HLV Ronald Koeman có thể vực dậy đế chế Barcelona dần sụp đổ?
(Dân trí) - Chỉ trong vòng 2 ngày, Barcelona đã sa thải hai vị trí (HLV trưởng, Giám đốc thể thao) và đồng thời bổ nhiệm HLV Ronald Koeman. Liệu chăng, đây có phải là nước cờ chính xác.
Tìm về bản ngã Barcelona...
Trận thua 2-8 trước Bayern Munich là dấu hiệu lớn cho thấy đế chế Barcelona đang dần sụp đổ. Ở trận đấu đó, tất cả yếu kém của CLB xứ Catalan đã bị phơi bày như tâm lý bạc nhược, thiếu gắn kết, sự phụ thuộc lớn vào Messi...
Nhưng có một điều quan trọng mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận, đó là Barcelona đã không còn chất riêng của mình. Đã qua rồi cái thời Los Blaugrana sống bằng dòng máu trẻ lò La Masia, với những pha ban bật đi vào lòng người, tạo ra thế trận có thể bóp nghẹt đối thủ.
Hẳn bạn sẽ giật mình nếu nhận ra rằng hai HLV gần nhất giúp Barcelona vô địch Champions League đều là những người cũ của CLB, đó là Pep Guardiola, là Luis Enrique. Còn lại, họ đều thất bại trước những HLV mang “dòng máu khác” như Tata Martino, Ernesto Valverde hay gần nhất là Quique Setién.
Thực ra, vấn đề bổ nhiệm người cũ đang là xu thế. Real Madrid lên đỉnh thế giới nhờ Zidane, Diego Simeone với Atletico Madrid, Frank Lampard với Chelsea, Solskjaer với Man Utd, Arsenal với Mikel Arteta và mới nhất, Juventus cũng bổ nhiệm Andrea Pirlo vào ghế nóng.
Có thực tế như vậy bởi giờ đây, cái tôi của các cầu thủ đang ngày càng cao, dẫn tới sự thiếu đoàn kết lớn. Sẽ không bất ngờ nếu nói rằng đó mới là nguyên nhân chính khiến các CLB thất bại. Zidane có thể trải qua giai đoạn cực kỳ thành công ở Real Madrid nhờ vào cái uy của mình, có thể át được cá tính lớn như C.Ronaldo, Sergio Ramos. Tương tự, Jurgen Klopp cũng xây dựng Liverpool thành khối thống nhất trong những năm qua.
Barcelona quyết định bổ nhiệm Ronald Koeman cũng vì lẽ đó. Điều họ cần nhất lúc này chính là sự ổn định. Ronald Koeman mang đầy đủ tố chất để làm được điều đó. Một huyền thoại sống của CLB. Một HLV máu lửa và đầy cá tính. Một người học trò xuất sắc, thấm nhuần triết lý của Johan Cruyff (thứ triết lý mà Barcelona theo đuổi trong cả hàng thập kỷ qua).
Thậm chí, ngay từ trước khi quyết định chính thức bổ nhiệm HLV Ronald Koeman, Chủ tịch Barcelona, Josep Maria Bartomeu đã nhấn mạnh: “Chúng tôi chấp nhận đánh cược vào Ronald Koeman bởi hiểu được triết lý của ông ấy. Tôi đã liên hệ với ông ấy ngay từ tháng 1. Ronald Koeman là học trò của Johan Cruyff và ông ấy hiểu được thứ bóng đá mà Barcelona muốn hướng tới”.
Có lẽ, trong những năm qua, chưa khi nào mà Barcelona nhận được sự ủng hộ như khi bổ nhiệm Ronald Koeman. Bởi họ hiểu, chỉ có những con người như vậy mới có thể sắp xếp lại từng viên gạch, để xây dựng lại đế chế Barcelona.
Đương nhiên, chẳng ai nghi ngờ về tình yêu của Ronald Koeman với sân Nou Camp. Ông chấp nhận bỏ công việc đang trên đà phát triển ở đội tuyển Hà Lan để về “mái nhà xưa” đảm nhận công việc nhiều thử thách và áp lực hơn. Thậm chí, có những nguồn tin còn cho rằng Ronald Koeman chấp nhận trả tiền túi đền bù hợp đồng cho Liên đoàn bóng đá Hà Lan vì giấc mơ trở lại CLB cũ.
Vậy Ronald Koeman có thể mang tới cho Barcelona những gì?
Đầu tiên (và quan trọng nhất) vẫn là sự ổn định, gắn kết. Chẳng có CLB nào thành công khi những ngôi sao lớn công khai phản đối HLV trưởng và phớt lờ sự chỉ đạo của người đứng đầu (như cách Messi phớt lờ HLV Quique Setién). Đơn giản, họ bất phục HLV trưởng.
