1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Johan Cruyff và bài học lớn của Sir Alex Ferguson

(Dân trí) - “Thánh Johan” đã để lại di sản quá lớn cho thế giới bóng đá. Tới ngay cả HLV huyền thoại như Sir Alex Ferguson từng nhận được bài học quý từ huyền thoại người Hà Lan.

Sir Alex Ferguson từng cùng MU đánh bại Barcelona hùng mạnh của Johan Cruyff ở trận chung kết cúp C2 năm 1991. Mặc dù vậy, 3 năm sau đó, ông đã “buông súng đầu hàng” trước “thánh Johan” vào tháng 11/1994.

Johan Cruyff ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Sir Alex Ferguson
Johan Cruyff ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Sir Alex Ferguson

Đó là trận thua “khủng khiếp” của MU với tỷ số 0-4 trước Barcelona (Stoichkov: 2 bàn, Romario: 1 bàn, Ferrer: 1 bàn) ở vòng bảng Champions League 1994/95. Trong cuộc chiến ấy, Barcelona đã kiểm soát hoàn toàn thế trận và gần như MU bị đặt vào thế bị động, không thể chống cự trước sức mạnh của “Dream Team” của Johan Cruyff.

Trang chủ của Barcelona từng ca ngợi: “Đây là một trong những ngày đẹp nhất của CLB”. MU loại khỏi vòng bảng sau thất bại ấy. Mặc dù vậy, đó không phải là “sự thật quá đen tối” của Sir Alex Ferguson.

Bởi lẽ, đó là thất bại tâm phục khẩu phục nhất trong sự nghiệp của ông. Thậm chí, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp vĩ đại của ông sau này. Chia sẻ sau trận đấu, cựu HLV người Scotland từng thừa nhận: “Đó là bài học lớn với tôi. Họ đã dạy cho chúng tôi tầm quan trọng của việc sở hữu bóng. Thực sự, tôi chưa hiểu điều đó cho tới khi đụng độ với Johan Cruyff. Tôi hiểu rằng điều quan trọng nhất trong những trận đấu ở cúp châu Âu là phải kiểm soát được bóng. Barcelona giữ bóng và buộc chúng tôi phải thi đấu theo ý của họ”.

Với HLV vốn chỉ quen với lối chơi “kick & run” ở Anh, cuộc chiến với Barcelona thực sự đã “khai sáng” cho Sir Alex Ferguson. Nó ám ảnh ông cho tới hết sự nghiệp. Sau này, khi thất bại trước Barcelona của Pep Guardiola ở trận chung kết Champions League, “ông già gân” đã phát biểu: “Trận đấu này khiến tôi nhớ về thất bại 0-4 trước Barcelona năm xưa”.

Sau trận đấu ấy, tư duy của Sir Alex Ferguson đã thay đổi. Cuối mùa giải 1994/95, “ông già gân” đã thực hiện đột phá khi chia tay hàng loạt công thần như Mark Hughes, Andrei Kanchelskis hay Paul Ince và tạo cơ hội cho những tài năng trẻ như Paul Scholes, David Beckham, Gary Neville “bước ra ngoài ánh sáng”.

Người ta đã thấy lối chơi của MU thay đổi. Họ trình làng lối chơi đẹp mắt, với những pha phối hợp “đáng đi vào trong sách giáo khoa bóng đá”. Chức vô địch Champions League năm 1999 chính là “trái ngọt” mà “ông già gân” có được sau bài học của Johan Cruyff.

Barcelona của Johan Cruyff đã dạy cho Sir Alex Ferguson bài học về kiểm soát bóng
Barcelona của Johan Cruyff đã dạy cho Sir Alex Ferguson bài học về kiểm soát bóng

Thậm chí, năm 1996, Sir Alex Ferguson từng gây sốc khi mang về Jordi Cruyff, “quý tử” của “Thánh Johan”. Tới nay, đó vẫn là bản hợp đồng bí ẩn nhưng nhiều người tin rằng, ông sử dụng chính “người nhà” của Johan Cruyff để tìm hiểu về triết lý của ông. Đáng tiếc, ông đã thất bại hoàn toàn ở canh bạc này.

Tờ Manchester Evening News đã đưa ra nhận định: “Nếu không có Johan Cruyff, Alex Ferguson có thể đã không bao giờ được phong tước Hiệp sĩ và được người ta gọi là “Sir” và ông có thể không bao giờ chạm tay vào chức vô địch Champions League”.

Tất nhiên, không chỉ mình Sir Alex Ferguson bị ám ảnh bởi triết lý của huyền thoại Johan Cruyff bởi lẽ, nó có sức lan tỏa cả thế giới bóng đá. Tới tận bây giờ, nó vẫn là nền tảng của thế giới bóng đá. Đặc biệt, cậu học trò ưu tú của ông, Pep Guardiola đã gặt hái được thành công rực rỡ trong những năm qua bởi thứ “bóng đá tổng lực” mà Johan Cruyff là người đã nâng tầm.

Khi Johan Cruyff tới Barcelona, người ta biết tới sơ đồ 3-4-3. Cựu cầu thủ Barcelona, Eusebio Sacristán nhớ lại: “Ông ấy cầm bảng đen, vẽ ba hậu vệ, bốn tiền vệ, hai cầu thủ chạy cánh và một tiền đạo. Tôi tự hỏi: ‘Cái quái gì thế này’. Đây là thời đại của 4-4-2 và 3-5-2. Chúng tôi không thể ngờ nổi vì sao ông ấy bố trí ít hậu vệ tới vậy. Ông ấy đã giới thiệu công thức mới để chơi bóng ở Tây Ban Nha. Đó thực sự là cuộc cách mạng”.

Giờ đây, người ta vẫn thấy Pep Guardiola vận dụng triết lý ấy ở Bayern Munich và… tiếp tục mang tới sự kinh ngạc. Thực tế ấy cho thấy sự “bất tử” của Johan Cruyff như chính câu nói của ông: “Bằng cách nào đó, tôi sẽ trở thành bất tử”.

H.Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm