Hồng Sơn: Học không vì bằng cấp
Học hai trường đại học, làm HLV U15 Thể Công, lại có tới hai nhóc, Hồng Sơn bận tối mắt tối mũi dù đã giải nghệ. Dù vậy, thỉnh thoảng tiền vệ tài hoa ngày nào vẫn xỏ giày đá bóng. Năm trước, anh giúp đội Bia đỏ thăng hạng, vừa rồi, anh lại khoác áo đội tuyển futsal VN thi đấu tại giải vô địch châu Á.
Nhiều cầu thủ sau khi giải nghệ cảm thấy rất lo lắng vì tụt giảm thu nhập. Cuộc sống của anh hiện nay thế nào?
Công việc có chu kỳ, bóng đá có tuổi. Tôi cũng muốn tiếp tục nhưng cái đầu gối mỏi đâu có nghe lời mình. Lúc "nghỉ hưu", tôi cũng đã xác định tư tưởng trước nên tới giờ, tôi vẫn sống vui, sống khoẻ. Nhà tôi có cửa hàng cho thuê áo cưới, nên cuộc sống của tôi bây giờ chẳng có gì đáng phàn nàn. Hơn nữa, thời điểm tôi giải nghệ, lương tháng của cầu thủ Thể Công cao nhất cũng chỉ là 5 triệu đồng chứ chưa lên tới cả chục triệu như bây giờ.
Đã chọn con đường gắn bó với sân cỏ, tại sao anh lại đăng ký học tại chức Luật?
Nói thì nghe hoa mỹ, nhưng tôi thấy học chẳng bao giờ thừa. Gần đây, tôi thấy báo chí cũng phản ánh nhiều về chuyện học hành của cầu thủ. Tôi thường bảo các em ở đội trẻ, muốn làm gì thì làm, nhưng phải chăm lo tới việc học của mình không để người ta chê dân cầu thủ dốt nát. Tôi học luật chẳng phải để ra làm luật sư, hay làm này làm nọ, cũng chẳng chạy theo bằng cấp cho oai. Mình có học, có hiểu biết, nghe mọi người nói chuyện thời sự thì không tới nỗi mù tịt.
Có thời điểm, anh vừa làm HLV, vừa đi học Đại học TDTT, lại học cả trường Luật, anh có nghĩ mình quá tham lam?
Tôi cố thu xếp thôi. Nhiều lúc bận rộn quá, phải khất cho thi lại, học lại đợt sau. Đợt vừa rồi, đang thi đấu ở giải bóng đá trong nhà châu Á ở TPHCM, tôi phải bay ra Hà Nội để thi nốt học phần. Nhưng đi học không chỉ có thêm kiến thức mà còn giúp tôi có thêm cơ hội mở rộng các mối quan hệ, va chạm với cuộc sống. Lúc tôi còn đá bóng thì là anh cả già nhất đội, nhưng khi tới lớp tôi chỉ là em út, ít tuổi gần như nhất lớp.
Anh thấy việc đi học có khác nhiều với việc đá bóng trên sân cỏ?
Ngồi học trên giảng đường, ngồi không mà cũng mệt lắm. Tay viết mỏi, đầu phải nghĩ nhiều. Nhưng ngồi trong nhà nhiều, ra sân đá bóng cũng khó lắm.
Trước khi lấy anh, chị Hồng Hải là sinh viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền, làm sao hai người đến được với nhau?
Cũng nhờ học hành cả đấy. Một anh học cùng lớp bên trường Luật của tôi quen với cô ấy, chúng tôi đi chơi chung với nhau nhiều nên yêu nhau, được một năm thì cưới.
Lấy vợ ba năm, có liền hai nhóc, anh lại vừa làm HLV, lại đi học hai trường. Anh có thấy áy náy khi để cô vợ xinh xắn vừa tốt nghiệp đại học quanh quẩn ở nhà chăm sóc hai bé?
Tôi thương vợ lắm chứ. Vợ tôi sinh năm 1981, tốt nghiệp đại học xong, đã sinh con ngay. Bạn bè cùng lớp đi làm, trong khi ấy, vợ mình thì chẳng được tung bay nữa. Nhưng tôi tự thấy mình không phải là người chồng tồi. Bận thì bận, nhưng những việc như thay đồ, cho bé ăn tôi làm ngon lành. Cũng may là chúng tôi ở với bố mẹ nên cũng đỡ phần nào. Chúng tôi cũng đâu có ý đẻ dầy như thế đâu. Hai cháu Gia Bách (2 tuổi) và Khánh Vy (mới sinh đầu năm nay) cũng dễ thương lắm.
Giờ đây, khi nhớ lại những tin đồn trước đây khi anh là cầu thủ có quan hệ với xã hội đen, anh nghĩ như thế nào?
Lúc ấy, tôi đã phản ứng bằng cách gửi thư ngỏ cho báo chí khẳng định sự trong sáng của mình. Tôi là cầu thủ, tôi phải biết tính tới chuyện giữ hình ảnh của mình chứ. Tôi chưa bao giờ thấy mình có gì phải hối hận.
Bao giờ anh cũng phản ứng quyết liệt như vậy với những tin đồn về mình?
Tôi chỉ phản ứng với những tin đồn mà tôi thấy quá ác ý với mình. Mỗi người một tính cách, tôi không thể làm hài lòng tất cả mọi người được.
Biệt danh Sơn "Công Chúa” có từ khi Hồng Sơn còn nhỏ. Gia đình có 5 trai, một gái nên rất thèm một người con gái nữa. Ngoài ra, gia đình anh cho thuê quần áo cưới, bạn đến chơi hay trang điểm cho anh và bắt mặc áo cưới. Lúc ấy trông Hồng Sơn xinh như một công chúa. Bên cạnh đó, anh cũng thích xịt nước hoa, xịt ít gôm lên đầu khi ra phố. Hồng Sơn từng hai lần giành danh hiệu Quả bóng vàng (1998, 2000). |
Tuệ Anh (Ngoisao) thực hiện