định sau hiệp 1 thì quả là quá đau đớn. Một thất bại sẽ khiến nhiều người bị ám ảnh mãi.

VFF khó tìm… tài trợ

Và thất bại của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 không chỉ ảnh hưởng đến cầu thủ, đến người hâm mộ, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu đội tuyển và ảnh hưởng đến VFF. Cụ thể là đến khả năng thu hút tài trợ.

Trước giải, thấy rõ là giá trị của đội tuyển đã xuống thấp, khả năng kêu gọi tài trợ của cơ quan điều hành bóng đá nội cũng kém đi. Cụ thể là Dentsu không còn là đối tác chiến lược của VFF nữa, nhà tài trợ trang phục Nike cũng quay lưng.

Người làm công tác điều hành bóng đá nội từng hy vọng vào thành công của đội tuyển quốc gia sẽ làm tăng giá trị của đội tuyển, tăng khả năng kiếm tiền của VFF. Nhưng rồi đùng một cái, đội lại thua đau, người hâm mộ lại dọa sẽ quay lưng.

Mà không có người hâm mộ, VFF muốn quảng bá cho hình ảnh của đội tuyển bằng cách nào? Mà không quảng bá được hình ảnh của đội tuyển, bóng đá Việt Nam dựa vào cái gì để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại?

Sự thất bại của VFF nằm ở chỗ đó, họ cố nâng tầm đội tuyển để qua đó nâng tầm chính mình, nhưng lại làm không tới nơi tới chốn!

Kim Điền
Dòng sự kiện: AFF Cup 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm