Iran và Nhật Bản, đội bóng nào thực dụng hơn?
(Dân trí) - Nhật Bản được đánh giá là một trong những đội có lối chơi thực dụng nhất tại Asian Cup 2019, khác hẳn với hình ảnh của chính họ các kỳ giải trước. Nhưng cũng về tính thực dụng, Iran có lẽ cũng chẳng kém, nếu nhìn vào các thông số liên quan đến đội bóng Tây Á.
Sở dĩ người ta nhắc đến sự thực dụng của đội tuyển Nhật Bản, vì qua cả 5 trận đấu của mình tại giải năm nay, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc chỉ thắng với cách biệt đúng 1 bàn, tức là luôn thắng vừa đủ.
Cụ thể, đội bóng là đại diện cho nền bóng đá có 4 lần vô địch châu Á thắng Turkmenistan 3-2, thắng Oman 1-0, thắng Uzbekistan 2-1 tại vòng bảng, thắng Saudi Arabia 1-0 ở vòng 1/8 và thắng đội tuyển Việt Nam cũng chỉ với tỷ số 1-0 tại tứ kết.
Có một điều không khó nhận thấy nơi đội tuyển Nhật Bản tại Asian Cup 2019, ở chỗ họ thường chỉ gây áp lực mạnh lên phần sân của đối phương khi chưa giải quyết được bàn thắng. Còn sau khi đã có bàn thắng dẫn trước, nhà cựu vô địch châu Á thường giảm tốc độ và đá với nhịp độ nhẹ nhàng hơn.
Lối chơi vừa nêu, theo cựu HLV Đoàn Minh Xương, càng khiến cho Nhật Bản trở nên đáng sợ, cụ thể là ở chỗ đội bóng này rõ ràng tính đến việc sẽ đá trận cuối cùng của giải, bằng cách tiết kiệm sức ở mức tối đa trong từng trận đấu, đồng thời cố gắng không cho đối phương đọc ra mọi bài bản của mình.
Sự thực dụng dường như lan toả đến bóng đá Nhật Bản nói chung và đội tuyển Nhật Bản nói riêng từ sau thất bại của chính họ trước Bỉ ở giai đoạn knock-out của World Cup 2018. Khi đó, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc thua ngược Bỉ, sau khi đã dẫn trước đến 2 bàn trong hiệp 2, vì thi đấu quá hồn nhiên và quá thiên về tấn công.
Ngoài ra, Nhật Bản còn thay đổi ở điểm họ quan tâm nhiều hơn nữa đến thể hình của các cầu thủ, nhất là của các trung vệ, cũng sau trận thua Bỉ tại World Cup.
Nhật Bản khi đó thua vì những tình huống dội bóng bổng của đối phương, từ thời điểm Bỉ tung hàng loạt cầu thủ cao trên 1m90 vào sân, hòng tận dụng ưu thế về thể hình.
Hiện tại, để tránh thua ở các tình huống bóng bổng, Nhật Bản sử dụng hàng phòng ngự lực lưỡng, với cặp trung vệ cao xấp xỉ 1m90 là đội trưởng Maya Toshida (1m89) và tài năng trẻ Takehiro Tomiyasu (1m88).
Mà để chống bóng bổng, Nhật Bản sẽ đụng ngay đối thủ sở hữu dàn cầu thủ có thể hình cao lớn nhất châu Á là Iran ở bán kết Asian Cup. Tố chất của cầu thủ Iran quá tốt, không trung phong nào của họ cao dưới 1m86, đồng thời các trung vệ, tiền vệ trung tâm của đội bóng xứ Ba Tư cao trên dưới 1m90 là bình thường.
Iran ở giải năm nay cũng phòng ngự rất kín kẽ, rất thực dụng. Đã qua 5 trận đấu, nhưng Iran chưa thủng lưới lần nào.
Đội bóng 3 lần vô địch châu Á thắng Yemen đến 5-0, thắng đội tuyển Việt Nam 2-0 và hoà Iraq 0-0 tại vòng bảng. Sau đó, Iran thắng tiếp Oman 2-0 ở vòng 1/8, trước khi đánh bại Trung Quốc đến 3-0 ở tứ kết.
Một Iran công cường, thủ cứng sẽ đối diện với một đội tuyển Nhật Bản mưu lược, tinh quái và nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản cũng sẽ là đối thủ mạnh nhất từ đầu giải đến giờ là phép thử cho hàng thủ vẫn chưa bị thủng lưới của Iran.
Kim Điền