King’s Cup giảm giá trị chuyên môn vì nhiều toan tính thương mại
(Dân trí) - Càng lúc thì King’s Cup của bóng đá Thái Lan càng lộ rõ tính chất thương mại, khi chính những nhà tổ chức gạt bỏ đi nhiều yếu tố truyền thống, cũng như lộ rõ tính chất cay cú ăn thua.
Giờ thì người ta càng hiểu rõ nguyên nhân tại sao nhiều đội bóng có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng FIFA không muốn tham dự King’s Cup. Đội chủ nhà Thái Lan chỉ mời được các đội thuộc các khu vực “trũng” của bóng đá thế giới là Đông Nam Á và Nam Á dự giải, cộng với một cái tên hoàn toàn vô danh với người hâm mộ bóng đá toàn cầu: Curacao.
Cách tổ chức King’s Cup hiện tại quá khó để thu hút những đội bóng có thứ hạng cao trên thế giới, như chính giải đấu này từng thu hút.
Đầu tiên là đội chủ giải Thái Lan vốn đã rớt hạng thê thảm trên bảng xếp hạng của FIFA, thời gian gần đây. Thứ nhì là các đối tượng cọ xát tại giải cũng không phải thuộc hàng khá của bóng đá thế giới, nên không hấp dẫn các đại diện của những nền bóng đá có thứ hạng tốt.
Và thứ ba là chính những nhà tổ chức quá nghiệp dư, quá đặt nặng tính thương mại, mà bỏ qua nhiều giá trị truyền thống, cũng như giá trị chuyên môn.
Ví dụ như để được gặp đội tuyển Việt Nam, nhằm dễ bán vé và bán bản quyền truyền hình, nhà tổ chức King’s Cup đưa ra chiêu bốc thăm lại, mà ai cũng đoán được kết quả bốc thăm.
Rồi cũng vì trận đấu với đội tuyển Việt Nam, vì đặt nặng chuyện hơn thua tại King’s Cup, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) ra một quyết định đi ngược lại với tính chuyên nghiệp của bóng đá thế giới, đó là xoá án treo giò cho cầu thủ tấn công trọng tài một cách nghiêm trọng.
Chính những nhà tổ chức và những người điều hành bóng đá Thái Lan qua những động thái đấy đã làm giảm giá trị, giảm uy tín của giải đấu, cũng như chỉ rõ tính nghiệp dư của chính mình.
Họ cũng vô hình chung đẩy các khách mời tham dự giải vào thế khó. Ví dụ như đội tuyển Việt Nam giờ bị đẩy vào cuộc chiến vì sự tự ái của bóng đá Thái Lan, ở một cuộc đấu lẽ ra chỉ là giao hữu, thuộc một giải mời.
Dĩ nhiên, trận đấu cọ xát quốc tế nào cũng có ích của nó, nhưng giá như chúng ta chủ động trong việc lựa chọn đối tượng có xát theo ý mình, ở những trận cầu riêng lẻ theo lịch thi đấu giao hữu do FIFA ấn định, hơn là tham dự một giải mời vốn bị chi phối hoàn toàn bởi đơn vị chủ giải đang có quá nhiều toan tính.
Nếu chúng ta đã nhắm đến cái đích chính của mình là vòng loại World Cup vào tháng 9 tới đây, việc được chủ động lựa chọn đối thủ sẽ giúp đội tuyển Việt Nam theo đuổi được các mục tiêu của mình, từ những trận giao hữu đấy.
Ví dụ như cần “làm nóng” cho giải đấu chính thức, cho các tuyển thủ vốn vừa trải qua giai đoạn đá giải quốc nội kéo dài mệt mỏi, đối tượng cọ xát có khi chỉ cần là một đội yếu (như đội tuyển Argentina trước Copa America 2019 chỉ đá với Nicaragua, với mục đích giúp cho các cầu thủ khởi động lại sau mùa giải kéo dài).
Hoặc nếu là cần chuẩn bị cho những đối thủ cụ thể nào đó tại giải chính thức, chúng ta sẽ đá giao hữu với những đối tượng tương tự như đối tượng mà chúng ta gặp ở giải đấu chính thức đấy.
Đằng này, đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan, sau đó có thể là Ấn Độ hoặc Curacao vừa không phải là đối tượng lý tượng để làm nóng đúng nghĩa (họ không yếu so với chúng ta), vừa có khi chẳng hề giống với các đối thủ mà đội tuyển Việt Nam có thể đụng đội tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Đội bóng của HLV Park Hang Seo đang phải chạy theo ý của nhà tổ chức King’s Cup, ở một sân chơi mà chủ giải có quá nhiều toan tính, trong khi chúng ta luôn phải… xếp hàng trong thế bị động!
Trong bối cảnh King's Cup bị giảm giá trị vì mục đích thương mại, tin đồn việc một đơn vị ở Việt Nam chi gần 7 tỷ đồng để mua bản quyền hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam, khiến nhiều quan điểm trong giới bóng đá nghi ngờ mức giá công bố bị đẩy cao chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh của các bên liên quan. Cho tới lúc này, chưa ai có thể xác thực được con số thực sự là bao nhiêu.
Kim Điền