HLV Miura mất phương hướng hay VFF mất phương hướng?

(Dân trí) - Người ta chê HLV Miura không biết cách ổn định đội hình cho các đội tuyển trong suốt quãng thời gian ông cầm quân gần 2 năm nay. Nhưng hóa ra đội tuyển cũng chỉ phản ánh thực trạng thiếu ổn định của cơ quan quản lý nền bóng đá.

HLV Miura ổn định tinh thần nổi không khi cứ trước và trong mỗi giải đấu lớn ông luôn phải nhận những chỉ trích gay gắt? Càng tai hại hơn khi những chỉ trích đấy lại còn được đưa ra từ chính những người đóng vai trò quản lý nền bóng đá, tức là sếp trực tiếp của vị HLV người Nhật tại VFF?

Và đội tuyển có ổn định nổi không, một khi ông HLV trưởng của các đội tuyển không ổn định về mặt tinh thần, khi luôn phải chứng kiến các sếp trực tiếp của mình ở phía trên đối lập về mặt quan điểm?

Chắc cũng chẳng có nền bóng đá nào như bóng đá Việt Nam, lại có chuyện trong lúc đội tuyển đang làm nhiệm vụ quốc tế, thì liên tiếp 2 ông phó chủ tịch (PCT) liên đoàn bóng đá quốc gia công khai đăng đàn, một “đá xoáy” và một chỉ trích trực tiếp ông HLV trưởng của đội tuyển.

 

VFF giờ bị ví như cỗ xe mà một ít người đạp ga, hai ba người đạp thắng
VFF giờ bị ví như cỗ xe mà "một ít người đạp ga, hai ba người đạp thắng"

 

Những việc đấy thông thường thì người ta tranh luận và đấu tranh quan điểm trong nội bộ BCH, hoặc nội bộ thường trực, trước khi đi đến quyết định sa thải hay giữ lại ông HLV trưởng. Đằng này chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bực dọc cho biết những việc đấy khi họp thì chẳng ai trình bày ý kiến, hoặc chẳng ai biết cách đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình trong các buổi đối thoại, nhưng ra ngoài lại hô lên.

Hoặc như ủy viên thường trực VFF Trần Anh Tú nói thẳng về chuyện phát ngôn của PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ: “Anh Gụ ở các buổi họp BCH không ý kiến, không trình bày, sau đó mới đem ra ý kiến ở hội nghị khác. Như thế là không đúng, không có tác dụng gì trong việc xây dựng VFF. Hay nói cách khác là anh ấy không góp phần xây dựng VFF”.

Ví dụ như chuyện của HLV Miura, nếu các thành viên chủ chốt của VFF không hài lòng gì về vị HLV người Nhật, có thể gặp nhau để nói trực tiếp, cứ đưa ra quan điểm và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Chứ những ý kiến đấy đã không trao đổi với nhau, trước khi có các quyết định chính thức, mà còn phát biểu bên ngoài thì vừa không có tác dụng, vừa gây rối lòng quân, khiến ông HLV trưởng của đội tuyển nói riêng và toàn đội nói chung bị ảnh hưởng tâm lý.

Người ta cũng thắc mắc ở VFF bây giờ ai thực sự làm việc và ai không? Ví như chuyện PCT Nguyễn Xuân Gụ nhắc đến chuyện VFF có khó khăn về tài chính, dẫn đến chuyện chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải nhắn tin cho ông Gụ tìm nguồn tài trợ cho công tác truyền thông.

Đấy há chẳng phải là điều lạ chăng? – Khi PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF là bầu Đức, vốn là doanh nhân nghìn tỷ, mà vẫn để cho tổ chức này khó khăn về mặt kinh phí?!

VFF chỉ có vài ủy viên thường trực, nhưng mỗi người lại nhìn về một hướng khác nhau, mỗi người lại phát biểu theo một phách khác nhau, thì họ ổn định cho các đội tuyển thế nào được? Họ làm sao giúp cho HLV Miura yên tâm trong công việc?

Và VFF làm sao tìm được lối ra cho đội tuyển, làm sao hoạch định nổi chiến lược cho toàn bộ nền bóng đá với tình trạng không ít người ở các vị trí chủ chốt thích nói hơn làm, tình trạng mà dư luận bắt đầu kháo nhau: “Một ít người nhấn ga, hai ba người đạp… thắng (phanh)”!

Kim Điền

 

HLV Miura mất phương hướng hay VFF mất phương hướng? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm