Khi các CLB V-League thiếu tôn trọng BTC và giới trọng tài
(Dân trí) - Các đội bóng tại V-League hay than phiền về trọng tài, nhưng giới trọng tài ở các vòng cuối cũng bảo nhau là cảnh giác với một số đội bóng. Chẳng phải lần “tố” trọng tài nào cũng đúng, và giới vua sân cỏ thường sợ các CLB “đánh bùn sang ao”.
Đầu tiên, phải khẳng định trọng tài Việt Nam chưa tốt, nhiều người chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn để điều hành giải V-League. Thành ra mới sinh ra nhiều sao sót liên quan đến trọng tài. Thành ra, giới “vua sân cỏ” hay dính vào các vụ kiện tụng từ phía các đội bóng.
Nhưng công bằng mà nói, không phải lần “tố” trọng tài nào của các đội bóng cũng đúng. Các CLB sợ chết oan vì những tiếng còi méo từ phía giới trọng tài bao nhiêu, thì ngược lại, giới vua sân cỏ cũng sợ chiêu “đánh bùn sang ao” của các đội bóng bấy nhiêu.
Các CLB hay than phiền trọng tài không đủ năng lực chuyên môn, trọng tài và BTC thiếu tôn trọng các đội bóng. Nhưng ở chiều ngược lại, để phản ứng, các CLB cũng thường chọn các biện pháp thiếu tôn trọng giới trọng tài và người điều hành giải đấu. Cách hành xử đấy, cũng không thể gọi là đủ năng lực để tham gia sân chơi chuyên nghiệp.
Về cơ bản, các đội bóng có 2 tư cách cực kỳ quan trọng: Thứ nhất, họ là cổ đông của VPF – tức đơn vị đóng vai BTC, thứ nhì, các CLB là thành viên của VFF.
Với những tư cách đấy, khi không hài lòng về trọng tài, về BTC, các CLB với tư cách cổ đông của VPF có quyền kiến nghị, thậm chí kiến nghị thay đổi thành phần điều hành giải đấu, thông qua đại hội cổ đông.
Hoặc cao hơn, khi không đồng tình với trọng tài, với BTC giải, các CLB trên tư cách là thành viên của VFF có quyền kiến nghị với cơ quan quản lý của chính mình và của VPF là VFF.
Đằng này, hầu hết các CLB khi phản ứng đều không thực hiện các quyền này một cách sòng phẳng, bằng văn bản và bằng những trình tự đúng quy trình. Thay vào đó, các CLB thường thích mượn họng truyền thông để công kích trọng tài, BTC và thậm chí là vùng vằng đòi nghỉ (nhưng cũng là đòi bằng miệng, chứ không trưng ra văn bản để thể hiện tính nghiêm túc của mình).
Ví dụ như vấn đề trọng tài trong những vòng đấu gần đây, địa chỉ để các CLB la làng là VPF, trong khi cơ quan thực sự quản lý trọng tài lại là VFF, hoạt động của Ban trọng tài về cơ bản cũng độc lập với BTC. Thành ra, cách phản ứng của nhiều đội bóng vừa không đúng nơi cần phản ánh, vừa mang màu sắc giận lẫy hơn là mang tiếng nói nghiêm túc để đóng góp chung cho sự tiến bộ của cả giải đấu và cả nền bóng đá.
Đơn cử có trường hợp Hải Phòng tố sai trọng tài trên sân Pleiku (trận HA Gia Lai – Hải Phòng thuộc vòng 15 V-League), phải nhận án từ Ban kỷ luật.
Cái khổ của giới trọng tài và những người điều hành giải là ở điểm đấy. Làng bóng không lạ chiêu “đánh bùn sang ao” của các CLB, đổ hết nguyên nhân không đạt kết quả như ý cho trọng tài, nhầm lấp liếm các yếu kém, những câu chuyện khó nói hoặc các biểu hiện bất thường. Trọng tài mà non tay và yếu bản lĩnh là dính đòn ngay.
Đấy cũng là cái khổ và các khó của giải đấu và của nền bóng đá, khi các thành phần tham gia tạo nên giải và tạo nên nền bóng đá không tự giác và thiếu chuyên nghiệp, trong khi cơ quan điều hành là VFF lại chọn cách đứng ngoài, rồi mấy ngày gần đây một số người điều hành VFF lại có thêm “bài” đổ ngược trách nhiệm cho VPF.
Kim Điền