Kịch bản thú vị khi môn golf tại Olympic có thêm nội dung đồng đội
(Dân trí) - Tại Olympic Tokyo 2020, môn golf chỉ trao các bộ huy chương cá nhân. Tuy nhiên, giả sử từ kỳ Thế vận hội tới, môn này có thêm các nội dung đồng đội, thì nó sẽ thế nào?
Hiện tại, làng golf nhà nghề thế giới cũng đã có giải đồng đội là Ryder Cup, diễn ra theo chu kỳ hai năm/lần, giữa đội tuyển golf Mỹ và đội tuyển golf châu Âu, với sự tham dự của các golfer có thứ hạng cao nhất được lựa chọn từ hệ thống các giải PGA Tour tại Mỹ và các giải PGA European Tour tại châu Âu.
Tại Olympic, chưa có nội dung thi đấu đồng đội. Tuy nhiên, mới đây, nhà báo chuyên viết về môn golf nổi tiếng thế giới Dylan Dethier viết trên tạp chí điện tử golf.com, mô phỏng cách thi đấu đồng đội tại Olympic. Sự mô phỏng này dựa trên thành tích đã đạt được của các golfer tại Thế vận hội vừa kết thúc.
Theo Dylan Dethier, về thành phần các đội, về phương thức thi đấu, mỗi đội sẽ gồm hai nam và hai nữ, riêng đội tuyển golf Mỹ sẽ có đến hai đội, do Mỹ là quốc gia duy nhất được phép cử đến 4 VĐV nam và 4 VĐV nữ tham dự môn golf tại Olympic Tokyo 2020.
Các quốc gia còn lại chỉ có hai VĐV nam và hai VĐV ở từng nội dung, do khi BTC Olympic cắt ngang danh sách các golfer mạnh nhất thế giới ở thời điểm lên danh sách VĐV được tham dự Thế vận hội, Mỹ là quốc gia có đủ số golfer nằm trong danh sách trên (thật ra số lượng VĐV Mỹ đủ điều kiện còn nhiều hơn, nhưng họ chỉ được chọn tối đa 4 người ở mỗi bảng nam, nữ).
Đội hình một của tuyển Mỹ sẽ gồm Justin Thomas, Collin Morikawa (nam), Nelly Korda và Danille Kang (nữ). Trong khi đội hình hai của đội này có Xander Schauffele, Patrick Reed (nam), Lexi Thompson và Jessica Korda (nữ).
Ngày đầu tiên của nội dung đồng đội, Thụy Điển sẽ là đội vượt lên dẫn đầu, nhờ sự xuất sắc của nữ golfer Madeline Sagström, cùng sự hỗ trợ của Alex Noren và Henrik Norlander ở bảng nam.
Trong khi đó, đội tuyển Áo xếp thứ hai, dù chỉ tham dự với ba golfer (do không đủ số VĐV đủ tiêu chuẩn). Người giúp đội Áo chiếm vị trí thứ hai là Sepp Straka. Còn đội đứng thứ ba là Đan Mạch.
Đến lúc này vẫn chưa thấy đội Mỹ đâu cả! Ngược lại, các đội Hàn Quốc, Mexico và thậm chí là Thái Lan nổi lên là những chú ngựa ô.
Sang đến ngày thứ hai, Đan Mạch vọt lên dẫn đầu nhờ màn đánh 63 gậy, dưới chuẩn đến 9 gậy của Emily Pedersen, cộng với thành tích đánh dưới chuẩn 8 gậy của Nanna Koerstz Madsen. Thụy Điển tuột xuống vị trí thứ hai.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là việc đội Mỹ ngoi lên đứng thứ ba, nhờ phong độ xuất thần của Nelly Korda, với điểm số -10 gậy ở ngày thi đấu thứ hai. Bên cạnh đó, Xander Schauffele cũng có điểm rất cao: -9 gậy trong ngày thi đấu này. Đồng hạng tư là các đội Nhật Bản và Ireland.
Ngày thứ ba, Đan Mạch vẫn dẫn đầu, Rasmus Hojgaard và J.B. Hansen chỉ mất lần lượt 66 và 67 gậy để kết thúc ngày thi đấu áp chót, đạt điểm trong ngày lần lượt là -6 và -5 gậy, tạm dẫn trước đội Nhật Bản nhờ thi đấu ít hơn 5 gậy.
Mỹ vẫn đứng ba, nhưng đã bị Ireland bắt kịp, nhờ xuất sắc của bộ đôi Rory McIlroy và Stephanie Meadow. Hai golfer người Ireland đến lúc này cũng đang tranh chấp huy chương cá nhân.
Ngày thi đấu thứ tư - ngày cuối cùng: Đội tuyển golf mạnh nhất thế giới là Mỹ rốt cuộc kịp chứng tỏ bản lĩnh trước đích đến. Collin Morikawa chỉ mất 63 gậy để hoàn tất 18 hố đấu của ngày cuối, có điểm -9 gậy. Justin Thomas và Danielle Kang cùng có điểm -7 gậy ở ngày 4.
Đội Mỹ kết thúc 72 hố đấu sau 4 ngày với tổng số gậy là 803, ít nhất giải, giành HCV. HCB thuộc về đội Nhật Bản, với hai golfer chủ lực là Mone Inami (nữ) và Hideki Matsuyama (nam), đạt tổng cộng 808 gậy. Đan Mạch giành HCĐ với 809 gậy. Đứng 4 là đội hình hai của Mỹ, có 813 gậy.