Hoa khôi môn đá cầu Huyền Trang: Sự nghiệp vẻ vang, cuộc đời bất hạnh
(Dân trí) - Tài giỏi, xinh đẹp, từng lên tới đỉnh cao nhất thế giới với 2 tấm HCV môn đá cầu, nhưng Nguyễn Huyền Trang lại phải trải qua những ngày tháng đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác, để rồi kết thúc bằng sự ra đi với những giấc mơ giản dị dở dang.
Đỉnh cao thế giới và những thăng trầm cuộc đời
Nguyễn Huyền Trang (1985) từng là trụ cột, là hoa khôi của của đội tuyển đá cầu Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2007, cô cùng các đồng đội giành nhiều huy chương quốc gia, SEA Games và thế giới. Trong đó nổi bật có hai tấm HCV SEA Games 22 đôi nữ và đồng đội nữ cũng như hai HCV giải vô địch thế giới thế giới các năm 2005 và 2007.
Đá cầu không phải là môn thể thao có nhiều quốc gia chơi, nhưng với bất cứ VĐV, dù có theo đuổi môn nào thì họ vẫn luôn vì màu cờ sắc áo, vì vinh quang của sự nghiệp thể thao nước nhà. Có nhiều người từng hỏi vì sao một cô bé xinh xắn như Trang lại theo nghiệp VĐV, Trang từng chia sẻ đơn giản rằng cô muốn được khoác lên mình lá cờ tổ quốc, được nghe nhạc quốc ca khi giành huy chương, đơn giản chỉ có thế.
Bao năm tháng đổ mồ hôi, và cả máu để giành vinh quang, nhưng khi nghỉ thi đấu, lại là một cuộc đời đầy thử thách, đầy bất hạnh và nước mắt với nhà vô địch thế giới Nguyễn Huyền Trang.
Sau đỉnh cao, cũng như các VĐV khác, Trang giã từ sự nghiệp VĐV để lập gia đình. Trái ngược với sự nghiệp huy hoàng, Huyền Trang lại gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Năm 2007, sau khi lấy chồng nhưng không lâu sau đó, vợ chồng cô ly hôn do những mâu thuẫn không thể hóa giải. Tòa xử Huyền Trang nuôi con gái lớn còn chồng nuôi con trai. Quá buồn và hụt hẫng, năm 2012, Huyền Trang trở lại thi đấu và đầu quân cho Đà Nẵng với mong muốn quên đi những điều không vui về cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư vú quái ác đã lấy đi của cô sức khỏe và sự nghiệp.
Huyền Trang đã từng hai lần vô địch thế giới môn đá cầu
Cô gái vàng của đá cầu Việt Nam phát hiện bị ung thư vú khi đó căn bệnh đã di căn vào xương khiến cô bị liệt cả hai chân. 5 năm liền là quen với giường bệnh, với những đợt xạ trị đau đớn thể xác, có lúc Trang tưởng như đã chiến thắng được số phận, nhưng điều đó đã không xảy ra. Căn bệnh di căn sang phổi, rồi lên não, mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của y học cũng như nghị lực vốn dĩ phi thường của Nguyễn Huyền Trang.
Biết không qua khỏi vẫn lạc quan
Trong bạo bệnh, Trang đã chứng tỏ nghị lực phi thường khi nhiều lần vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết trong suốt 5 năm qua, để trở lại cuộc sống đời thường.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Gia đình phải bán hết những đồ đạc có giá trị, vay mượn người thân và nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm mới có tiền trang trải viện phí, thuốc men cho Trang. Bố mẹ Trang hiện nghỉ hưu, kinh tế gia đình kiệt quệ vì bao nhiêu tiền của, tài sản đã dồn vào việc thuốc thang, chữa bệnh cho cô trong những năm qua.
Sự ra đi của Huyền Trang để lại nhiều tiếc nuối đối với thể thao Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Hồng, bố của Huyền Trang cho biết: “Cách đây một tháng, căn bệnh ung thư vú di căn sang xương, bất ngờ tái phát, rồi sau đó lên não và tràn dịch màng phổi. Trang đã được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nhưng lần này nặng hơn những lần trước, phải tiêm mooc phin để giảm đau”.
Sức khỏe yếu dần đi, đêm 21/7, Trang kiên cường vượt qua lằn ranh sinh tử để thắp lên hy vọng mong manh. Dù vậy, cô đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 23/7, sau khi không thể chiến thắng được số phận vì căn bệnh đã di căn lên não.
Biết tin, người thân, bạn bè, đồng nghiệp không khỏi tiếc thương cho Trang. Cô ra đi để lại hai đứa con một gái, một trai đang học lớp 2, lớp 3.
Để lo kinh phí chữa trị cho Trang, gia đình thậm chí đã phải bán cả nhà. Sự ra đi của Huyền Trang để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng những người yêu mến cô, yêu mến bộ môn đá cầu. Nhưng trước lúc nhắm mắt, Trang vẫn nở nụ cười lạc quan, không bao giờ muốn người thân nghĩ về điều xấu nhất sắp xảy ra.
Thuỳ Anh