Hãy xem những gì Luis Enrique từng làm với Messi. Đó là đầy ải cầu thủ người Argentina lên băng ghế dự bị trong trận đấu với Real Sociedad hồi tháng 1/2015. Tất nhiên, đó không chỉ là một lần mà El Pulga phải ngồi dự bị. Và rồi, cuối cùng, họ vẫn ôm nhau rạng rỡ sau khi đăng quang chức vô địch Champions League 2015. Dù sau này, Luis Enrique đã bị sa thải vào năm 2017 nhưng ít nhiều, trong quyết định của ông nó vẫn cho thấy tuyên ngôn: “Không ngôi sao nào lớn hơn CLB”.
Cái uy của Luis Enrique là điều mà sau này Ernesto Valverde hay Quique Setién đều không có. Họ dường như thỏa hiệp với sự phụ thuộc vào Messi cũng như chấp nhận “cửa dưới” về tầm ảnh hưởng tại CLB.
Luis Enrique, Pep Guardiola và kể cả Ronald Koeman đều có cái uy mà những HLV không mang trong mình “dòng máu” Barcelona không thể có được. Ít nhiều, những cá tính lớn như Messi cũng nể vài phần.
Nhưng tất nhiên, Ronald Koeman còn có nhiều điều kỳ vọng hơn thế. Nếu để ý kỹ, ông đã đưa ra không ít thông điệp trong quá khứ. Như hồi tháng 3 vừa qua, khi bàn về lối chơi của Barcelona, Ronald Koeman nhấn mạnh chi tiết: “Một đội bóng cần những cầu thủ có tốc độ. Hãy như cái cách Vinicius Jr làm khổ Barcelona. CLB đang thiếu đi cầu thủ chạy cánh năng nổ, có thể lùi sâu về nhận bóng”.
Ở đội tuyển Hà Lan, HLV Ronald Koeman rất thành công khi sở hữu Quincy Promes và Ryan Babel ở hai cánh. Họ đã tạo nên sự cơ động ở hai bên hàng lang cánh và là yếu tố sống còn trong sự hồi sinh của “Cơn lốc màu da cam”. Do đó, người ta có thể dự đoán Fati và Ousmane Dembele sẽ có nhiều đất diễn hơn dưới thời Ronald Koeman.
Một điều khác mà Ronald Koeman từng nói: “Các đội bóng hiện đại thi đấu với cường độ lớn. Rất khó để Barcelona đối phó với điều đó. Thất bại trước Liverpool ở bán kết Champions League mùa giải trước hay trận gặp Atletico Madrid ở siêu cúp Tây Ban Nha mùa này đã chỉ rõ điểm yếu ấy. Điểm chung ở cả hai trận đấu là Barcelona không đủ sức để theo đối thủ”.
Điểm cuối cùng mà Ronald Koeman chỉ ra: “Giờ đây, Barcelona không còn đủ sức kiểm soát bóng và gây sức ép đủ lớn như trước. Yếu tố sống còn giúp Los Blaugrana trở lại chính là trở về bản ngã, với lối chơi quen thuộc”.
Ba vấn đề ở trên dẫn tới một điều, Ronald Koeman sẽ xây dựng Barcelona dựa theo lối chơi tổng lực của người Hà Lan. Không khó để hiểu điều này bởi Ronald Koeman là học trò xuất sắc của huyền thoại Johan Cruyff.
Có thể hình dung, lối chơi Barcelona thời Ronald Koeman sẽ là thứ bóng đá năng động hơn, đòi hỏi các cầu thủ chạy rất nhiều, chứ không hẳn là dồn bóng cho Messi tự xử lý như những năm qua. Với tư duy của Ronald Koeman, những cầu thủ trẻ cũng sẽ có nhiều đất diễn hơn.
“Barcelona không còn như vài năm trước vì họ không có những cầu thủ như trước đây. Những trụ cột như Busquets, Pique, Messi đều đã ngoài 30 tuổi. Sự xuống dốc của Barcelona y hệt như bóng đá Hà Lan. Để tồn tại, bạn buộc phải lột xác và thoát khỏi vùng an toàn” - Ronald Koeman nhận định.
Cần nói thêm rằng, khi tiếp quản Valencia vào năm 2006, Ronald Koeman đã thẳng tay thanh trừng đám công thần như Albelda, Baraja hay Angulo. Vì vậy, chẳng ngạc nhiên nếu ông thực hiện cuộc cách mạng tương tự ở Barcelona. Đó cũng là điều Barcelona cần thiết ở thời điểm này, để vứt đi thứ vỏ bọc đã quá cũ kỹ.
Liệu chăng, sẽ có cuộc đổ bộ của những người Hà Lan bay tới Barcelona như thời Van Gaal (khi Ronald Koeman đóng vai trò trợ lý)?