K+ "phá rào" đàm phán mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh?
(Dân trí) - Đại diện của K+ phủ nhận thông tin đơn vị mình đã sở hữu bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) như một số thông tin trên báo chí. Tuy nhiên, đơn vị này cũng tiết lộ đang thương lượng với IMG để mua lại EPL với giá hợp lý.
Như vậy, trái với kêu gọi của các đài cần phải cùng chia sẻ bản quyền giải Ngoại hạng Anh, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên, không gây thiệt hại cho từng đơn vị nói riêng và cả hệ thống truyền hình trả tiền nói chung, các nhà đài tuyên bố sẽ không mua EPL bằng mọi giá, sẵn sàng chấp nhận không có EPL và tin rằng người hâm mộ sẽ thông cảm.
Chưa nhà đài nào mua được bản quyền Premier League
Cũng theo ông Lương, chuyện bỏ không mua EPL, là hoàn toàn xảy ra, bởi tình hình kinh tế lúc này đang rất khó khăn, cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. “Tôi biết một số đài cũng đưa ra quan điểm không mua nếu giá không hợp lý. Tôi cũng tin người xem truyền hình cũng sẽ ủng hộ các đài, bởi nếu mua bằng mọi giá, các chi phí như thuê bao sẽ tăng lên, người bị thiệt vẫn chính là người xem”, ông Luơng cho biết.
Quan điểm của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: “Phải tránh tình trạng đàm phán riêng lẻ giữa các đài truyền hình, các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền với đối tác nắm bản quyền giải Ngoại hạng Anh, khiến cho giá mua chắc chắn bị đẩy cao, tạo gánh nặng về kinh phí trong hoàn cảnh kinh tế chúng ta đang hết sức khó khăn.
Trước đó, trong cuộc họp của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cùng các nhà đài hồi cuối năm 2012, cũng đã thống nhất sẽ chỉ mua giá Bản quyền truyền hình EPL 2013-2016 không quá 15% so với giai đoạn 2011-2013. Sau khi IMG đưa ra mức giá “trên trời”, ngay lập tức Bộ Thông tin - truyền thông đã có công văn gửi các đài cần phải vì lợi ích của người xem, tránh để các công ty nước ngoài lợi dụng, tăng giá bản quyền bất hợp lý, gây lãng phí nguồn lực xã hội và gây thiệt hại cho khán giả truyền hình do sự cạnh tranh giữa các đơn vị truyền hình.
Ngoài ra, Bộ Thông tin - truyền thông đồng ý với đề xuất của VTV về việc giao VTV là đầu mối đàm phán mua bản quyền truyền hình EPL 2013-2016.
Tuy nhiên, những chỉ đạo của Bộ Thông tin-Truyền thông cùng Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, dường như chưa đủ sức nặng để một số đài có thể từ bỏ quyền lợi cá nhân của mình.
Dù Ban điều hành đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa giải 2013-2016 còn chưa thành lập, thì thông tin từ phía K+ xác nhận đơn vị này đang tiến hành các bước đàm phán với IMG thực sự gây “sốc”.
Phát biểu trên báo chí, đích thân ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV cho biết: “VSTV vẫn đang đàm phán với IMG về việc mua gói bản quyền này nhưng vẫn chưa mua được. Tôi chỉ có thể khẳng định VSTV có tham gia mua và tất cả đang trong quá trình thương lượng với đối tác”. Được biết, VSTV không được mời tham gia vào ban điều hành đàm phán mua bản quyền EPL 2013-2016 của VTV và các đài.
Điều khá bất ngờ ở chỗ, trong khi phía K+ xác nhận đang thương lượng với IMG, nhưng cả Hiệp hội truyền hình trả tiền và các nhà đài đều không hề hay biết về việc này. Đặc biệt, VTV-đơn vị có 51% cổ phần trong VSTV cũng cho biết không hay chuyện K+ đang đàm phán với IMG. Lãnh đạo VTV chưa xác nhận thông tin K+ đã sở hữu bản quyền Premier League.
Chuyện K+ có xé rào để “đánh quả lẻ” hay không hồi sau mới rõ, chỉ có điều đơn vị này đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng phát sóng, nên không thể ngồi yên để đống tiền ném qua cửa sổ.
Trước đó, IMG đã ra "tối hậu thư" cho các nhà đài Việt Nam. Theo đó, các nhà đài phải trả lời về việc mua gói bản quyền nào, giá bao nhiêu với họ trước ngày 6/2. Tuy nhiên, VTV, các nhà đài Việt Nam khác và Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, đã thống nhất thành lập Ban đàm phán để bàn chuyện thương thảo với IMG về giá bản quyền Premier League, tiếp tục với quan điểm không mua bằng mọi giá.
Ngày 28/1/2013, AVG cũng có đề xuất các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền thống nhất nguyên tắc cùng mua bản quyền hoặc cùng không mua bản quyền Premier League. Không chấp nhận một đơn vị nào đó hành động riêng lẻ vì lợi ích riêng của đơn vị mình.
Bằng Tường