HLV Kim Huệ và các học trò được xem xét rút án kỷ luật
(Dân trí) - Trước nhiều sức ép, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đang xem xét việc rút lại án kỷ luật cảnh cáo với HLV Kim Huệ và 3 tuyển thủ đội Ngân hàng Công thương.
Sau khi vụ lùm xùm liên quan đến HLV Kim Huệ và 3 học trò bị kỷ luật thiếu cơ sở, được báo chí vào cuộc phản ánh, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc.
Lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục TDTT cần yêu cầu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam xem xét lại toàn bộ vụ việc và có báo cáo sớm, qua đó chấm dứt vụ việc, không gây ảnh hưởng tới hình ảnh bóng chuyền Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung.
"Ngày mai, tôi một lần nữa được Liên đoàn bóng chuyền mời làm việc về vụ nhận án kỷ luật. Quan điểm của tôi và các VĐV là vẫn đấu tranh tới cùng trước án kỷ luật thiếu căn cứ", HLV Kim Huệ cho biết.
Trước đó, HLV Phạm Thị Kim Huệ cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, Tổng cục TDTT và cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về án kỷ luật đối với cô và 3 VĐV Ngân hàng Công thương gồm Ninh Anh, Phương Anh và Thu Hoài.
Về quan điểm của Tổng cục TDTT trong vấn đề gây xôn xao dư luận vừa qua, Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết mình đã nhận được đơn của Kim Huệ và xem xét trên nhiều độ khác nhau, từ đó đưa ra quyết định có yêu cầu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thu hồi án kỷ luật hay không.
Ông Trần Đức Phấn cũng thừa nhận Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với CLB này đàm phán với CLB khác.
Trước đó, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) Lê Văn Thành cho rằng việc HLV Kim Huệ và các VĐV đi đêm, nhận trước số tiền lên tới gần chục tỷ đồng là thiếu nghiêm túc.
Theo ông Thành, khi còn chưa thanh lý hợp đồng với CLB cũ, Kim Huệ và 3 học trò đã nhận tới gần 10 tỷ đồng từ một đội bóng khác. Dù chỉ là thỏa thuận nhưng điều này là khó chấp nhận. Nếu Kim Huệ và các VĐV trên chỉ nhận khoảng 100 triệu đồng thì mọi chuyện đã khác.
"VFV đủ căn cứ kỷ luật răn đe Kim Huệ và các VĐV để không làm ảnh hưởng đến bóng chuyền Việt Nam. Đang thi đấu cho CLB này lại đi nhận tiền của CLB khác là vi phạm các quy định của bóng chuyền Việt Nam", ông Thành khẳng định.
Vụ việc khiến HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV bị cảnh cáo liên quan đến việc đàm phán hợp đồng với một CLB khác trước khi mùa giải diễn ra. Những thành viên này của CLB Ngân hàng Công thương được cho là đã đồng ý chuyển tới đội khác, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định và trả lại tiền "đặt cọc".
HLV Phạm Kim Huệ khẳng định cô và các VĐV kể trên đã giải quyết các vướng mắc theo đúng luật, có giấy tờ, biên bản.
Phía đội bóng sau đó báo cáo lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, đề nghị cấm Kim Huệ và các VĐV thi đấu ở những giải do Liên đoàn tổ chức. Chủ tịch Lê Văn Thành sau đó ký văn bản cảnh cáo Kim Huệ và các VĐV vào ngày 10/4, đúng ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam 2021.
Ngay trong ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 (12/4), Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam bất ngờ ra quyết định cảnh cáo HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Ninh Anh. Tuy nhiên, quyết định này phải tới 3 ngày sau đó mới được gửi tới tay HLV Kim Huệ và các học trò.
Trước đó, từ đầu tháng 3/2021, Phạm Kim Huệ có ý định rời CLB Ngân hàng Công Thương để đầu quân cho CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Các VĐV trụ cột Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh cũng theo chân đàn chị.
Trước khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 khởi tranh, phía FLC có gửi công văn tới Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị không cho đăng ký Kim Huệ và 3 VĐV kể trên tham gia thi đấu các giải đấu trong thời gian tới do làm "tổn hại tới uy tín của hãng, thương hiệu đã bị các VĐV lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp".
Điều đáng nói là HLV Phạm Thị Kim Huệ cùng 3 học trò mới chỉ đạt thỏa thuận với đội bóng Vĩnh Phúc chứ chưa ký hợp đồng. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau, tất cả đều quyết định vẫn ở lại CLB bóng chuyền Ngân hàng Công thương.